Thế giới chung tay chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan

Thứ Ba, 24/02/2015, 08:39
Đại diện hơn 60 nước nhất trí phác thảo một lộ trình hướng tới các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, bày tỏ quyết tâm đoàn kết chống lại tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan diễn ra sáng 20/2 (giờ Việt Nam) tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nước trên thế giới đoàn kết, tăng cường các biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Đại diện hơn 60 nước tham dự hội nghị cũng nhất trí phác thảo một lộ trình hướng tới các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, bày tỏ quyết tâm đoàn kết chống lại tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nỗ lực loại bỏ IS ra khỏi đời sống xã hội

Trong 3 ngày (17 – 19/2), đại diện của các cộng đồng, đối tác tư nhân, tổ chức chính phủ từ hơn 60 quốc gia đã trình bày và chia sẻ các sáng kiến, biện pháp để nâng cao hiệu quả của các nỗ lực trên toàn thế giới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Tất cả các đại biểu đều thừa nhận tính chất nguy hiểm của thách thức do các tổ chức khủng bố như IS đang đặt ra.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho rằng: “Thách thức này là chưa từng có. Chủ nghĩa khủng bố mà chúng ta đang đối mặt ngày hôm nay là rất mới và rất khó giải thích. Những kẻ khủng bố có thể có mặt ở bất cứ nơi nào, có thể tuyển mộ chính những người sinh trưởng trong cộng đồng của chúng ta và đẩy họ vào những hành động cực đoan”. “Những kẻ khủng bố đang cố tình theo đuổi một chiến lược tấn công tàn bạo và gây sốc: Quay phim, ghi hình và phát tán các cảnh chặt đầu, thiêu sống các nạn nhân, tất cả đều nhằm khủng bố, phân hoá và chia rẽ chúng ta” - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định.

Về phía Mỹ, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, chính phủ các nước phải kiên định, vững vàng trong cuộc chiến đẩy lùi các tổ chức khủng bố, trong bối cảnh IS ngày càng hung bạo và các nước châu Âu trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử cực đoan.

Ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra một số ưu tiên với mục đích đẩy lùi những tư tưởng bị các nhóm cực đoan như IS “bóp méo”, trong đó có tăng cường hợp tác giữa các nước chống lại các tay súng thánh chiến, nhanh chóng chấm dứt xung đột sắc tộc và căng thẳng tại một số điểm nóng như Syria, chặn đứng nguồn cung cấp tài chính cho các nhóm có tư tưởng truyền bá lòng thù hận và giải quyết những bất đồng chính trị cũng như kinh tế hướng tới phát triển và tăng trưởng.

Theo ông Obama, đây cũng là biện pháp giúp ngăn chặn mọi “chiêu bài” tuyển mộ hòng mở rộng lực lượng thánh chiến của các nhóm cực đoan. Tiếp tục nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan không phải là cuộc chiến của phương Tây với thế giới Hồi giáo, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nước chung sức chống các nỗ lực xuyên tạc và lôi kéo thế giới đạo Hồi vào cuộc chiến với phương Tây.

Khẳng định đây là “lời dối trá khủng khiếp”, ông Obama nhấn mạnh, nước Mỹ và các nước phương Tây chỉ chống lại những kẻ bóp méo đạo Hồi, làm sai lệch tư tưởng đạo Hồi. Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Các cộng đồng Hồi giáo, bao gồm cả học giả và các giáo sĩ, có trách nhiệm xóa bỏ những diễn giải hay lời nói dối rằng Mỹ và phương Tây bằng cách nào đó đang trong cuộc chiến với Hồi giáo hoặc tìm cách đàn áp những người Hồi giáo”.

Ông cũng nêu rõ: “Chúng ta đang phải đối mặt với những luồng tư tưởng bị bóp méo, xuyên tạc của những kẻ khủng bố như al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đặc biệt là ý định của chúng sử dụng đạo Hồi để chứng minh sự tàn bạo của chúng là đúng đắn. Những kẻ khủng bố đang khao khát được công nhận về tính hợp pháp của chúng. Chúng ta phải có trách nhiệm bác bỏ những luận điệu sai trái của chúng”.

Tổng thống Obama phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về chống khủng bố .(Ảnh: UPI).

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tuyên bố thành lập một trung tâm thông tin liên lạc kỹ thuật số với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hệ thống thông tin mới này sẽ chống lại sự tuyên truyền của các nhóm khủng bố thông qua việc hợp tác với các thủ lĩnh tôn giáo và cộng đồng bản địa ở các nước.

Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ với sự tham dự của đại diện hơn 60 quốc gia, trong đó có các nhà lãnh đạo cảnh sát, các nhà lập pháp, thống đốc và thị trưởng các thành phố của Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Hội nghị được Nhà Trắng đề xuất từ tháng 10 năm ngoái, nhưng bị hoãn lại vì nhiều lý do. Kết thúc hội nghị kéo dài trong ba ngày (17 – 19/2), mặc dù được đánh giá là không đưa ra được các bước đi cụ thể, đại diện hơn 60 nước tham dự cũng đã nhất trí phác thảo một lộ trình hướng tới các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới.

Theo tuyên bố được đưa ra sau phiên bế mạc, các thành viên tham dự còn nhấn mạnh cam kết đấu tranh chống các nhóm cực đoan, tăng cường lực lượng quân sự và tình báo trong việc giải quyết vấn đề làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy nền hòa bình và sự khoan dung. Bên cạnh đó, đại diện của nhiều nước có con tin bị IS sát hại như Jordan, Nhật Bản, Ai Cập cũng đều khẳng định quyết tâm đoàn kết chống lại tổ chức này.

IS vn lng hành

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 22/2 đưa tin, 40 người, chủ yếu là cảnh sát địa phương và thành viên của nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ Al-Sahwa, đã bị nhóm phiến quân IS thiêu sống tại tỉnh Anbar của Iraq. Những người này bị bắt tại khu vực Al-Baghdadi cách thủ đô Bagdad của Iraq khoảng 200km về phía Tây Bắc. IS đã nhốt những con tin này trong các lồng sắt và thiêu sống họ tương tự như vụ sát hại viên phi công của Jordan trước đó. Vụ hành quyết tàn bạo này diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nguồn tin cho biết IS đã giết hại hơn 70 người.

Trước đó, ngày 21/2, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về ba vụ đánh bom xe liên tiếp tại thành phố Qubbah ở miền Đông Libya hôm 20/2, làm 42 người thiệt mạng và 70 người bị thương. Các tay súng IS cho biết, vụ tấn công bằng xe bom này là để đáp trả các vụ không kích của Ai Cập. Phát biểu trên truyền hình, Chủ tịch Quốc hội Libya Saleh Eissa nêu rõ, mục tiêu của các vụ đánh bom này là một trạm xăng bên cạnh một toà nhà an ninh. Ông Saleh Eissa cho rằng, đây dường như là hành động trả đũa đối với các cuộc không kích của Ai Cập nhằm vào các mục tiêu của IS tại thành phố miền Đông Derna, gần Qubbah.

Trong một diễn biến khác, ngày 19/2, lực lượng phiến quân tuyên bố trung thành với IS đã chiếm giữ trường đại học ở thành phố Sirte, miền Trung Libya. Một giáo sư của trường này cho biết vụ việc đã khiến các lớp học của trường phải nghỉ học và hoãn các chương trình kiểm tra (của sinh viên). Ngoài ra, người dân Sirte cũng cho biết thêm phiến quân IS cũng đã chiếm một đài phát thanh và các trụ sở chính quyền khác ở đây.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.