Nepal – đất nước của những trận 'siêu' động đất

Thứ Tư, 29/04/2015, 16:37
Tính tới chiều 27/4, kênh truyền hình Nepal 1 dẫn số liệu từ Trung tâm Hoạt động cứu trợ khẩn cấp quốc gia Nepal cho biết, vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra vào trưa 25/4 ở nước này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 3.326 người, làm hơn 6.500 người bị thương và con số này vẫn chưa dừng lại ở đó.
>> Nepal để quốc tang 3 ngày tưởng nhớ nạn nhân động đất 

Những hình ảnh về trận động đất được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thực sự gây shock với bất cứ ai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một thảm họa đã được báo trước và vụ động đất này mới chỉ là một khúc dạo đầu báo hiệu cho những vụ động đất tiếp theo còn khủng khiếp hơn.

GeoHazards International (GI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Menlo Park, California, Mỹ, với nỗ lực nhằm giúp đỡ những người nghèo sống tại các vùng dễ bị ảnh hưởng như Nepal, đã lưu ý rằng, những trận động đất như vậy có khả năng xảy ra theo chu kỳ khoảng 75 năm một lần tại khu vực này.

Hàng chục nghìn người mất mạng vì động đất

Trên bản đồ động đất thế giới, Nepal có màu đỏ sẫm và là một khu vực bị động đất đe dọa cao độ. Cách đây 25 triệu năm, Ấn Độ từng là một hòn đảo nằm riêng biệt trên Ấn Độ Dương. Sau đó, hòn đảo này trôi dạt về phía đất liền và va chạm với mảng kiến tạo Á - Âu. Sự va đập nói trên đã tạo ra một lực khủng khiếp, góp phần hình thành dãy núi Himalaya hùng vĩ và gây ra những trận động đất mạnh. Không may là Nepal lại nằm ở nơi xảy ra sự va đập giữa hai mảng kiến tạo này. Hiện nay, mảng kiến tạo Ấn Độ đang “lấn sân” mảng kiến tạo Á - Âu với tốc độ 1mm/tuần và, về mặt địa chất, đây là một tốc độ rất nhanh.

Theo chuyên gia địa vật lý học Lung S. Chan tới từ Đại học Hong Kong (Trung Quốc), sự va chạm giữa hai mảng kiến tạo trên là “một ví dụ tiêu biểu cho hoạt động địa chất”. Chỉ tính riêng trong thế kỷ XX, các vụ đụng chạm đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở Nepal.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), các trận động đất tại Nepal tương đối nông, có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại và dư chấn hơn so với tác động của động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái Đất.

Ngoài lí do vì sức mạnh khổng lồ từ những vụ va chạm kiến tạo, Nepal là khu vực dễ bị động đất tàn phá do đứt gãy bên dưới bề mặt quốc gia này. Vết đứt gãy thông thường tạo ra khoảng trống khi mặt đất tách ra. Trong khi đó, Nepal nằm trên đứt gãy nghịch (thrust fault), nơi một mảng kiến tạo sẽ tự đẩy lên trên một mảng kiến tạo khác. Minh chứng dễ thấy nhất của điều này là dãy núi Himalaya. Các đường đứt gãy chạy dọc 2.250km, sự va chạm liên tục giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu khiến đỉnh núi vẫn tiếp tục cao lên một vài cm mỗi năm.

Vi phạm những nguyên tắc chống động đất sơ đẳng nhất, nhiều ngôi nhà cao tầng ở Kathmandu đã sụp đổ tan tành.

Những trận động đất nghiêm trọng ở Nepal dường như xảy ra theo tính quy luật, nhưng việc dự đoán điều gì sẽ xảy ra không hề đơn giản. Các tài liệu ghi chép trong quá khứ và phép đo đạc ngày nay về chuyển động của mảng kiến tạo cho thấy rằng, nếu sức ép hình thành ở khu vực này theo cách nhất quán, động đất có sức mạnh tàn phá nặng nề sẽ xảy ra theo chu kỳ khoảng 40-50 năm một lần.

Theo các chuyên gia, tính phức tạp của lực tác động lên vết nứt gãy là lý do khiến giới nghiên cứu không thể dự đoán chính xác số lượng động đất trung bình mà một khu vực sẽ phải trải qua trong một thế kỷ.

Thành phố nguy hiểm nhất thế giới

Với vị trí nằm ở giữa một lòng hồ cũ khiến Kathmandu dễ bị “tổn thương”, do nền đất yếu, nên sự rung lắc sẽ trở nên mạnh hơn khi động đất xảy ra. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, người dân đã thi nhau đổ tới thủ đô Nepal, khiến Thung lũng Kathmandu trở thành một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Nam Á. Điều này dẫn tới việc nhà cửa được xây lên với tốc độ nhanh và hầu như không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Thực tế này, cộng với việc Thung lũng Kathmandu của Nepal thường có nhiều hoạt động địa chất, đã khiến các chuyên gia cảnh báo nơi đây giống như một “quả bom nổ chậm”, chỉ chờ để gây họa. Thực tế đã chứng minh, các ngôi nhà cao tầng ở Kathmandu đã đua nhau sụp đổ trong cơn động đất, vì chúng đã vi phạm những nguyên tắc chống động đất sơ đẳng nhất.

Vụ động đất ngày 25/4 chưa phải là tồi tệ nhất vì tâm chấn của nó cách thủ đô Kathmandu 60km. Ấy thế mà, nhiều nhà cửa và công trình kiến trúc cổ đã đua nhau sụp đổ. Hãy tưởng tượng hậu quả khủng khiếp của một trận động đất mạnh 9 độ Richter ở ngay dưới lòng đất Kathmandu.

Chủ tịch GI Brian Tucker, từng sống ở Nepal trong những năm 1990, đã thử đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra nếu một trận động đất mạnh như hồi năm 1934 tại Bihar với cường độ 8,2 độ Richter, cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, tái xuất hiện ở thung lũng Kathmandu.

Theo nghiên cứu của ông Tucker, từ đó tới nay, dân số ở Kathmandu đã tăng lên gấp bảy lần, ước tính con số người chết sẽ tăng lên 40.000, nếu thảm họa tái diễn trong thời hiện đại. Những người khác từng nghiên cứu về rủi ro động đất ở thung lũng Kathmandu cũng dự báo số người chết dao động từ 100.000 người, thậm chí cao hơn.

Trong nhóm này có Roger Bilham, một giáo sư địa chất tại Đại học Colorado, Mỹ. Ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hoạt động địa chất ở dãy Himalaya. Chỉ trước thảm họa mấy ngày, tại một sự kiện tổ chức ở Pasadena, Texas, ông đã đề cập các nhà địa chất về những rủi ro nếu động đất lớn xảy ra ở dãy Himalaya, đồng thời cảnh báo rằng, khu vực nằm ở phía Tây Kathmandu đã đi quá chu kỳ xảy ra một trận động đất mạnh khoảng 8 độ Richter.

“Thật không may là chuyện đã xảy ra và đó là thảm kịch vượt ngoài sức tưởng tượng” - ông nói về trận động đất. Ngoài ra, một nguy cơ lớn nữa là các đường ống dẫn khí đốt bị đứt gãy trong động đất, gây ra các vụ nổ lớn gây cháy. Các vụ đứt gãy đường ống dẫn nước cũng khiến cho nhiều tầng hầm bị ngập lụt.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.