Nỗi buồn ở làng Việt cổ Đường Lâm

Chủ Nhật, 02/04/2006, 07:37

Người dân sống tại làng cổ Đường Lâm đồng loạt xây nhà gạch nung chín. Những người giàu đều xây nhà tầng, 3 - 4 tầng, các kiểu nhà chóp, nhà ống, nhà vòm rất tùy hứng.

Bây giờ làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) và vùng phụ cận đã được chính thức khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng 1) với diện tích tương đối lớn là 132.120m2. Văn bản do UBND tỉnh Hà Tây và các đơn vị, gia đình liên quan cùng ký, có nội dung nguyên văn như sau: (Khoanh vùng bảo vệ) “Gồm bản thân di tích, là khu vực bất khả xâm phạm, mọi yếu tố còn lại bao gồm địa điểm, chất liệu kỹ thuật, kiểu thức, sắc thái, bố cục, màu sắc kể cả những chi tiết trang trí và những động sản thuộc về di tích phải được bảo vệ nguyên vẹn, nghiêm cấm bất cứ sự dịch chuyển, thay đổi bổ sung nguyên trạng mới nào dù là nhỏ nhất”.

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học - nghệ sĩ đã rối rít phát hiện ra làng Việt cổ đá ong quyến rũ, đất “một ấp hai vua” Ngô Quyền – Phùng Hưng Đường Lâm. Đến năm 1999, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao cho Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh Hà Tây lập dự án bảo tồn mô hình làng Việt cổ Đường Lâm. Thế nhưng, cho đến tận cuối năm 2005, cái văn bản cỏn con gọi là “khoanh vùng bảo vệ” cho di sản làng Việt cổ Đường Lâm mới được UBND tỉnh Hà Tây cùng địa phương rón rén thực hiện!

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản, thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin thở dài: đến cái quy định tạm thời đối với việc xây cất nhà cửa (phá cũ xây mới) ở làng cổ Đường Lâm được chính quyền thị xã Sơn Tây xúc tiến, mãi vẫn chưa hoàn thành. Đến khi Nhà nước tôn vinh làng cổ Đường Lâm là di tích quốc gia rồi, ngoài những công trình bêtông được thực thi, cơ bản các biện pháp giữ gìn di tích, không gian làng cổ vẫn còn nằm trên giấy.

Nhiều ngôi nhà cổ được bà con ở Đường Lâm tự bỏ tiền ra tu sửa.

Cũng từ cách đây mấy thập kỷ, các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Những mái ngói rêu phong, những con đường dốc dác gồ ghề Việt cổ, những vòm cổng đá ong từng làm mềm lòng bao thế hệ người của nhiều quốc gia, ở Đường Lâm, cần phải được bảo tồn tôn tạo sớm. Nếu không tôn vinh di sản được thì cần khoanh vùng bảo vệ. Bài toán hết sức đơn giản, “cơm không ăn thì gạo còn đó”: cứ khoanh giữ, rồi chúng ta sẽ giàu lên, sẽ về nguồn với mô hình làng Việt cổ kết tinh nền văn minh ngàn năm của châu thổ Bắc Việt Nam này. Dĩ nhiên, không ai thực thi lời hiệu triệu đó cả.

Tôi từng nghe nhiều vị ăn xổi ở thì bảo rằng, rút cục, Đường Lâm cũng là cái làng (xã) như bao cái làng khác thôi. Theo họ, dự án tiền tỉ với sự tham gia của chuyên gia Trường đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), để mong một ngày Đường Lâm thành chốn về nguồn, thành nơi liên tục tổ chức các Ngày Hội di sản kiểu như Hội An, đó là một mong ước lương thiện nhưng viển vông!

Nhưng rồi, tháng 3/2006, sự ghi nhận của Nhà nước thông qua việc công nhận ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã khiến những người tâm huyết với nhiều lớp lang  văn hóa ở Đường Lâm thấy cởi lòng cởi dạ. Chỉ tiếc rằng, thoắt ngoảnh lại thì thấy: làng cổ bị rỗng ruột quá nhiều, những mất mát làm nhiều người phải thắt lòng.

Người dân vẫn tự do phá nhà cổ, nếu thấy cần. Đã có chuyện rất tiêu biểu - chua xót thế này: khi bà chủ của ngôi nhà có cái vòm cổng đá ong cong, nâu, cũ càng, đẹp nhất làng (ai đến cũng phải tìm để quay phim chụp ảnh) động thổ việc phá cổng xây mới thì cán bộ xã vào rỉ rả góp ý. Bà chủ nhà bảo: cho tôi xin vài triệu xây cái cổng phía trong chống trộm, còn cái cổng này cứ để các ông các bà ngắm, rồi cõng nó lên tivi? Làm gì có tiền cho bà, cả làng cả nước này, bao nhiêu nhà cổ đã ai được đầu tư đồng nào bao giờ.

Thế thì thưa quý ông quý bà cán bộ xã, cổng nhà tôi tôi phá, tôi phá kẻo cái cổng cổ này bị đạo chích khuất phục ngay. Đành lòng vậy, cán bộ xã ra về. Lý do: chưa có một sự công nhận nào cho làng cổ Đường Lâm, danh không chính thì ngôn biết thuận làm sao? Không có một căn cứ pháp lý nào để xử lý việc bà con tự phá nhà mình xây mới.

Tôi từng đem điều này lên hỏi lãnh đạo Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thông tin, đồng chí công nhận: Đúng là Phó Thủ tướng Chính phủ có đề nghị lập đề án tôn vinh làng Việt cổ Đường Lâm, nhưng đề án, hồ sơ di tích đã được lập đâu? Có văn bản nào khoanh vùng hay quy định rằng chỗ nào được phá, chỗ nào phải giữ, nếu phá thì bị làm sao đâu?--PageBreak--

Bởi chưng như thế, nên xu hướng làng cổ Đường Lâm giờ đang đi về phía là giống hệt tất cả những cái làng - đô thị khác trên dải đất Việt thân yêu này, dẫu chua xót nhưng cũng là... hiểu được. Hầu như không còn một bụi tre, một con ngõ đất sỏi đá ong ở làng Mông Phụ (tâm điểm của làng Việt cổ Đường Lâm). Làng cũng không có ai theo nghề đánh đá (đào đá ong dưới đất lên để xây nhà cửa, xây công trình) để tưởng nhớ hai chữ Việt cổ đá ong cả. Bà con đồng loạt xây nhà gạch nung chín. Những người giàu đều xây nhà tầng, 3 - 4 tầng, các kiểu nhà chóp, nhà ống, nhà vòm rất tùy hứng.

Các bác  văn hóa đi sau quá nhiều so với sự thiếu ý thức của một bộ phận bà con trong làng. Đi sau nhiều so với mấy chương trình đầu tư của các bác ngành du lịch, có lẽ tiền nhiều nên các bác tân trang làng cổ rất mạnh tay. Sự mạnh tay cộng với sự thiếu tham khảo ý kiến chuyên gia  văn hóa khiến nhiều người toát mồ hôi hột vì lo. Cái nhà truyền thống tuyệt đẹp bằng đá ong ở đầu đình phía đông bị phá tan, xây cái nhà văn hóa gì đó mới toe, khiến mấy bô lão cứ tưởng xây khách sạn!  Đình làng được đóng giàn giáo khổng lồ trùng tu, nhìn bằng mắt thường cũng thấy đá ong cũ bị bóc hết, vứt đi (đá ong càng để càng bền, chứ có mối mọt như gỗ đâu mà phải thay mới?).

Tu sửa đình Mông Phụ (xã Đường Lâm): Liệu có đúng nguyên tắc bảo tồn?

Quá nhiều ngói và gỗ của đình (nơi thiêng liêng vô cùng trong tâm thức của người làng cổ) được tống vật liệu mới vào, đến nỗi người làng lo rằng “sẽ động long mạch”. Những tràn ruộng đẹp, cổ ở cổng đình được san ủi lát bêtông làm bãi đỗ xe và bãi tập kết rác rưởi. Giếng làng bằng đá ong cổ, hàm ếch ăn hum hủm, nước trong mát bị lấp béng. Số nhà cổ, ngõ cổ bị hao khuyết đi từng ngày.

Đường Lâm sẽ là một “Hội an làng” của xứ Đoài?

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, sắp tới, một Ban quản lý di tích (có thể do Sở Văn hóa Hà Tây trực tiếp quản lý) sẽ ra đời. Các chuyên gia đang tính đến chuyện phải phục hồi nguyên gốc những căn nhà bị chủ nhân (và các dự án chưa khoa học) làm cho biến dạng. Khi Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin cùng với các chuyên gia Trường đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản (đất nước có truyền thống và nhiều thành công trong việc bảo vệ các ngôi làng cổ) ăn dầm ở dề nhiều tháng ở Đường Lâm, họ đã kỳ công thống kê, vẽ bản đồ chi tiết hơn 500 ngôi nhà cổ trong khu vực bảo vệ. Và đó là một kho tài sản khổng lồ, vô giá.

Giữa lúc ấy, người ta nhớ đến mô hình ở Hội An. Nếu Hội An là phố cổ tiêu biểu được tôn vinh là di sản quốc gia, thì ở đầu bên này, Đường Lâm là Làng Việt cổ cấp quốc gia. Tại Hội An, người ta đã làm việc phục những ngôi nhà cổ bằng cách cho hoặc hỗ trợ tiền, hỗ trợ cơ chế khuyến khích bà con phá bỏ những cửa kéo, song sắt, nhà mái bằng kiểu Tây đi để trả lại vẹn nguyên “mặt tiền”, không gian phố Hội. Đồng thời với việc đó, những đêm rằm phố Hội với đèn lồng đỏ treo cao được tổ chức hằng... tháng, lúc nào Hội An cũng là chốn hội hè phục vụ thượng đế du lịch.

Đường Lâm cũng đang khát khao như thế, cơ quan chức năng cũng sẽ hướng Đường Lâm phát triển theo mô hình đó. Theo thông tin chính thức từ Cục Di sản Văn hóa, sắp tới, buổi lễ đón nhận bằng di tích quốc gia cho Đường Lâm sẽ được tổ chức hết sức quy mô, với nhiều tích trò, diễn xướng “đặc sản” Đường Lâm.

Thật mênh mông, khó nói hết những vẻ quyến rũ của Đường Lâm. Bên cạnh 7 di tích đã được Nhà nước xếp hạng từ nhiều năm nay, phần còn lại là cả một ngôi làng cổ cũng đã trở thành di tích lịch sử  văn hóa cấp quốc gia, đó là minh chứng cho niềm tự hào “mỗi bước chân mỗi huyền thoại” của vùng Kẻ Mía. Dẫu gì thì tôi cũng muốn nhắc lại: tốc độ đô thị hóa, tốc độ đổ tiền tỉ vào làm đường sá cầu cống, sửa đình chùa như hiện nay; nếu các chuyên gia  văn hóa không can thiệp, hướng dẫn thì cũng lại là  “thương nhau như thế bằng mười hại nhau”. Cái việc tân trang ấp cổ Đường Lâm vốn đã có quá nhiều bài học đau đớn rồi. Hy vọng, việc công nhận di tích quốc gia kể trên sẽ là cây gậy đủ lớn, đủ mạnh, đủ quyền năng khắc nhập khắc xuất để chúng ta không sai lầm trong việc hành xử với của nả Đường Lâm do đất nước ông bà để lại

Doãn Anh
.
.