1 năm sau cuộc “Cách mạng cam “ ở Ucraina: Chỉ đơn thuần là thay người cầm quyền

Thứ Hai, 28/11/2005, 07:37

Bắt đầu từ năm nay, ngày 22/11 ở Ukraina được chính thức kỷ niệm như Ngày Tự do. Cách đây một năm, cái gọi là "Cách mạng cam" đã giành được thế thượng phong ở Ukraina, đưa ông Victor Yuschenko lên vị trí Tổng thống nước cộng hòa có vị trí địa chính trị cực kỳ nhạy cảm ở phần đông châu Âu. Ukraina đã thay đổi thế nào sau một năm đi trên đường mới, hướng về phương Tây hơn?

Các cuộc cách mạng diễn ra không bao giờ chỉ đơn thuần là thay đổi người cầm lái, mà là để thay đổi đất nước theo hướng tốt đẹp hơn, nhất là trong việc cải thiện đời sống nhân dân. "Cách mạng cam" có làm được điều này với Ukraina không?

Nhìn vào thực tế, có thể thấy trước hết là trong một năm qua, Kiev dường như trở nên gần hơn với Washington hay London. Và cũng vì thế mà hóa ra xa hơn với Moskva, mặc dầu giữa Ukraina và Nga như trước đây vẫn đang tồn tại vô số những "dây mơ rễ má" lịch sử, kinh tế và xã hội không dễ gì phá bỏ. Điều này trong tương lai sẽ tạo nên những bất trắc bất ngờ có thể không hữu lợi đối với Ukraina cả trên phương diện đối ngoại lẫn đối nội.

Dẫu sao Moskva vẫn là "láng giềng gần", lại chung dòng máu Slavơ, đối với Kiev và tình trạng bằng mặt nhiều hơn bằng lòng không thể tạo dựng nên những mối quan hệ tin cậy thực sự để cùng phát triển. Hơn nữa, trong thành phần Ukraina có không chỉ một tỉnh đông người nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ và hiển nhiên họ sẽ cảm thấy thân phận mình giống như tầm gửi trước một chính quyền không thân thiện với Moskva như với phương Tây. Và đó sẽ là nhân tố làm tổn hại tới tính thống nhất quốc gia của Ukraina.

Trong khi đó, khi đã làm xong cuộc đảo lộn ngoạn mục trong bộ máy cầm quyền ở Kiev, phương Tây hiện đã tỏ ra điềm đạm hơn trước ham muốn nhập cuộc của Ukraina, đến mức chính Tổng thống Yuschenko cũng đã không giấu được sự thất vọng đối với Liên minh châu Âu (EU).

Theo đúng những quy luật thị trường, phương Tây chỉ hồ hởi với lực lượng cầm quyền mới của Ukraina vừa đủ ở mức mà họ cảm thấy những người này hữu dụng cho các kế hoạch đẩy lùi hơi thở nóng của Moskva vào gáy họ. Với một chính quyền như hiện nay ở Kiev, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể an tâm hơn trước những gì mà họ nghĩ là nguy cơ từ Liên bang Nga đối với những quyền lợi chiến thuật và chiến lược của họ ở phần Đông châu Âu.

Tuy nhiên, cũng những gì diễn ra trong hơn một năm qua đã cho thấy, kể từ khi ông Yuschenko lên nắm quyền, ở Ukraina dường như vẫn không mang lại tinh thần hồ hởi cho người dân sở tại trên đường kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn so với quá khứ. Cái gọi là "Cách mạng cam" đơn thuần chỉ là sự thay đổi những gương mặt lãnh đạo, chứ không tạo nên được cho xã hội Ukraina những nguyên tắc đạo đức và tinh thần khác trước. Những tệ nạn trong bộ máy cầm quyền từng tồn tại ngày xưa thì nay không phải là không phát triển trong đội ngũ những chính trị gia do "Cách mạng cam" dựng lên, thậm chí một số mặt còn có vẻ nặng nề hơn. Rốt cuộc là đã chỉ diễn ra sự chia chác theo kiểu mới, cho những ông chủ mới, chứ không phải là sự biến cải nguyên tắc phân chia theo tiêu chuẩn công bằng xã hội.

Chắc hẳn những thường dân ở Ukraina không thể mau quên cảnh các quan chức mới như bà Yulia Timoshenko (nữ Thủ tướng đầu tiên của ông Yuschenko) hay thủ lĩnh tinh thần của "Cách mạng cam" Pyotr Poroschenko ngồi chưa ấm chỗ đã tìm mọi cách thu về mình những bổng lộc kinh tế kếch xù mới cũng như xếp đệ tử vào những chức vụ béo bở. Các vụ tai tiếng liên quan tới con cái của ông Yuschenko cũng không thể là tấm gương sáng để làm vui lòng thường dân Ukraina trong thời "hậu cách mạng cam".

Những "ghen ăn tức ở" đã khiến cho đội ngũ những người từng sát cánh bên nhau để làm nên "Cách mạng cam"  mau chóng rệu rã và phân liệt. Mọi sự đã quá mù ra mưa đến mức hiện nay, bà Timoshenko gần như đang là đối thủ chính yếu của Tổng thống Yuschenko. Những tranh chấp trên chính trường Ukraina trong tương lai vì thế sẽ rất dễ trở nên khốc liệt, đặc biệt là trong điều kiện chỉ có 4 tháng nữa sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội.

Chính trường như thế thì đất nước không thể an cư. Và đã không an cư thì làm sao lạc nghiệp được? Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như hiện trạng của nền kinh tế Ukraina vẫn là trì trệ. Nếu trong năm cuối cùng ở thời "tiền cách mạng cam", khi ông Leonid Kuchma còn ở ghế Tổng thống và ông Victor Yanukovich làm Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng quốc nội ở Ukraina là trên 12%. Chỉ số này trong năm 2005, theo những dự đoán lạc quan nhất, cũng không thể vượt quá 3%. Phá đi những thành quả đã có rất dễ, nhưng tạo dựng các thành tựu mới thì không bao giờ là việc dễ. Ukraina lâm vào cảnh "phú quý giật lùi" là vì thế...

Không ngẫu nhiên mà mặc dù chính quyền Ukraina đã tung ra bộn tiền để tổ chức ngày lễ Tự do ở quảng trường Maidan, Kiev, nhưng số lượng dân chúng đến đây ngày 22/11 đã ít hơn những lời dự đoán lạc quan trước đó rất nhiều. Thực sự là không phải đa số dân chúng Ukraina đều tin rằng nước cộng hòa của họ đang đi đúng đường lối như Tổng thống Yuschenko cố gắng tuyên bố trong lễ kỷ niệm Ngày Tự do...

Hiện trạng Ukraina sẽ là bài học sâu sắc đối với những nước cộng hòa khác trong không gian "hậu Xôviết", nơi đang có một số thế lực chính trị muốn đổi đời với sự hà hơi tiếp sức từ rất xa bên ngoài

Thi Long
.
.