Những lễ hoả táng âm thầm ở Hồ Bắc

Thứ Hai, 30/03/2020, 12:14
Nhiều lọ tro cốt hiện vẫn đang đặt trong nhà hoả táng thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) do chưa có người nhận.


Không chỉ đơn giản là bị cấm tổ chức tang lễ như các tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc, tại những nơi như ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, người dân nơi đây thậm chí không thể tới nhận hài cốt của người dân bởi không được phép ra khỏi nhà.

“Tro cốt của những người đã qua đời hiện đang được chúng tôi bảo quản vì người thân của họ hiện đang bị cách ly, hoặc họ ở xa và chưa thể quay về. Không được nói lời từ biệt, không được tổ chức tang lễ”, giám đốc nhà hoả táng Kinh Châu, ông Sheng cho biết.

COVID-19 đã lây nhiễm hơn nửa triệu người và cướp đi sinh mạng của khoảng 25.000 người tại hơn 200 quốc gia trên khắp thế giới. Ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát, COVID-19 không chỉ đảo lộn hoàn toàn cuộc sống thường nhật, mà còn ảnh hưởng tới cả việc an táng người chết do khả năng lây lan nhanh chóng của nó.

Lệnh phong toả được nới lỏng ở tỉnh Hồ Bắc, nhưng tại thành phố Kinh Châu, người dân nơi đây vẫn phải ở nhà. (Ảnh: Reuters)

Theo lệnh, kể từ ngày 1/2, dù nguyên nhân tử vong là gì, các gia đình tại Trung Quốc cũng không được tổ chức tang lễ cho người thân của họ, ngay cả khi dịch bệnh có chiều hướng giảm bớt.

Thức đêm bên cạnh linh cữu người thân, mặc quần áo tang trắng, người quen tới viếng và nhìn mặt những người qua đời lần cuối, cầu nguyện…, tất cả những nghi lễ cầu kỳ thường thấy trong các đám tang tại Trung Quốc giờ đã bị cấm.

Theo mô tả của phóng viên Reuters, nhà tang lễ ở Kinh Châu giờ đang khoác lên mình một chiếc áo yên tĩnh. Ngoài ra, ở đây còn có sự xuất hiện của một loại áo khác: áo bảo hộ của các nhân viên để bảo vệ họ khỏi COVID-19 trong khi làm việc.

“Dù không có tang lễ, nhân viên của ông Sheng, cũng như các nhân viên làm công việc hỏa táng trên khắp Trung Quốc, vẫn phải tiếp tục làm việc cật lực và tất cả đều được trang bị quần áo bảo hộ màu xanh kín mít, đội mũ trùm đầu.

“Trước khi xảy ra dịch bệnh, lễ viếng thường kéo dài ba ngày và sau đó chúng tôi sẽ thực hiện công việc của mình (tổ chức tang lễ). Nhưng bây giờ, khi có người chết, bệnh viện sẽ tiến hành khử trùng và việc hỏa táng sẽ xảy ra ngay sau đó”, ông Sheng, người đã gắn bó với công việc 29 năm này, cho biết.

Nhân viên tại nhà hoả táng của ông Sheng hiện phải thay ca suốt ngày đêm, sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi đến từ bệnh viện vào nửa đêm để vận chuyển thi thể của các bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Trước đây, họ chỉ hỏa táng thi thể vào buổi sáng.

“Các nhân viên bệnh viện đang làm việc rất chăm chỉ nhưng các nhân viên tang lễ cũng vậy”, ông Sheng nói.

Trong số 8 lò thiêu tại nhà hỏa táng, có một lò được dành riêng cho các nạn nhân tử vong vì COVID-19, gia đình của những người này có thể còn không được nhìn mặt họ lần cuối trước khi hoả táng.

“Đối với những người tử vong vì COVID-19 tại nhà, nhân viên sẽ mặc đồ bảo hộ đầy đủ và tiếp nhận thi thể của họ nhanh chóng”, ông Sheng nói. 

Trung Quốc hiện đã ghi nhận hơn 81.000 ca nhiễm COVID-19 và hơn 3.300 ca tử vong, chủ yếu ở Vũ Hán.

Kinh Châu, một trung tâm vận tải và du lịch với 6 triệu dân, nằm cách Vũ Hán 220km về phía Tây, là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 6 tại Hồ Bắc, với 1.580 ca nhiễm và 52 ca tử vong. “Một nửa trong số những ca tử vong này được hỏa táng tại chỗ của tôi”, ông Sheng cho biết.

Số ca nhiễm COVID-19 nội địa tại Trung Quốc trong thời gian gần đây đã giảm mạnh. Chính quyền Vũ Hán chỉ báo cáo một ca nhiễm mới trong 10 ngày qua. Mỹ và Italia hiện đã vượt Trung Quốc về số ca nhiễm bệnh.

Những diễn biến tích cực đã khiến Trung Quốc bắt đầu có những động thái nới lỏng lệnh phong toả và hạn chế đi lại. Hồ Bắc bắt đầu cho phép cư dân rời khỏi tỉnh vào ngày 24/3, tuy nhiên, việc tới tỉnh này hiện vẫn chưa được phép.


Cao Trung (Theo Reuters)
.
.