Người mẹ hiên ngang trong 'Bài ca Phú Yên'

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:06
Trên đường đến ấp Rượu, xã Hòa Đồng, anh Mai Ne – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Hòa, Phú Yên tâm sự: “Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, địch mở chiến dịch “Hải Yến” dồn dân, lập ấp chiến lược, xây dựng mạng lưới liên gia, ấp trưởng, mật vụ… để kiểm soát gắt gao, tạo vành đai trắng ngăn chặn mối quan hệ giữa người dân với cách mạng. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa 1 lúc bấy giờ, người dân ấp Rượu đã nổi dậy phá ấp chiến lược từ cuối năm 1963, làm chủ quê hương”.
Từ đầu xuân 1964, địch mở nhiều cuộc phản kích với quy mô lớn nên Huyện ủy Tuy Hòa 1 ra nghị quyết giữ nguyên, điều cán bộ chủ chốt ở Hòa Đồng rời núi, về làng chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị và binh vận, hỗ trợ bộ đội đánh địch theo phương châm “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch để đánh”.

Ngày 26/7/1964, một cuộc càn quét lớn với sự yểm trợ của máy bay, xe tăng và pháo binh được phía địch triển khai từ sáng sớm. Bom đạn giội xuống xóm làng đổ nát tan hoang, nhưng một trung đội đi đầu cuộc càn quét đã bị Đại đội 377, Huyện đội Tuy Hòa 1 tiêu diệt tại thôn Phú Phong. Hôm sau, địch huy động máy bay, xe tăng M.113 càn phá các xã phía Tây huyện Tuy Hòa 1.

Di ảnh cụ Ngô Thị Kính - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cũng là “Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng” năm xưa.

Sáng 28/7/1964, sáu chiếc xe tăng M.113 lầm lì tiến vào ấp Rượu. Nhìn đồng ruộng đang xanh mướt bị xe tăng cày nát, người dân uất ức căm thù. Một phụ nữ tóc điểm bạc là bà Ngô Thị Kính – sinh năm 1901, bước xuống ruộng chặn đoàn xe tăng đang tiến tới, nhiều người trong làng bám theo hỗ trợ đấu tranh. Xe tăng gầm rú đe dọa tinh thần mẹ Kính bất thành, địch nã đạn xuống ruộng để mở đường, nhưng đội quân tóc dài vẫn kiên cường vây chặn. Một sĩ quan chỉ huy lớn tiếng hỏi: “Bà muốn chết hay Việt cộng xúi bà chặn xe tăng?”.

Mẹ Kính điềm tĩnh trả lời: “Không có Việt cộng nào xúi cả. Tại sao các ông để xe tăng giẫm nát lúa của đồng bào?”. Gã sĩ quan cố vặn vẹo: “Bà không theo Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa, mà ở lại làng để tiếp tay Việt cộng phải không?”. Mẹ Kính kiên trì đấu tranh mềm dẻo: “Tui già rồi còn liên lạc, tiếp tế cho ai được nữa. Bỏ nhà cửa ở đây theo các ông vô ấp, bị nhốt như con heo, con bò làm sao sống nổi”.

Bất ngờ gã sĩ quan chỉ huy chắp tay lạy mẹ Kính và nói: “Con lạy bà ngoại, bà về đi, tụi con làm theo lệnh cấp trên. Việt cộng đánh dữ quá, tụi con phải băng đồng để tiếp viện”. Biết địch thất lý, mẹ Kính tiếp tục đấu tranh: “Xe pháo có đường đi. Ruộng lúa của đồng bào không được phá. Các ông có giỏi cứ đạp lên thân già này mà đi”.

Biểu tượng đội quân tóc dài ở xã Hòa Đồng.

Thấy bất lợi, gã sĩ quan chỉ huy ra hiệu đoàn xe tăng rút lui theo lối mòn đã cày phá. Trong điều kiện thiếu vũ khí, sự kiện “Bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng” của địch đã là một “lời giải” cho cuộc đấu tranh chính trị và là bài học kinh nghiệm của huyện Tuy Hòa 1. Từ đó đến cuối tháng 8/1964, phụ nữ ba xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh đã 28 lần chặn đứng các cuộc càn quét của địch bằng xe tăng M.113.

Cụ Ngô Thị Kính mất giữa năm 1971, hưởng thọ 70 tuổi.

Sau ngày đất nước thống nhất, trong chuyến đi thực tế ở Phú Yên, nhạc sĩ Văn Chừng sáng tác ca khúc “Bài ca Phú Yên”. Hình ảnh cụ Ngô Thị Kính đối đầu với địch bừng sáng thành những ca từ: “Bùng lên ánh đuốc thắp sáng những đêm đồng khởi từ Hòa Thịnh. Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng, góp phần nên chiến thắng. Quân ta náo nức tiến về giải phóng quê hương…”.

Bên đài tưởng niệm liệt sĩ xã Hòa Đồng có bức tượng người phụ nữ đưa cánh tay lên thể hiện khí phách kiên cường. Nguyên mẫu của bức tượng chính là cụ Ngô Thị Kính, bà mẹ Hòa Đông chặn xe tăng Mỹ năm xưa.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.