Hiện thực hoá quyết sách của Quốc hội nơi đảo xa

Thứ Hai, 24/04/2023, 08:07

LTS: Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông, tạo thành một hệ thống đảo, đá tiền tiêu, lá chắn bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Chính vì vậy, nơi này luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tháng 6/2022, Quốc hội khoá XV thông qua Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó bổ sung nguồn lực phát triển nghề cá, xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ dân sinh tại huyện đảo Trường Sa.

Đây là một trong những quyết sách ưu tiên của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đối với vùng đất thiêng của Tổ quốc. Gần một năm qua, nghị quyết dần đi vào cuộc sống với sự chung tay của cấp uỷ, chính quyền, quân và dân nơi đây.

Bài 1: Chuyện ghi ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc

Từ ngày 10 đến 15/4/2023 vừa qua, vinh dự, tự hào theo chân Đoàn công tác số 3 thăm, kiểm tra, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, nhóm phóng viên chúng tôi may mắn được "mục sở thị" sự đổi thay ở một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, đến Cô Lin, Đá Đông A.

Khi huyện đảo “thay da đổi thịt”

Sau quãng đường 45 hải lý lênh đênh trên biển từ đảo Đá Đông A, khoảng 13h30 ngày 13/4, tàu KN491 đưa đoàn công tác cập đảo Trường Sa - "Thủ đô của huyện đảo Trường Sa" như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đảo Trường Sa giờ đã khang trang với nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh: Ngọn hải đăng, bệnh xá - trung tâm y tế, chùa, trạm khí tượng thuỷ văn, nhà khách Thủ đô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, sân bay, âu tàu, nhà dân...

Chuyện ghi ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc (bài 1) -0
Thiêng liêng lễ chào cờ trên đảo Trường Sa.

Đón đoàn công tác, ngoài nghi thức theo Điều lệnh QĐND là những cái bắt tay rất chặt, khuôn mặt mừng vui rạng rỡ của CBCS, quân và dân trên đảo dành cho những vị khách từ đất liền xa xôi. Ngay sau đó, đoàn công tác di chuyển ra đường băng rộng lớn, xếp đội hình trước cột mốc chủ quyền để làm lễ chào cờ, duyệt đội ngũ. Giữa mênh mông biển trời xanh thẳm, nắng chói trên đỉnh đầu, Quốc ca Việt Nam vang lên đầy thiêng liêng, tự hào: "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...". Trung úy Tôn Chí Quân dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự QĐND Việt Nam, sau mỗi lời thề đều hô vang "xin thề!", được CBCS trong hàng quân đồng thanh hưởng ứng, tạo nên âm hưởng uy nghiêm, hào hùng ấn tượng. Niềm xúc động, lòng yêu nước đầy kiêu hãnh, tự hào trào dâng trong trái tim những người con đất Việt vừa đặt chân đến Trường Sa. Tiếp đó, Quân nhạc được cử hành với lễ duyệt đội ngũ trang nghiêm, khí thế của CBCS, quân và dân trên đảo...

Đang mùa khô đặc trưng với nắng nóng oi bức từ sáng sớm đến chiều tối nhưng nhiều loài thực vật tươi tốt ở đảo như hoa giấy, bàng vuông, phong ba, phi lao, tra, muống biển... đua nhau khoe sắc, đã góp phần xanh hoá không gian nơi đây, đem lại cảm giác mát mẻ dễ chịu. Hồ hởi tham gia pha nước đón đoàn, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (SN 1994), quê huyện Cam Lâm, Khánh Hoà sống trên đảo cho biết, khi mới ra đây cũng nhiều bỡ ngỡ, song đến nay đã thân thuộc nơi này, thật sự coi "đảo là nhà, biển cả là quê hương". "Cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo, các con được học hành đầy đủ, mình có hai bé, 3 tuổi và 5 tuổi học chung một lớp, thầy đều rất quan tâm. Trẻ nhỏ thường bị ốm vặt nhưng nhờ bệnh xá sát nhà nên luôn được bên Quân y tận tình thăm khám, cấp phát thuốc kịp thời", chị kể.

Chồng là dân quân tự vệ, chung tay góp sức với CBCS Hải quân, Biên phòng và các lực lượng bảo vệ đảo, chị Dung ở nhà nội trợ, chăm con. Nhờ sự giúp đỡ của CBCS trên đảo nên cuộc sống gia đình chị cơ bản ổn định, chỉ thấy nhớ ông bà nội, ngoại trên đất liền và hằng ngày đều hỏi thăm sức khoẻ qua điện thoại. Ở đảo thì áp thấp nhiệt đới thôi cũng kinh hoàng như trong bờ gặp bão, vì giữa mênh mông là biển, gió giật dữ dội, vần vũ khắp nơi. Song được anh em CBCS trên đảo giúp di dời đồ đạc, tránh trú, kết hợp với nhà cửa được xây dựng kiên cố nên lúc mưa bão mẹ con chị chỉ ngồi trong nhà đóng cửa cũng đã yên tâm rồi.

Chuyện ghi ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc (bài 1) -0
Trung uý Tôn Chí Quân, cán bộ đảo Trường Sa đọc 10 lời thề danh dự QĐND Việt Nam.

Trước đó, vượt qua hải trình dài 12h từ đảo Song Tử Tây, chúng tôi đặt chân lên đảo Sinh Tồn vào 6h sáng 12/4. Mặt trời lên sớm, toả nắng vàng óng ánh xuống mặt biển lấp lánh, trong xanh như ngọc. Được biển cả bao dung ban tặng môi trường sinh thái khá thuận lợi nên quân và dân trên đảo trồng được nhiều rau xanh tươi tốt bốn mùa, nuôi được bò, lợn, gà bảo đảm đời sống, sinh hoạt. Đảo còn có nhà văn hoá, chùa, trường tiểu học, trạm khí tượng thuỷ văn, âu tàu với sức chứa hàng chục tàu cá công suất lớn - địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ, có trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp hậu cần nghề cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền, cung cấp nước ngọt miễn phí...

Khi mới cùng chồng và con nhỏ 1 tuổi ra đảo sinh sống, chị Lữ Thị Kim Cúc băn khoăn, không hiểu ở đảo sẽ như thế nào, thiếu thốn, khó khăn, vất vả ra sao.

"Nhưng mình tình nguyện ra giữ quê hương, biển đảo của mình thôi. Lúc đó cây cối còn nhỏ, nắng nóng hơn nhiều, giờ cây xanh đã rậm rạp, mát mẻ nên cuộc sống ở đảo yên bình, thoáng mát hơn đất liền", chị tâm sự, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào. Chị nhớ con gái vì từ nhỏ đến lớn cháu đều ở cùng bố mẹ, tháng 7/2022 cháu lên cấp hai, phải gửi vào đất liền ở với bà ngoại để đi học.

Cạnh đó, chị Ngô Thị Kim Vũ, hộ dân cũng đã sống trên đảo Sinh Tồn khá lâu, chứng kiến bao sự đổi thay trải lòng: "Cuộc sống ổn định hơn, nghĩ đến lúc phải rời xa đảo, tôi thấy bùi ngùi, sẽ nhớ CBCS ở đảo lắm, vì ở đây quân và dân hằng ngày gắn bó với nhau như một gia đình vậy".

Chuyện ghi ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc (bài 1) -0
Tác giả trò chuyện với chị Ngô Thị Kim Vũ - một hộ dân sống trên đảo Sinh Tồn.

Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Là đảo có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Thuận, Phú Yên... nên Trường Sa đã được đầu tư xây dựng âu tàu, làng chài để ngư dân vào tránh, trú bão, sửa chữa và được hỗ trợ nước ngọt. Đảo có trung tâm y tế được trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng xử trí khi có tình huống xảy ra.

Nằm trên giường bệnh của Trung tâm y tế đảo Trường Sa, anh Nguyễn Văn Sôn (SN 1990), ngư dân đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thấy mình thật may mắn vì đã vượt qua "cửa tử" khi được cấp cứu và điều trị kịp thời. Ngày 10/4, trong lúc đánh bắt cá, anh tham gia hỗ trợ một chiếc canô bị sự cố, rơi mỏ neo, bánh lái. "Lúc đó mình lặn sâu khoảng 17m trong thời gian 60 phút để tìm mỏ neo, bánh lái, rồi thì bất tỉnh có nhớ gì đâu...", anh kể. Thấy bạn mình xuống quá lâu, nghi có việc chẳng lành, các ngư dân đi cùng đã vớt anh lên trong tình trạng tím tái, ngưng thở. Qua sơ cứu ban đầu, anh Sôn đã thở trở lại nhưng ho ra máu, được đưa vào nhà giàn ĐKI Phúc Tần A (cách đảo Trường Sa khoảng 75 hải lý).

2.jpg -0
Quân y đảo Trường Sa thăm khám cho ngư dân Nguyễn Văn Sôn.

Sau đó bệnh nhân tiếp tục được đưa đến Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, được các bác sỹ hỗ trợ hô hấp, cho dùng kháng sinh, thở ô xy, sau 3 ngày điều trị sức khoẻ đã ổn định. "Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bác sỹ Quân y trên đảo đã đưa tôi trở lại cuộc sống tươi đẹp này, tôi như được sinh ra lần thứ hai vậy", anh Sôn xúc động nói. Nghề đi biển nhiều rủi ro nhưng nơi đảo xa, các anh luôn được tiếp sức, được tạo điều kiện chăm sóc, cứu nạn kịp thời. Được biết, anh Phạm Văn Sôn chỉ là một trong nhiều ngư dân được CBCS ở đảo cứu sống. Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2023, Trung tâm y tế đảo Trường Sa đã khám và điều trị cho 1.737 lượt người, cấp cứu 33 ca, trong đó đề nghị chuyển cấp cứu bằng máy bay về đất liền điều trị 3 trường hợp. Đảo cũng điều chuyển 2.500kg gạo cho đảo Đá Lát hỗ trợ 152 tàu cá; trực tiếp hỗ trợ 180kg gạo, 3 thùng mì tôm, 18 khối nước ngọt cho 6 tàu cá của tỉnh Ninh Thuận.

"Quân và dân trên đảo Trường Sa tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết quân - dân, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, là điểm tựa vững chắc để họ yên tâm vươn khơi, bám biển", Thượng tá Phạm Thế Nhương khẳng định và cho biết, hiện đang có 65 tàu cá đang neo đậu trong âu tàu của đảo.

Tại đảo Cô Lin (cách đảo Sinh Tồn 9 hải lý), theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Duy, Chỉ huy trưởng đảo, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 có tổng số 629 lượt tàu cá ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác thuỷ sản ở khu vực; đồng thời, đảo đã khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc cho 14 lượt ngư dân. "Trong thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi tổ chức tuần tra, canh gác chặt chẽ 24/24h, bảo đảm an toàn, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu với phương châm "độc lập tác chiến, còn người còn đảo", anh nhấn mạnh.

Còn tại đảo Song Tử Tây, ông Phạm Hồng Long, Đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân cho biết, âu tàu từ lâu đã phát huy vai trò cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho ngư dân trong quá trình khai thác hải sản xa bờ. Cạnh đó, còn cung cấp dịch vụ y tế, khai thác hải sản, cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa tàu thuyền, giúp đỡ bà con khi gặp sự cố. Đơn vị cũng cung cấp nước ngọt miễn phí; lương thực, thực phẩm, nhiên liệu thì bán cho bà con với giá trong đất liền để ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày, tăng sản lượng khai thác.

"Trong quá trình giúp đỡ bà con tránh, trú hay gặp sự cố, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về khai thác hải sản trên biển. Khi đánh bắt ngoài xa nên lắp đặt máy giám sát hoạt động nghề cá, luôn mở máy trong quá trình khai thác để nếu có vấn đề gì sẽ được các đảo, đất liền giúp đỡ kịp thời; tuyên truyền bà con đánh bắt đúng vùng biển nước mình, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không khai thác hải sản trái phép...", ông Long thông tin. Hiện tại, huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu tại đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây, với tổng sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu. Ngư dân quen thuộc với việc ra ngư trường Trường Sa khai thác, coi các âu tàu như là nhà...

(Còn nữa)

Quỳnh Vinh
.
.