Xúc động lễ truy điệu các liệt sỹ "Trung đoàn mũ sắt" trên đỉnh Chư Tan Kra

Thứ Ba, 26/12/2017, 20:36

Ngày 26-12, lễ truy điệu và an táng 15 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong trận chiến đấu ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum Tết Mậu Thân 1968 đã được tổ chức trang trọng trong sự xúc động nghẹn ngào của đồng đội, thân nhân liệt sỹ và cán bộ, nhân dân địa phương. 

Gần 50 năm trước, dãy núi Chư Tan An, Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy là chiến trường khốc liệt. Những năm 1965, bộ binh Mỹ đổ bộ vào miền Nam, không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội, hầu hết là tình nguyện đã được tuyển vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Những người lính Trung đoàn bộ binh 209 là các thanh niên nhập ngũ tháng 3-1967 được trang bị những loại vũ khí bộ binh tốt nhất thời đó như: B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K68, trung liên RBD, AK 47… mặt nạ phòng hóa và tăng võng trang phục Tô Châu và mũ sắt Liên Xô. Đó cũng là lý do mà Trung đoàn 209 còn được gọi là "Trung đoàn mũ sắt". 

Chiếc mũ sắt là di vật liệt sỹ Trung đoàn 209 tìm được trên núi Chư Tan Kra cuối tháng 11-2017

Lính mũ sắt được huấn luyện đặc biệt trong suốt 1 năm để làm nhiệm vụ đánh công sự kiên cố, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không.

Đầu tháng 2-1968, đúng Tết Mậu Thân, Trung đoàn hành quân cơ giới vào chiến trường. Ngày 21-3-1968, đoàn tập kết quân ở khu vực Chư Tan An, Chư Tan Kra. Đây được gọi là cao điểm 955, là cao điểm cách sân bay dã chiến Kleng 10km. Tại cao điểm này đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt để giành giật cao điểm. 

Trận đánh đầu tiên ngày 26-3-1968, hơn 200 người lính Hà Nội đã ngã xuống. Những cuộc chiến đấu giành giật cao điểm những ngày sau đó, trong đó có đợt tấn công của ta ngày 25-5-1968, nhiều lính mũ sắt đã hy sinh.

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn 209 hy sinh tháng 3-1968 tại Chư Tan Kra
Lễ an táng liệt sỹ Trung đoàn 209 hy sinh trên núi Chư Tan Kra

Các cựu binh an táng hài cốt đồng chí đồng đội

Chư Tan Kra là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội, nhiều người còn sống sau đó tiếp tục vào chiến trường miền Nam, Campuchia, lên biên giới phía Bắc chiến đấu. Hòa bình trở về, họ bận bịu với công việc, cơm áo. Và rồi, hơn 40 năm sau trận chiến quyết tử trên núi Chư Tan Kra, Chư Tan An, những người lính năm nào bị thôi thúc lên đường tìm đồng đội. Hàng trăm liệt sỹ phơi sương gió trên dãy núi ấy như vẫn chờ đồng đội, người thân đến kiếm tìm.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh xúc động nhớ về đồng đội
Lễ an táng 15 liệt sỹ hy sinh trên núi Chư Tan Kra tháng 3-1968
Gia đình các liệt sỹ hy sinh từ tháng 3 đến tháng 5-1968 của Trung đoàn 209 chỉ nhận được giấy báo tử với địa chỉ chung chung: “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Người thân các liệt sỹ bao năm ngóng chờ mà chẳng hay biết tin tức cụ thể nào hơn thế. Ban liên lạc Trung đoàn 209 đã mất nhiều công sức cùng Ban chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum tìm lại chiến trường xưa, lật từng bụi cây ngọn cỏ để tìm những gì còn lại của đồng đội. 

Hơn 200 người lính nằm lại trong trận chiến đấu ác liệt ngày 26-3-1968 mới quy tập được một nửa. Còn nhiều nữa, nhiều nữa các đồng đội hy sinh trong ngày 25-5-1968 và những ngày khác.

Họ, những người lính còn sống đã lặng người đi trước hố chôn tập thể các đồng đội của mình. Di vật còn đó, những bi đông, những võng tăng, những mũ sắt, bút mực… cuộc chiến như tái hiện trước mắt những người lính mũ sắt năm xưa. 

Đợt quy tập đầu tiên năm 2009, ở nơi trước là căn cứ hỏa lực FSB 14 của Sư đoàn 4 Mỹ (M2), một ngôi mộ tập thể 81 hài cốt liệt sỹ đã tìm thấy và được đưa về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thầy. Sau đó đã có nhiều đợt quy tập rải rác từ năm 2009 đến nay.

Từ ngày 22-11 đến ngày 5-12-2017, 15 cán bộ chiến sỹ cơ quan quân sự huyện cùng 12 cựu chiến binh trong Ban liên lạc Trung đoàn 209 tiếp tục đợt tìm kiếm quy tập. Sau nhiều ngày tìm kiếm với đầy khó khăn bởi địa hình thay đổi, nhưng với quyết tâm của tình nghĩa đồng đội cao cả, 15 liệt sỹ đã trở về, nằm gọn trong vòng tay ôm chặt của đồng đội. Các di vật như: Mũ sắt, võng tăng, bi đông, chiếc bút khắc tên Phạm Bá Thi và đôi chim bồ câu … đã được đồng đội nâng niu đón xuống núi. Dưới chân núi nơi các anh hy sinh thuộc xã Ya Xier, huyện Sa Thầy, thành phố Hà Nội đã xây dựng một đài tưởng niệm để tưởng nhớ những người con Hà Nội ra đi vì nghĩa lớn.

Trước hài cốt và di vật liệt sỹ, tôi thấy những đôi vai của người lính vốn kiên cường xông pha nơi chiến trận, giờ cứ rung lên. Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, người đã chiến đấu hơn chục năm ở mặt trận này liên tục lau nước mắt. Ông Nguyễn Văn Vĩnh ngồi sụp xuống khóc đồng đội khi chân nhang bỗng hóa đỏ rực sau lễ an táng 15 hài cốt liệt sỹ: “Vậy là các anh ấy đã đồng ý nằm đây rồi!”…

Phát biểu tại lễ truy điệu các liệt sỹ, ông Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 xúc động: “Trận Chư Tan Kra là trận quân Mỹ đổ bộ vào giữa đội hình của Trung đoàn chúng tôi. Quân Mỹ có hơn 1.000, Trung đoàn 209 lúc đó có hơn 500 quân, tôi muốn nói đây là trận đánh quyết tử của những người lính Hà Nội. Trước và sau trận đánh, chúng tôi đều tin rằng cuối cùng thì chúng ta sẽ thắng, quân Mỹ sẽ phải rút về nước, đất nước Việt Nam sẽ thống nhất”. 

Với tinh thần ấy, những người lính mũ sắt Hà Nội đã tiếp tục có những chiến công trên khắp các chiến trường. Rồi khi trở về đời thường, nỗi day dứt thôi thúc họ. “Sau ngày chiến đấu ở đây, trở về đời thường chúng tôi như mang một món nợ với đồng đội vì họ đã ngã xuống để cho chúng tôi sống. Vì vậy dù hoàn cảnh còn khó khăn, chúng tôi vẫn muốn và cố gắng đưa đồng đội trở về” – ông Phạm Minh Ngọc tâm sự. 

Dẫu hôm nay, 15 hài cốt liệt sỹ, chỉ một liệt sỹ có tên, những bia mộ còn lại chỉ là dòng chữ “chưa xác định tên”,các liệt sỹ đã hòa vào nhau, hòa vào đất mẹ để làm nên bản anh hùng ca bất tử. Sự trở về của các liệt sỹ chiến đấu trên dãy núi Chư Tan Kra trong niềm tiếc thương nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào – những chàng trai Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Việt Hà
.
.