Tìm bạn sau trận chiến sinh tử giữa lõi rừng Chư Mom Ray

Chủ Nhật, 18/02/2018, 13:30
Sáng sớm 26-3-1968, mấy người lính anh nuôi nắm sẵn cơm, chờ đồng đội tấn công lên cao điểm trở về. Cơm bày la liệt mà đồng đội chả thấy, họ nhìn cơm mà ôm nhau khóc: “Chúng mày đâu cả rồi?”... Hơn 200 lính mũ sắt Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã nằm lại cao điểm trước khi trời sáng.


Mấy chục năm sau, các cựu chiến binh mới biết rằng, sau khi hy sinh, đồng đội của họ đã bị lính Mỹ thu dọn chiến trường, gom xác xuống hố bom, đổ xăng đốt rồi lấp đất. Bao năm qua, những người lính già không thể yên lòng. Họ mải miết trở lại chiến trường xưa, vạch từng lá cây, ngọn cỏ để tìm đồng đội đưa về, dẫu chỉ còn là nắm đất.

Hà Nội ra đi – Kon Tum nằm lại

Tôi đã không thể cầm lòng khi nhìn ông, người lính già có thân hình nhỏ bé, đôi mắt trũng sâu bỗng quỳ sụp xuống, chắp hai tay, miệng méo xệch, nước mắt cứ thế giàn giụa trước bát nhang đang hoá rừng rực. Phía sau ông, người bạn đồng ngũ Hồ Đại Đồng ngồi cúi đầu, giấu mặt trong bàn tay, đôi vai rung lên. 

Ở nơi vốn nhiều nắng gió, trời bỗng yên mà bát nhang chưa nhiều chân nhang, sao đã cháy? Ông Vĩnh run rẩy: “Chúng mày đấy à? Vậy là chúng mày đồng ý ở đây rồi nhá!”. 15 liệt sỹ đã được đồng đội đưa về nằm gọn trong 15 ngôi “nhà mới” đặt dưới chân núi Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), nơi cách đây 50 năm đã diễn ra cuộc chiến sinh tử. Trong 15 nấm mộ chỉ duy nhất có một cái tên Phạm Bá Thi. 

Gần 20 thân nhân liệt sỹ có mặt trong ngày này đều không biết rằng, em, anh, chú, bác của mình có nằm ở đây hay vẫn đang đâu đó trên dãy Chư Tan Kra, hoặc nơi rừng già Chư Mom Ray sâu thẳm. 

Mẹ tôi, 50 năm sau mới biết nơi anh trai đã chiến đấu và hy sinh nơi này. Mắt ngân ngấn nhìn lên dãy núi, bà bảo: “Hôm nay ở đây tổ chức lễ to thế này, thể nào bác cũng về cùng đồng đội dự nhỉ!”. 

Còn cậu tôi thì cứ đứng bần thần trước dòng tên anh khắc trên đài tưởng niệm. Bao năm qua gia đình tôi đau đáu vì chưa biết bác hy sinh ở đâu. Dòng chữ vỏn vẹn trên giấy báo tử “hy sinh ở mặt trận phía Nam” khiến  gia đình chẳng biết nơi đâu mà tìm. 

Và hôm nay, chúng tôi có mặt ở nơi linh thiêng này là nhờ sự kết nối với các cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến. Nơi đây, TP Hà Nội đã xây dựng đài tưởng niệm để tưởng nhớ những người con Hà Nội đã hy sinh trong trận quyết từ tại cao điểm 995.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 209 và cựu chiến binh Mỹ trở lại chiến trường xưa. 

Tháng 7-2017, tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209. Sự nhiệt tình, chân thành và trách nhiệm của người lính già đã khiến tôi vô cùng cảm động. 

Khi biết thân nhân đồng đội mong mỏi tìm người thân hy sinh ở chiến trường, ông nhắc đi, nhắc lại “Tôi xin lỗi!”. Chẳng ai có quyền trách móc ông, chẳng ai yêu cầu ông phải đi tìm đồng đội đã mất, mà ông tự gắn trách nhiệm tìm đồng đội đã hy sinh lên chính đôi vai mình như một món nợ với gia đình đồng đội.

Tháng 3-1967, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều sinh viên đại học tình nguyện ra chiến trường chiến đấu. Họ nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, huấn luyện quân chủ lực, được trang bị vũ khí tốt nhất thời đó như: B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K68, trung liên RBD, AK 47, mặt nạ phòng hoá, mũ sắt Liên Xô... Đây cũng là lý do mà Trung đoàn 209 còn được gọi là Trung đoàn mũ sắt. 

Mùng 2 Tết Mậu Thân, Trung đoàn di chuyển bằng xe cơ giới vào chiến trường Tây Nguyên. Trận đánh đầu đời của những chàng lính trẻ tại cao điểm 995 huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã diễn ra ác liệt. Cuộc chiến không cân sức tại M2 (căn cứ hoả lực FSB14 của Mỹ) đêm 25, rạng sáng 26-3-1968, hơn 200 lính Hà Nội đã nằm lại trên dãy núi Chư Tan Kra và trong rừng Chư Mom Ray. 

Những trận đánh giành giật cao điểm cho tới hết tháng 5-1968 lại có thêm nhiều lính mũ sắt hy sinh. Sau tháng 5-1968, Trung đoàn 209 di chuyển và tiếp tục chiến đấu ở nhiều mặt trận khác. Hơn 400 lính Trung đoàn 209 đã nằm lại cao điểm 995 ở Sa Thầy trong trận đánh đầu đời.

40 năm sau, những người lính Trung đoàn 209 năm xưa đã thôi thúc đi tìm nhau để cùng làm một việc mà họ đã trăn trở, day dứt bao năm. Bắt đầu từ năm 2008, sau khi kết nối được nhau, những người lính mũ sắt quyết định trở lại tìm chiến trường xưa. 

Ông Đồng tâm sự: “Chúng tôi hỏi nhau và khi biết hàng trăm đồng đội hy sinh ở Sa Thầy chưa được ai quy tập, nhiều gia đình liệt sỹ phải nhờ ngoại cảm rước về những hài cốt, nắm đất từ các chiến trường khác thì chúng tôi bảo nhau: Mình phải đi tìm anh em về”.

Nước mắt dành cho đồng đội

Ròng rã nhiều năm trời, các thương binh cựu chiến binh sử dụng nhiều cách để xác định chiến trường cũ và nơi đồng đội hy sinh với bản đồ tác chiến, la bàn, máy định vị, máy dò kim loại... Họ tự đi ôtô, vượt qua những con đường lầy lội của đất rừng Tây Nguyên, leo lên dãy núi Chư Tan Kra, lao sâu vào cánh rừng già Chư Mom Ray... 

Ở chốn rừng thiêng nước độc với muỗi, kiến, bọ... và mưa rừng, họ chẳng nề hà. Mâm cỗ cúng đồng đội với những nén hương thơm được đưa từ Hà Nội vào mang lại sợi dây kết nối đồng đội tìm thấy nhau. 

Đêm đầu trong rừng sau mấy chục năm, chẳng ai ngủ được. Từng trận chiến đấu, sự hy sinh của đồng đội ùa về ngợp cả ký ức. Chiến trường xưa có nơi đã thành nương sắn, có nơi vẫn là rừng cây rậm rạp. Họ luồn qua những dốc núi, tìm hố bom, nắp hầm sập năm nào. Đồng đội bằng xương bằng thịt giờ chỉ còn di vật và những vệt đất đen. Những người lính rắn rỏi ôm nhau khóc nức nở. 

Ở võng núi yên ngựa, tọa độ 836915, 828906, 828908... vẫn còn nguyên những hố chôn tập thể. Chiếc mũ sắt, bi đông, cây bút máy khắc tên cùng đôi chim câu hay cô gái mặc áo dài đứng dưới cây dừa -  biểu tượng cho sự khát khao hoà bình của những chàng trai Hà Nội hiện dần sau lớp đất. Đồng đội của họ: Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Văn Tứ, Lộ Khắc Tâm... mồ hôi hoà cùng nước mắt.

Những người lính già đi tìm đồng đội giữa núi rừng Tây Nguyên.

Trong quá trình đi tìm đồng đội, họ đã gặp những người lính ở phía bên kia đi tìm lính Mỹ mất tích. Các cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp thêm tài liệu, trực tiếp về cuộc chiến năm xưa. 

Sau thành công bước đầu, các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 đã xây dựng kế hoạch, được Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng ủng hộ, được Quân đoàn 3, Sư đoàn 10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum và Huyện đội Sa Thầy giao lực lượng Bộ đội để thực hiện. 

Từ năm 2009, người liệt sỹ Trung đoàn mũ sắt đầu tiên được trở về là Tạ Ngọc Giao (C5D7E209). Và sau đó, lần lượt 16 ngôi mộ lẻ, ngôi mộ chung 20 liệt sỹ, ngôi mộ chung 81 liệt sỹ rồi 4 mộ lẻ… được quy tập. 

Cuối tháng 11-2017, chuyến tìm kiếm quy tập đã đưa được 15 đồng đội trở về. Trong lần này, các ông cũng đã tìm ra vị trí ngôi mộ chung thứ ba của 34 liệt sỹ trên căn cứ FSB14 (M2) nằm trên hướng tiến công của C2D7E209 trong trận đánh ngày 26-3-1968. 

Đêm giao thừa, trong không khí sum họp gia đình, vẫn có những giọt nước mắt lặng lẽ dưới bàn thờ gia tiên của người vợ, chị, của người anh, người em nhớ về người thân nằm đâu đó trên dải đất hình chữ S. Sự bình yên trong mỗi gia đình hôm nay đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của hàng triệu chiến sỹ ngày hôm qua. 

“Mình nằm trong chăn ấm đệm êm, nghĩ đến các đồng đội đang nằm sương gió trên núi mà không đành lòng” – nỗi niềm của những người lính già và hành trình đầy hy sinh thầm lặng của họ đã mang đến xúc cảm cho tôi kể lại câu chuyện nhân văn này. Năm mới, mong các cựu chiến binh có thêm sức khoẻ để tiếp tục hành trình trọn nghĩa vẹn tình.

Việt Hà
.
.