Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Chọc thủng 'lá chắn thép' đèo Phượng Hoàng - Chuyện kể của người trong cuộc

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:11
Len lỏi qua những hẻm phố nhỏ giữa phố biển Nha Trang trong buổi sáng giữa tháng ba đầy nắng gió, tôi tìm đến nhà riêng Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Binh đoàn 3. Ông là một trong những sĩ quan đã trực tiếp cùng đồng đội cầm súng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 bộ binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa và giải phóng Buôn Ma Thuột trong trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, chọc thủng “lá chắn thép” trên đèo Phượng Hoàng.

Ở tuổi 81 nhưng Đại tá Nguyễn Quang Lâm vẫn khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn và trong ký ức của ông vẫn sống mãi từng khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến 40 năm về trước. Sau khi rót tách trà thơm hương sen, ông tâm sự: “Tôi sinh trưởng ở vùng quê Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp sắp kết thúc, tôi vào bộ đội rồi tập kết ra miền Bắc. Năm 1967 tôi cùng nhiều đồng đội được lệnh vượt Trường Sơn vào chiến trường Quảng Trị, hơn 4 năm mới chuyến tiếp vào chiến trường B3 ở Tây Nguyên”.

Đại tá Nguyễn Quang Lâm trao đổi với tác giả.

Ngừng một lát, Đại tá Lâm kể tiếp: “Khi mục tiêu Buôn Ma Thuột đã được xác định là điểm mở màn cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo là Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Thiếu tướng Vũ Lăng là Phó Tư lệnh, còn Đại tá Đặng Vũ Hiệp là Chính ủy mặt trận. Sau khi Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên thống nhất triển khai phương án đánh nghi binh, thu hút địch ở Kon Tum, Pleiku để tấn công Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 10 của Quân đoàn 3 bí mật hành quân từ Kon Tum về Buôn Ma Thuột phối hợp một số đơn vị của Quân khu 5 và Sư đoàn 316 từ miền Bắc hành quân sang đất Lào rồi xuyên rừng tiếp cận Tây Nguyên để đảm nhiệm tiêu diệt, làm tan rã một bộ phận lớn của Quân đoàn 2 Quân đội Việt Nam Cộng hòa; tiêu diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 23 bộ binh và giải phóng Buôn Ma Thuột”.

Khi ấy ông Lâm là Thiếu tá, Phó Chính ủy Trung đoàn 24 – một mũi nhọn đột phá Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Trước khi đánh vào mục tiêu này, 5h35 sáng 9/3/1975, các mũi quân của Sư đoàn 10 nổ súng đánh chiếm căn cứ 23 và núi Lửa rồi tiến công vào quận lỵ Đức Lập ở phía Tây Buôn Ma Thuột. Sau nhiều giờ tạm dừng tấn công do vấp phải phản kích của địch nhưng đến sáng 10/3/1975, Sư đoàn 10 giải phóng hoàn toàn quận lỵ Đức Lập.

Đại tá Lâm nhớ lại: “Theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, một số đơn vị hành quân về hướng Đông để tấn công vào Buôn Ma Thuột. 2h sáng hôm đó, Trung đoàn đặc công 198 khai hỏa bằng trận đánh chiếm sân bay thị xã và sân bay Hòa Bình. Cùng lúc đó pháo kích của bộ đội ta dội lửa vào mục tiêu Sở chỉ huy Sư đoàn 23, Tiểu khu Đắk Lắk và hai khu pháo binh, thiết giáp của địch, hỗ trợ cho Trung đoàn 148, 174 Sư đoàn 316 và Trung đoàn 95B nổ súng tấn công khu pháo binh, khu thiết giáp, kho Mai Hắc Đế, ngã sáu trung tâm thị xã. 2 đại đội xe tăng và bọc thép được lệnh hỗ trợ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 tiến công vượt qua phòng tuyến vành đai của địch, bám sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 khi nhiều mục tiêu ở nội thị Buôn Ma Thuột đã bị bộ đội đánh chiếm từ chiều tối 10/3/1975.

Đèo Phượng Hoàng – nơi Sư đoàn 10 đã chọc thủng “lá chắn thép” của địch trong chiến dịch Tây Nguyên 1975.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 kêu gào sĩ quan, binh lính còn lại “tử thủ” Buôn Ma Thuột, chờ tăng viện quân lực cứu vãn tình thế. Thế nhưng 6h sáng 11/3/1975, các đơn vị binh chủng hợp thành của bộ đội ta đồng loạt dội pháo, mở cuộc công kích vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 từ ba hướng.

Dù địch đã huy động máy bay ném bom, xe tăng M48, M41 chặn đường tiến quân của ta trên một số đường phố, nhưng cuộc tiến công như cơn gió lốc đã chiếm giữ Sở chỉ huy Sư đoàn 23, Tỉnh đường Đắk Lắk và giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột vào lúc 11h trưa cùng ngày. Trong số hàng loạt sĩ quan, binh lính địch bị bắt giữ có Sư đoàn phó Sư đoàn 23 – Đại tá Vũ Thế Quang và Tỉnh trưởng Đắk Lắk – Đại tá Nguyễn Trọng Luật. Trận đánh then chốt mở đầu chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi sau 32 giờ tấn công”.

Đại tá Lâm kể tiếp bằng niềm tự hào: “Ngày 14/3/1975, nguồn tin trinh sát cho hay trực thăng của địch đưa quân các Trung đoàn 44, 45, 53 còn sót lại của Sư đoàn 23 đổ bộ xuống Nông trại Phước An ở phía Đông Buôn Ma Thuột để thực hiện mưu toan tái chiếm thị xã. Khí thế chiến thắng Buôn Ma Thuột đã tạo nên chất thép cho 3 Trung đoàn 66, 68, 24 của Sư đoàn 10 tấn công bằng khí thế quyết chiến từ ngày 15 đến 17/3, đập tan mưu đồ của địch, khiến cho Quân đoàn 2 rút bỏ Tây Nguyên theo đường 7 xuống đồng bằng Tuy Hòa nhưng đã bị Sư đoàn 320 truy kích quyết liệt, phối hợp cùng các lực lượng bộ đội địa phương ở Phú Yên bẻ gãy cuộc rút lui chiến lược khi địch chuyển hướng vượt sông Ba sang đường 5”.

Trong lúc Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đang rà soát, bổ sung quân lực, vũ khí và hậu cần thì địch huy động Lữ đoàn dù số 3, 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 2 tiểu đoàn biệt động cùng lực lượng bộ binh với hơn 4.000 binh lính đến đèo Phượng Hoàng thực hiện phương án chặn đường tiến quân của ta trên QL21 – nay là QL26 xuôi về đồng bằng.

Trên đường đèo quanh co hiểm trở suốt 12km, địch thiết lập “lá chắn thép” với sở chỉ huy cùng các trận địa pháo, xe tăng từ trên cao có thể quan sát tầm xa và rộng. Vấp phải những trở ngại về địa hình nhưng Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên xác định không để địch có thời gian tiếp tục tăng cường binh khí nên điều động ba mũi quân của Sư đoàn 10 do Đại tá Sư đoàn trưởng Hồ Đệ, Đại tá Chính ủy Lã Ngọc Châu chỉ huy mở cuộc tấn công với sự hỗ trợ của pháo cao xạ dội vang, thắp lửa đỏ rực ngày đêm. Trên QL21, Trung đoàn 28 xung trận đầu tiên, phía sau là Trung đoàn 66 dự bị hỗ trợ.

Ở phía Bắc và phía Nam, hai Trung đoàn 24, 25 xuyên rừng đánh từ hai bên sườn đèo, không để địch rút lui hay tăng cường binh lính từ phía Dục Mỹ lên. Máy bay của địch điều động từ sân bay Thành Sơn – Phan Rang ra ném bom nhưng đã bị pháo cao xạ của ta khống chế buộc phải rút lui. Pháo kích của ta dội lửa dồn dập lên đèo Phượng Hoàng từ ngày 29/3/1975 hỗ trợ cho 3 mũi quân áp sát mục tiêu của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, biến Phượng Hoàng thành đồi lửa suốt 3 ngày đêm.

Qua tần số dò được từ truyền tin vào chiều 1/4/1975, được biết phía địch không chỉ bị thương vong khá nhiều mà tinh thần binh lính đang hoang mang, nên Sư đoàn 10 chớp lấy thời cơ mở trận công kích cuối cùng, dội pháo tới tấp vào Sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3 trên đỉnh đèo, tạo cơ hội cho Trung đoàn 28 với sự hỗ trợ của xe tăng tiến lên chọc thủng “lá chắn thép” cùng lúc Trung đoàn 24, 25 xông lên làm chủ trận địa, mở toang cánh cửa xuống đồng bằng, đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, đồi pháo binh Dục Mỹ rồi tiến thẳng về hướng Nam giải phóng Nha Trang, chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng như Trường hạ sĩ quan Đồng Đế, sân bay Nha Trang, Tỉnh đường Khánh Hòa…

Kết thúc câu chuyện, Đại tá Nguyễn Quang Lâm chia sẻ: “Đường tiến công của Sư đoàn 10 tới đâu, người dân kéo ra hai bên đường, tay cầm cờ, hoa vẫy chào, đón mừng chiến thắng khiến cho chúng tôi xúc động vô cùng. Dù muốn hòa nhập vào niềm vui lớn của người dân, thế nhưng chiến dịch vẫn còn phía trước nên ngày 9/4/1975, sư đoàn chúng tôi rời QL1A từ Cam Ranh xuyên rừng lên hướng Tây Nam vào Dầu Tiếng hình thành mũi quân từ hướng Tây Bắc tiến công giải phóng Sài Gòn”.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.