Hồi sinh kỳ diệu sau những tán rừng già

Thứ Hai, 20/01/2020, 11:14
Trên con đường Trường Sơn hai nhánh Đông-Tây uốn cong mềm mại như dải lụa, chúng tôi tìm về nhiều địa chỉ đỏ, nhiều bản làng trên rừng Trường Sơn huyền thoại. Trên tuyến đường này, hàng vạn Bộ đội, Thanh niên xung phong đã ngã xuống để làm nên con đường huyền thoại, góp phần rất lớn thống nhất Tổ quốc.


Cũng trên con đường này, sau những tán rừng kia, nhiều cán bộ chiến sỹ Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh để bảo vệ, chở che cho các tộc người, hồi sinh sự sống ở vùng đất khắc nghiệt này.

Thắp một nén nhang nơi Trường Sơn huyền thoại

Nữ TNXP dẫn đường cho Bộ đội vượt Trường Sơn trong những năm chiến tranh khốc liệt.

Bắt đầu từ bến phà Xuân Sơn, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình thiên lý dọc con đường 20 Quyết Thắng nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Con đường dài 124 km được xây dựng tháng 11-1965 xuyên qua núi rừng hiểm trở nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. 

Để mở con đường này, chỉ tính riêng năm 1967, mỗi cán bộ, Thanh niên xung phong nơi đây đã phải hứng chịu hơn 200 quả bom của Mỹ. Song với ý chí “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để đánh thắng”, hơn 20 vạn bộ đội, Thanh niên xung phong (TNXP) trong cả nước đã đến tuyến đường này quật cường chiến đấu cho đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn.

“Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió…”, bài ca bất hủ về Trường Sơn của một thời oanh liệt đưa chúng tôi đến Ngã ba Khe Ve, đèo Mụ Gịa, đồi 37, suối Rụng tóc, đèo Đá Đẻo…, những địa danh chỉ mới được đặt tên qua từng trận đánh của Bộ đội Trường Sơn và TNXP trong thập niên 60,70 của thế kỷ XX. 

Khi cả hậu phương lớn miền Bắc hướng về chiến trường lớn miền Nam, hàng vạn thanh niên, học sinh từ biệt thầy cô, bạn bè, gia đình xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Đường Trường Sơn là nơi họ đến. Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn trên mảnh đất Quảng Bình.

Ngã ba Khe Ve ở Minh Hóa, Quảng Bình nơi chia 2 nhánh Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

Từ ngã ba Đông Dương, tôi trở lại đường 20 Quyết Thắng, cung đường biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng TNXP trên đường Trường Sơn..Trên tuyến đường 20, vẫn còn đó điểm di tích Hang Tám Cô. Tám TNXP thuộc đơn vị C217 trong lúc làm đường đã bị bom Mỹ đánh phá vùi lấp tất cả trong hang đá lớn. 

Cũng chính trên con đường này, có đơn vị anh chị em TNXP hy sinh chưa kịp mai táng thì từng đoàn xe từ miền Bắc đi vào trận địa miền Nam, không thể để đoàn xe ứ đọng vì sợ địch phát hiện, các anh, các chị đành phải vùi lấp tạm đồng đội hy sinh trên mặt đường để cho đoàn xe qua, sau đó mới đào bới tìm xác đồng đội. 

Đưa máy ảnh lên để chụp vài bức hình, tôi lại nghĩ tới câu chuyện đầy cảm động về TNXP mở đường mà anh Lê Hùng Phi-nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình kể cho nghe. 

Đoàn chiếu phim của Quảng Bình lên Trường Sơn chiếu phim phục vụ động viên TNXP năm 1968. Biết được xem phim, nên từ chiều hàng trăm nữ TNXP đã không kịp ăn tối lội suối, trèo đèo đến điểm chiếu phim. Máy quay vừa lên hình thì máy bay Mỹ ập tới ném bom. Gần 20 nữ TNXP đã mất trong loạt bom đầu. Sau đó, đoàn chiếu phim đã xếp thi thể chị em nằm thẳng hàng và bật máy chiếu hết bộ phim cho chị em “xem lần cuối”. Hàng ngàn TNXP và đoàn chiếu phim đã khóc òa tiếc, thương đồng đội…

Dọc theo tuyến đường Trường Sơn, trong chiến tranh, nhiều địa điểm bị bom cày đạn xới, và sau những cánh rừng già là nơi sinh sống của bà con nhiều tộc người thiểu số như Rục, Mày, Liềng, Pako, Mã Liềng, Chứt… Do chiến tranh ác liệt, lại hầu như cách biệt với cuộc sống người dân ở đồng bằng nên nhiều người dân bản làng sống trong hang đá, nhiều hủ tục bủa vây, vì vậy không ít tộc người đã có nguy cơ bị xóa sổ. Ngay sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách chăm lo cho đồng bào các dân tộc, nên cuộc sống các bản làng giờ đã thực sự đổi thay…

Sức sống mới sau những cánh rừng già

Từ những tộc người có nguy cơ biến mất, giờ đây người Rục, người Khùa, người Mày sau cánh rừng già Trường Sơn đang vươn lên xóa đói, giảm nghèo, cho con đến trường học chữ. Chúng tôi đến Thượng Trạch, Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa…huyện Minh Hóa, Quảng Bình nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người. Cách đây không lâu, nhiều bản làng không hề có một người biết chữ, cuộc sống của bà con chủ yếu nhờ vào săn bắt và hái lượm. Nay con em trong bản đã có người tốt nghiệp đại học, nhiều bà con đã biết cầm cái cuốc, cái cày làm lúa nước.

Lực lượng Công an bám bản làng bảo vệ, hướng dẫn, động viên bà con chăm lo cuộc sống.

Tôi đến xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình khi mặt trời đứng bóng. Sau chiến tranh, Thượng Hóa trở thành xã nghèo nhất cả nước với gần 99% số hộ đói, nghèo. Cả xã chỉ có 10 người biết chữ. Song hiện nay, Thượng Hóa đã phổ cập xong Trung học cơ sở. Từ bản Yên Hợp, bản Ón, đến bản Mò O Ồ Ồ… những dãy nhà ngói khang trang nằm nép mình bên đường Hồ Chí Minh tạo nên sức sống mới trên dãy Trường Sơn. 

Rời Thượng Hóa, chúng tôi đến Làng Ho, Lệ Thủy, Quảng Bình. Làng Ho là điểm dừng chân, điểm tập kết vũ khí, quân lương của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn để chi viện cho chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và chiến trường Trị Thiên khói lửa. 

Bên chén rượu nồng, chúng tôi được nghe kể về những người PaKô, Vân Kiều ở Làng Ho cùng anh Bộ đội vượt Trường Sơn ngày nào đánh giặc. Chuyện về cái đói, cái nghèo bủa vây làng bản sau chiến tranh. Chuyện cảm động về những chiến sĩ Công an, Biên phòng thức thâu đêm để dựng nhà cho dân bản; Chuyện về người lính Biên phòng cõng dân bản qua 3 quả đồi, hai dốc núi để vượt cạn an lành… Từ đó cái tình, cái nghĩa giữa những chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng và bà con dân bản lại thêm gắn chặt.

Giữa đại ngàn Trường Sơn xa xôi và cách trở, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa và công trình dân sinh của Đảng và Nhà nước đưa về đây càng tiếp thêm niềm vui đối với bà con dân bản. Cách đây ít năm, ít ai nghĩ người Mã Liềng ở xã Thanh Hóa và Lâm Hóa của huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình có thể có đủ được cái ăn, cái mặc. Nhưng nay nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con đồng bào dân tộc đã làm được nhà sàn khang trang, biết nuôi con trâu, con gà, làm lúa nước, trồng hoa màu để thoát nghèo.

Một trong những thành công nhất, góp phần thay đổi đời sống của các tộc người sau những cánh rừng già của các cơ quan chức năng là xóa bỏ các hủ tục, những lời nguyền ăn sâu, bám rễ vào đời sống dân bản như cây rừng mọc xuyên núi đá. Để thay đổi nhận thức của cả một tộc người, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản. 

Thiếu tá Thái Văn Thủy, Công an huyện Minh Hóa dẫn chúng tôi về xã Trọng Hóa, nơi nhiều bà con có chung đường biên với nước bạn Lào. Trọng Hóa có 18 bản với 873 hộ, trong đó có 728 hộ người Khùa với 3.523 nhân khẩu còn lại người Mày với 1.840 khẩu. Nhiều bản như bản Tà Vờng, bản Giỗ, bản Lòm, bản Chà Káp…nhiều hủ tục vẫn luôn quẩn quanh bà con dân bản. Ngoài việc giữ gìn bảo đảm an ninh biên giới, nhiều  cán bộ, chiến sĩ Công an nơi đây đang ngày đêm tìm cách xóa bỏ hủ tục ở các bản làng…

Sông Lam - Tuấn Sơn
.
.