Thắt chặt an ninh và kỳ vọng hợp tác song phương trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 08/01/2015, 08:07
Trong nhiều tuần gần đây, đặc biệt là sau khi có thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm chính thức Ấn Độ và là khách mời danh dự tại lễ duyệt binh nhân kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ được tổ chức vào ngày 26/1 tới, một loạt báo động tình báo đã được các cơ quan nước ngoài chuyển cho các cơ quan đối tác Ấn Độ trong những tuần gần đây, trong đó hầu hết là cảnh báo nguy cơ khủng bố tại quốc gia Nam Á này.

Trong bối cảnh đó, ngày 7/1, Mỹ đã điều một đội tiền trạm của Cơ quan Mật vụ tới New Delhi để phối hợp với các cơ quan an ninh nước chủ nhà chuẩn bị công tác đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng.

Theo đó, đội mật vụ Mỹ sẽ lắp đặt vệ tinh giám sát mọi di chuyển của Tổng thống Obama tại Ấn Độ, đặc biệt trên đường phố Rajpath và khu vực các nhân vật quan trọng nhất (VIP) dự kiến ngồi cùng Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Thủ tướng Narendra Modi.

Ngoài các nhân viên mật vụ, Mỹ cũng sẽ điều các đội lính thủy đánh bộ và các lực lượng đặc biệt khác tới Ấn Độ để bảo đảm an ninh cho Tổng thống Obama. Một đội lính bắn tỉa từ trên các mái nhà và chó nghiệp vụ của Mỹ cũng được đề nghị triển khai trong dịp ông Obama thăm Ấn Độ.

Theo kế hoạch, các lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ an ninh vòng trong cho Tổng thống Obama, trong khi lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh vòng hai và vòng ba, còn vòng ngoài cùng do cảnh sát New Delhi đảm nhiệm.

Về phía nước chủ nhà, cảnh báo gần đây nhất mà Mỹ gửi tới Ấn Độ là khả năng xảy ra không tặc hoặc vụ nổ trên một máy bay từ Delhi tới Kabul (Afghanistan). Tuy nhiên, nguồn tin này không nói cụ thể khi nào hành động khủng bố có thể xảy ra nên lực lượng an ninh nước chủ nhà đã đặt trong tình trạng báo động cao từ ngày 5/1.

Trước đó, có thông tin rằng, sáu đảng cánh tả tại Ấn Độ sẽ tổ chức biểu tình trên cả nước vào ngày 24/1, trước chuyến thăm của Tổng thống Obama để phản đối việc Washington “can thiệp” vào công việc nội bộ của New Delhi và các chính sách “thân Mỹ” của Chính phủ do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu. Các đảng trên đã ra tuyên bố chung, trong đó cho rằng bản thân Tổng thống Obama phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược Libya, việc ném bom và điều quân trở lại Iraq, đồng thời cáo buộc Mỹ đang tìm mọi cách phá hoại Syria.

Các nhân viên của Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Trước khi diễn ra chuyến thăm của ông Obama, theo thông báo ngày 6/1 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry ngày 10/1 sẽ tới Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà đầu tư toàn cầu diễn ra tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực khôi phục quan hệ với Ấn Độ sau vụ tranh cãi ngoại giao xảy ra vào cuối năm 2013, khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi nghiêm trọng. Chuyến thăm cũng nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Ấn Độ hiện ở mức 100 tỷ USD và hai nước đặt mục tiêu nâng con số này lên 500 tỷ USD trong tương lai.

Trước đó, vào tháng 11/2014, New Dehli và Washington cũng đã đàm phán giải quyết bất đồng liên quan tới trợ giá lương thực, vấn đề đe dọa đẩy Thỏa thuận Bali về nới lỏng rào cản thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) rơi vào tình trạng bế tắc. Với vai trò là một nước đối tác, đây là lần đầu tiên Mỹ tham dự diễn đàn được tổ chức 2 năm/lần kể từ năm 2003. Và cũng trong chuyến công du đầu tiên trong năm 2015 này, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dự kiến cũng ghé thăm một số nước khác, tuy nhiên, địa điểm chính xác vẫn chưa được công bố.

Trong một diễn biến liên quan, ngay trước thềm chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Tham mưu trưởng Lực lượng hỗn hợp Ấn Độ, Nguyên soái P.P. Reddy ngày 7/1 cảnh báo, trong bối cảnh nguy cơ tấn công khủng bố gia tăng, Ấn Độ phải thận trọng với cả Trung Quốc và Pakistan, và sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc chiến tranh nào.

Cảnh báo của ông Reddy được đưa ra tại thời điểm đang diễn ra các vụ đọ súng dữ dội giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan dọc Ranh giới kiểm soát (LoC), trong khi Mỹ đã “dọn đường” để cung cấp viện trợ tài chính cho Pakistan nhằm ghi nhận “thành tích” chống khủng bố của Islamabad. Liệu đây có phải là một “lời nhắc khéo” cho hai nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ sắp thực hiện chuyến thăm tới New Delhi?

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.