Hoang mang vì kết quả máy test thử nhanh thực phẩm

Thứ Hai, 09/05/2016, 09:33
Sau hàng loạt các vụ sử dụng hóa chất để tẩm ướp thực phẩm, dùng chất cấm trong chăn nuôi bị phanh phui, người tiêu dùng hoang mang, lo lắng khi chọn mua thực phẩm. Làm thế nào để biết mình mua được thực phẩm an toàn là điều rất khó trong tình hình hiện nay khi một số thương hiệu thực phẩm sạch cũng đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Để trở thành người tiêu dùng thông thái, trên thị trường đã rao bán một loại máy test thử nhanh thực phẩm. Và các kết quả thử trên test này càng khiến người tiêu dùng hoang mang hơn.

Thử xong: Không dám ăn

Trên nhiều trang mạng đang rao bán loại “máy đo dư lượng Nitrat Soeks NUC-019-01” có xuất xứ từ Liên bang Nga với giá 5.000.000đ/chiếc. Chiếc máy này nhỏ gọn như chiếc điều khiển tivi, nên được nhiều người tiêu dùng chọn mua. 

Anh Phạm Tuấn Trung, công tác ở một cơ quan nhà nước của Hà Nội cho biết: “Tôi mua chiếc máy này cũng vì lo lắng đến vấn đề sức khỏe của gia đình. Theo hướng dẫn thì nó sử dụng cũng đơn giản. Tôi thường dùng để đo hàm lượng nitrat trên hoa quả, thịt và lần nào đo cũng đều vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần. Lúc đầu mua thứ gì về mà đo vượt, vợ tôi lại vứt thứ đó đi vì không dám ăn. Sau dần thấy lần nào cũng vượt, tôi hoang mang quá. Bỏ hết thì ăn bằng gì? Sau một thời gian tôi đành đem chiếc máy này cất đi, không đo nữa”.

Chọn lựa, tìm mua thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và chính đáng của người dân. Trong khi liên tiếp các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bị cơ quan chức năng phát giác, việc tìm mua và sử dụng thực phẩm an toàn càng trở lên bức thiết hơn bao giờ hết. 

Người tiêu dùng thử test nhanh khi mua hoa quả.

Chị Đào Thu Hương, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh: “Chồng tôi khi sang Nga công tác cũng mua chiếc máy đo hàm lượng Nitrate hiệu Soeks. Mang về Việt Nam đo thực phẩm, hầu hết đều vượt ngưỡng cho phép. Có lần mua quả dưa hấu về, sử dụng máy thử này, tôi hốt hoảng khi thấy chỉ số cho phép của nó là 60 mà kết quả đo Nitrate gần 400. Thậm chí tôi mua dưa chuột ở cửa hàng tiện ích, giới thiệu là dưa sạch với giá đắt gấp 3 lần ngoại chợ, chỉ số cho phép là 150, về đo thì chỉ số nhận được là 280. Nghe ở Hà Đông có hàng thịt lợn sạch, không nuôi bằng chất cấm, không cám công nghiệp, tôi hăm hở vào mua cũng nhận được kết quả hoảng luôn: Chỉ số giới hạn cho phép là 200, dùng máy đo thì chỉ số vọt lên 700”. 

Theo chị Hương thì căn cứ trên kết quả đo này, những thực phẩm vượt ngưỡng nhiều lần, nhà chị đều bỏ đi hết mà không dám sử dụng.

Anh Bùi Hữu Trung, ở quận Tây Hồ, Hà Nội đang có dự định mua chiếc máy test nhanh này, nhưng khi nghe thông tin như trên thì tỏ ra phân vân. “Nếu đo thứ gì cũng vượt mà bỏ đi thì ăn bằng gì. Chắc chết vì đói trước khi chết vì bệnh. Các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc xem xét, giúp người tiêu dùng có cách tự bảo vệ mình chứ, thế này thì vừa mất tiền, vừa hoang mang”.

Máy test thực phẩm nhanh: Không cần thiết

Liên quan đến máy test thực phẩm nhanh Soeks, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội. 

PSG.TS Nguyễn Duy Thịnh đã thẳng thắn chia sẻ: Mỗi chiếc máy test thực phẩm nhanh Soeks cũng có giá lên đến vài triệu đồng nên không phải bà nội trợ nào cũng có thể bỏ tiền ra để mua. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là việc làm không cần thiết. Bởi lẽ, nếu tin theo những con số mà máy đo được, chẳng lẽ chúng ta không ăn bất kỳ thực phẩm nào nữa chăng. Mà, máy này mới chỉ đo được hàm lượng Nitrat, để biết thực phẩm có an toàn hay không cần phải đo hàm lượng của nhiều chất khác nữa. Lẽ nào, chúng ta phải sắm đến cả hàng chục chiếc máy đeo quanh người để đo hàng ngày. 

Máy test thực phẩm nhanh.

Theo PGS.TS Thịnh thì người tiêu dùng không nên quá hoang mang khi thấy các kết quả thông báo hàm lượng Nitrat trên thực phẩm cao hơn mức cho phép bằng máy Soeks. Bởi lẽ, đây chỉ là một chiếc máy test nhanh thực phẩm mà chưa được kiểm định theo tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, người sử dụng chiếc máy này cũng phải có  trình độ chuyên môn nhất định cũng như những quy định trong quá trình kiểm nghiệm thực phẩm. 

Ví dụ như, theo quy định thì phải xay thực phẩm thành một hỗn hợp rồi mới sử dụng máy test này thì phần lớn người sử dụng lại cắm đầu thử vào bất kỳ vị trí nào của thực phẩm. Hàm lượng Nitrat tồn dư trong thực phẩm cao hơn mức cho phép mà theo máy test nhanh thực phẩm Soeks đo được cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây không phải là mối đe dọa nghiêm trọng từ thực phẩm bởi trên thực tế có nhiều độc tố nguy hiểm hơn rất nhiều. 

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì giải pháp quan trọng chính là việc xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn để cung cấp cho nhân dân, từ đó dẫn đến ổn định xã hội. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thì lựa chọn thực phẩm an toàn là điều mong muốn của tất cả người tiêu dùng. Nhưng để phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn quả là không dễ với người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước là người phải làm điều này, phải kiểm tra, đo lường, xét nghiệm các chỉ tiêu và công bố các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn cho người dân để họ chọn lựa.

N.Hương – T.Hằng
.
.