Hậu chiến dịch giải cứu con tin ở Australia:

Lộ nhiều kẽ hở an ninh trong cuộc chiến chống IS

Thứ Tư, 17/12/2014, 10:03
Vụ bắt cóc con tin ở thành phố Sydney đã kết thúc sau 16 giờ kinh hoàng. Mặc dù có tới 2 con tin thiệt mạng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia an ninh, việc giải cứu vẫn được coi là thành công với việc tiêu diệt thủ phạm là giáo sĩ Hồi giáo tự xưng Man Haron Moni. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra và cái mà người dân Australia lo ngại nhất, chính là những lỗ hổng an ninh mà nước này đang vướng phải khi lao vào cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan, mà cụ thể là chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo truyền thông Australia, 2 con tin và đối tượng bắt cóc đã thiệt mạng, 4 người khác bị thương khi cảnh sát Sydney thực hiện chiến dịch giải cứu con tin trong quán cà phê. Ủy viên cảnh sát New South Wales Andrew Scipione cho biết, có tất cả 17 con tin bị bắt giữ và trước khi cảnh sát giải cứu, 6 con tin đã bỏ trốn một cách an toàn.

Ông Andrew Scipione còn nói, thủ phạm đã bị tiêu diệt và được xác định là hành động một mình, song vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thẩm tra và rà soát kỹ để lần tìm dấu vết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong lòng Australia. Nói thế là vì, trước khi bị tiêu diệt, Man Haron Moni đã tự nhận làm việc cho IS và treo cờ của tổ chức cực đoan này trước cửa quán cà phê.

Một điểm đáng chú ý nữa là dù cái tên Man Haron Moni không còn xa lạ với cảnh sát bởi hắn từng bị truy tố với cáo buộc sát hại vợ cũ rồi thiêu xác cô này tại một tòa nhà chung cư ở phía Tây Sydney hồi tháng 11 năm ngoái, song giới chức Australia lại không hề biết rằng, hắn đã gia nhập IS.

Hồ sơ của cảnh sát về Man Haron Moni chỉ chứa đựng các thông tin cũ về việc hắn gửi các lá thư với nội dung thù ghét tới gia đình những người lính Australia tử trận trong giai đoạn 2007-2009, hay bị bắt vì tội tấn công tình dục một phụ nữ vào năm 2002…

Tháng 10 vừa qua, Man Haron Moni còn đối mặt với hơn 40 cáo buộc khác nhau, nhưng không hề có dòng nào lưu ý về mối quan hệ với IS. Chính vì thế mà nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là một lỗ hổng an ninh rất lớn ở Australia vì những tên tội phạm đáng chú ý đã không được “quan tâm đúng mức”.
Vợ chồng Thủ tướng Australia Tony Abbott đặt vòng hoa tưởng niệm 2 nạn nhân thiệt mạng trong vụ giải cứu con tin. Ảnh: AP.

Đáp lại những nghi ngờ của dư luận, Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 16/12 đã đến đặt vòng hoa tại nơi tưởng niệm 2 nạn nhân xấu số trong vụ giải cứu con tin. Ông Tony Abbott cũng tuyên bố rằng, thủ phạm Man Haron Moni là một kẻ nổi tiếng mê đắm chủ nghĩa cực đoan, có thần kinh không bình thường.

Đồng thời, ông Tony Abbott cũng ca ngợi cảnh sát Sydney khi khẳng định, người dân Australia có thể an tâm với cách đối phó của các cơ quan thi hành luật pháp, Thủ tướng Australia cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ lưỡng vụ việc, xác minh lại những nghi vấn để có câu trả lời rõ ràng về vụ việc.

Hãng tin Reuters cho hay, một trong hai nạn nhân thiệt mạng là Katrina Dawson, 38 tuổi, luật sư tại Sydney và có 3 con. Nạn nhân còn lại là quản lý quán cà phê, Tori Johnson, 34 tuổi. Anh làm việc tại quán cà phê Lindt kể từ tháng 10/2012 và từng có thời gian làm việc tại nhiều nhà hàng, bệnh viện quanh Sydney.

Cho đến chiều 16/12, cơ quan an ninh Australia vẫn chưa nhận được phúc đáp từ Mỹ về khả năng có mối quan hệ giữa Man Haron Moni và các tổ chức khủng bố khác. Và mặc dù các con tin đã được giải cứu, song chuyên gia an ninh Australia vẫn bày tỏ lo ngại rằng, việc ngăn ngừa các vụ tấn công từ những kẻ bắt cóc đơn lẻ kiểu này không hề đơn giản.

GS Mark Stewart thuộc Đại học Newcastle nhận định rằng, dù chính phủ Australia đã mạnh tay trong việc chi cho ngân sách chống khủng bố nhưng vẫn chưa hiệu quả. GS Jens David Ohlin thuộc Đại học Cornell thì nói : “Chúng ta đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố kiểu mới, nguy hiểm hơn và khó đánh bại hơn cả Al-Qaeda trước đây”.

Cũng phải nói thêm rằng, trước khi xảy ra vụ bắt cóc ở quán cà phê, hồi tháng 9, cảnh sát chống khủng bố Melbourne đã nhận được một lời đe dọa, một ngày sau đó, 2 cảnh sát của lực lượng này bị 1 thanh niên tấn công bằng dao.

Từ tháng 8, khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria, Australia đã tuyên bố tham gia. Mặc dù mãi đến đầu tháng 10, Quốc hội nước này mới cho phép máy bay chiến đấu tham gia không kích nhằm vào mục tiêu IS tại Iraq và điều quân tới căn cứ của Mỹ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhưng trước đó, Australia đã chi tới 60 triệu USD trong chiến dịch nhằm ngăn ngừa giới trẻ bị thu hút bởi các nhóm cực đoan ở Trung Đông, trong đó có IS. Song, dường như phương cách chống IS của chính quyền Canberra chưa hiệu quả.

Bằng chứng là hồi tháng 10, nhà chức trách Australia cho biết, có khoảng 70 công dân Australia đang tham chiến cùng các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria và 20 người đã trở về nước sau khi chiến đấu tại đây. 100 người hoặc nhiều hơn ở Australia đang “tích cực hỗ trợ” các nhóm phiến quân qua việc tuyển mộ chiến binh, những người đánh bom liều chết, đồng thời cung cấp tài chính và trang thiết bị quân sự cho các chiến binh. Nhưng các con số thống kê mới được chuyên gia chống khủng bố của Liên Hợp Quốc Richard Barrett công bố hồi cuối tháng 11 đã cho thấy, con số này tăng lên mức 250 người.

Hiện an ninh vẫn được thắt chặt khắp Australia. Sáng 16/12, nước này còn bị một phen khủng hoảng sau khi Bộ Ngoại giao và Thương mại phải sơ tán nhân viên vì phát hiện một bưu kiện khả nghi ở khu vực căng tin của tòa nhà. Một số quốc gia khác đã bày tỏ lo lắng bằng việc tạm ngừng hoạt động tại Đại sứ quán hay Lãnh sự quán.

Phan Hiển
.
.