Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng qua hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền

Thứ Bảy, 28/03/2015, 13:33
Trong chiến cục xuân 1975, tính từ trận nghi binh mở màn của Sư đoàn 968 ở Bắc Tây Nguyên thì chỉ trong 60 ngày đêm quân và dân ta đã tiến công thần tốc, tiêu diệt bộ máy quân sự khổng lồ của địch, đập tan bộ máy ngụy quyền từ Trung ương đến thôn ấp, giành toàn thắng.

“Giành được thắng lợi to lớn và triệt để đó, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã giải quyết tốt những vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp trong quá trình tổ chức và chỉ huy tác chiến chiến lược”, Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng nhận định.

Đánh bại biện pháp co cụm chiến lược của địch

Ngay từ năm 1970 ta đã thành lập cấp binh đoàn (binh đoàn 70) tương đương quân đoàn và sau này quân đoàn 1, 2, 3, 4 lần lượt ra đời làm hạt nhân cho các chiến dịch binh chủng hợp thành. Năm 1973, chúng ta cũng cử hàng loạt cán bộ cao cấp đi học ở Liên xô để chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến quy mô lớn.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền phân tích: “Về cách đánh chiến lược, ta không chọn cách đánh vỗ mặt vào thế trận địch đã bày sẵn mà từ hướng Tây chọc vào sườn, nơi chúng có nhiều sơ hở và cũng là hậu phương rừng núi của ta xuống. Mặt khác chiều sâu phòng ngự của địch theo hướng Đông - Tây mỏng nên mỗi mũi tiến công của ta cũng là một mũi thọc sâu, mỗi đoạn đột phá cũng đồng thời là mũi chia cắt, chia cắt cả về chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, điều này làm cho địch hoàn toàn bất ngờ”.

Đòn tiến công chiến lược thứ hai, từ Nam vĩ tuyến 17 đến Quảng Ngãi được tiến hành bằng 3 chiến dịch: Chiến dịch Trị - Thiên, chiến dịch Nam - Ngãi và chiến dịch Đà Nẵng. Tập đoàn phòng ngự Trị - Thiên được bố trí với 4 vạn quân khá thiện chiến và được thiết kế trận địa kiên cố, có sự chi viện nhanh chóng của không quân, pháo binh, xe tăng khi tác chiến. Để bảo đảm chắc thắng trong chiến dịch này, cùng với lực lượng của quân khu Trị Thiên, ta đã sử dụng Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 304) tiến công địch ở núi Bông, núi Nghệ tiêu diệt các mũi phản kích của địch và kìm chân không cho chúng rút khỏi Trị Thiên.

Ở đồng bằng, 7 tiểu đoàn địa phương Quân khu, 100 đội vũ trang tuyên truyền cùng lực lượng tại chỗ và nhân dân ở 8 huyện đồng loạt tiến công địch làm cho chúng bị đánh cả phía trước, phía sau, bị động đối phó. Tháng 3 năm 1975, địch chủ trương co cụm lớn ở Đà Nẵng với hy vọng được Mỹ cứu giúp.

Ngay lập tức Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 táo bạo thọc sâu, vượt qua tuyến phòng ngự ngoại vi cắt đường 1 và áp sát Huế, bao vây chặt tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 1 ngụy, không cho chúng rút về Đà Nẵng. Theo đó, từ 17/3/1975 ta chia cắt chiến lược giữa Huế và Đà Nẵng, trói chặt chủ lực địch ở Bắc Hải Vân. Ngày 19/3, chớp thời cơ địch hoang mang ta đã giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, đập vỡ mảng phòng ngự được thiết lập ở Nam vĩ tuyến 17 từ năm 1954, quân địch hốt hoảng lùi về giữ tuyến phòng ngự Nam sông Mỹ Chánh.

Bộ Tổng Tư lệnh đã hạ quyết tâm tiến công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế. Ngày 21/3, từ ba hướng Bắc, Tây và Nam, quân ta đồng loạt vượt qua tuyến phòng ngự địch hình thành bao vây Huế. Ngày 25/3, ta đánh chiếm Cảng Tân Mỹ - Thuận An, toàn bộ quân địch đang cụm lại ở đây chờ quân Mỹ mang tàu đến cứu đã bị tiêu diệt. Thừa thắng, bộ đội chủ lực và địa phương từ nhiều hướng tiến vào Huế và 10h ngày 26/3, Huế được hoàn toàn giải phóng.

Tiêu diệt lực lượng lớn của địch trong thời gian ngắn nhất

Vẫn giọng kể lúc trầm ấm, lúc sôi nổi, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến nhớ lại: Ở phía Nam Đà Nẵng, Quân khu 5 mở chiến dịch Nam - Ngãi từ 4 – 24/3/1975. Đầu tháng 3 phối hợp với mặt trận Tây Nguyên Sư đoàn 3 quân khu 5 cắt đường 19 và tiến công sư đoàn 22 ngụy từ Bình Định đến Phú Phong, giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, buộc địch phải rút chạy khỏi Sơn Hà, Trà Bồng.

Ngày 21/3, Sư đoàn 2 đánh địch phản kích, tiêu diệt phần lớn Trung đoàn 5 và 1 Tiểu đoàn của Liên đoàn 12, phá vỡ tuyến ngăn chặn của chúng ở Tây Tam Kỳ. Ở Quảng Ngãi bộ đội địa phương cắt đường 1, hỗ trợ nhân dân truy bắt ác ôn, quân phòng thủ thị xã bị hoang mang rối loạn, địch phải điều 2 Trung đoàn bộ binh và thiết đoàn 4 lên Bắc cầu Trà Khúc để ngăn chặn quân ta.

Ngày 23/3, Quân khu 5 quyết định đưa Sư đoàn 2 được tăng cường 2 Tiểu đoàn Bộ binh, 10 xe tăng từ 2 hướng đột phá tuyến ngăn chặn của địch ở Tây Tam Kỳ, đánh thiệt hại nặng Sư bộ binh 2 của chúng và 10h20 ngày 24/3, đánh chiếm thị xã Tam Kỳ. Trên hướng Quảng Ngãi, Quân khu 5 quyết tâm chớp thời cơ ra lệnh tiến công thị xã.

Lúc 7h ngày 24/3, pháo binh bắn phá các mục tiêu quân sự, 2 tiểu đoàn Đặc công và Tiểu đoàn Bộ binh tỉnh cùng với xe tăng của Trung đoàn 574 đồng loạt tiến công. Từ hướng Bắc thị xã, Trung đoàn 94 của tỉnh cùng lực lượng các huyện tiến đánh liên đoàn biệt động quân ngụy, cắt đường 1 không cho chúng rút về Chu Lai. Lợi dụng đêm tối hơn 200 xe của địch từ Quảng Ngãi rút về Chu Lai nhưng bị ta chặn đánh, diệt 550 tên, bắt 3.500 tên, thu 206 xe quân sự. Quân ta giải phóng Quảng Ngãi lúc 23h30 ngày 24/3.

Ngày 24/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: “Sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, địch muốn giữ Đà Nẵng cũng không được”. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Đà Nẵng. Đúng 6h5 ngày 28/3/1975, pháo binh Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn phá dữ dội sân bay, quân cảng Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà...

Đúng 15h ngày 29/3/1975, các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực và lực lượng địa phương, nhân dân đã hội quân ở trung tâm thành phố, kết thúc thắng lợi chiến dịch Đà Nẵng. Toàn bộ lực lượng của quân khu 1 - quân đoàn 1 địch bị tiêu diệt và tan rã, căn cứ quân sự liên hợp mạnh nhất ở miền Nam đã bị ta tiêu diệt chỉ trong 32 giờ.

Đánh giá về thành công của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ông cho rằng, đó là một quyết định sáng tạo, khoa học và quyết đoán, làm cho địch không còn thời gian hồi phục, co cụm chiến lược để chống đỡ…

An Quỳnh (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền)
.
.