2017 - Năm phán xét trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh

Thứ Năm, 05/01/2017, 16:05
Năm 2016 chứng kiến sự thay đổi lớn ở chính trường các nước phương Tây và sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước Nga. Điều đó dẫn đến cục diện thế giới được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh đang bị đảo lộn.

Nước Nga trỗi dậy

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã cố công xây dựng một trật tự thế giới mới theo chủ nghĩa đơn cực. Thế nhưng, trật tự thế giới của Mỹ (và phương Tây) đang lung lay dữ dội bởi hai yếu tố. Thứ nhất là sự trỗi dậy của Nga và nguyên nhân thứ hai đến từ chính sự thay đổi trong nội tại các nước phương Tây. Nước Nga kết thúc năm 2016 với nhiều “thắng lợi” cả về kinh tế lẫn chính trị.

Giới truyền thông phương Tây dự báo nước Nga dưới thời Tổng thống Putin sẽ bước vào năm mới với một vị thế hoàn toàn khác so với kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Trong suốt 3 năm qua, nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và tư duy thời Chiến tranh Lạnh. Đúng lúc đó, dầu, nguồn thu lớn cho ngân sách của Nga, lại mất giá thê thảm (đang từ 100 USD xuống còn khoảng 50 USD vào thời điểm hiện tại, có lúc xuống tới dưới 30 USD/thùng). Những điều này đã đẩy nền kinh tế Nga vào khủng hoảng: đồng tiền mất giá, đầu tư thụt giảm, thất nghiệp tràn lan...

Phương Tây hy vọng với các biện pháp của mình sẽ khiến người dân Nga rơi vào cảnh khốn cùng rồi từ đó sẽ quay sang đổ lỗi cho lãnh đạo, thậm chí tìm cách lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, có một điều lạ là các nước phương Tây càng cấm vận uy tín của Tổng thống Putin càng tăng. Và sự kỳ vọng của người dân Nga hoàn toàn đặt đúng người.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Bị phương Tây đóng cửa giao thương, không làm ăn với Nga, chính quyền Tổng thống Putin, một mặt cải cách và ổn định tình hình kinh tế trong nước, bắt đầu quay sang các nước khác đang cần Nga. Cụ thể, việc Nga sáp lại nhanh chóng với Trung Quốc về mặt kinh tế trong năm vừa qua. Hiện Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện hơn 60 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn trị giá hàng chục tỷ USD.

Ngoài Trung Quốc, Nga còn tăng cường hợp tác và trao đổi thương mại với các nước châu Á khác, gần đây nhất là với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nga cũng đẩy mạnh giao thương với các nước Mỹ Latinh nằm trong khối BRICS, hay với những nước vốn là đồng minh của phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút...

Thành quả ngoạn mục nhất là vào tháng 11-2016, với sự dàn xếp của Tổng thống Putin, mâu thuẫn giữa Iran và Arập Xê út đã được xếp lại, dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của khối các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Quyết định này ngay lập tức đẩy giá dầu tăng mạnh và có chiều hướng bền vững trong năm tới.

Nhưng thành công quan trọng nhất với nước Nga có lẽ là vị thế trên trường quốc tế. Nếu như từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh vẫn áp đặt luật chơi đơn cực thì việc Nga bảo vệ thành công đồng minh Syria trong mấy năm qua cho thấy trật tự này đã bị đảo lộn. Với những chiến thắng đầu tiên của quân đội Nga trước các lực lượng khủng bố ở Syria, hàng loạt quốc gia Trung Đông khác đã lên tiếng nhờ vả Nga can thiệp đánh đuổi khủng bố. Các nước như Iraq, vốn được Mỹ giúp cả chục năm nay nhưng không hiệu quả, đã công khai mời Nga đưa quân vào...

Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 26-12 dự báo trong năm 2017, EU vẫn phải đối mặt với những vấn đề nội bộ phức tạp. Sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), các cuộc bầu cử ở Pháp, Hà Lan, Đức và có thể cả Italia trong năm tới nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ tại châu Âu và thách thức tương lai hội nhập ở cựu lục địa.

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh EU có những xáo trộn, khối này sẽ không muốn xúc tiến việc kết nạp thêm thành viên mới trong năm tới. Khi triển vọng gia nhập EU và NATO có thể chững lại, các nước như Ukraine, Moldova và Gruzia sẽ đánh giá lại quan hệ với Nga. Trong khi đó, tại Mỹ có thể diễn ra sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Washington đối với Moskva sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định Nga có thể giành được ảnh hưởng tại những nước như Azerbaijan và Uzbekistan, hai quốc gia vốn giữ quan điểm trung lập với Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. Gần đây, Moskva đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự với từng nước. Ngay cả những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây như Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cũng có thể sẽ tăng gấp đôi sự hợp tác với Nga trong năm tới.

Nhiều nước trong số này đã ký các hiệp định với Moskva để thúc đẩy sự hòa nhập trong lĩnh vực an ninh. Do đó, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), những tổ chức chủ chốt mà Nga tham gia, có thể hoạt động tích cực hơn trong năm 2017.

Phương Tây “tự diễn biến”

Trào lưu chính trị theo lối dân túy trong năm qua đã thắng thế mạnh mẽ tại hầu hết các nước phương Tây. Sau Donald Trump, nền chính trị phương Tây lại bị “bồi” tiếp bởi 2 cú đấm, khi các cuộc bầu cử ở Bulgaria và Moldova đều cho kết quả rất tồi tệ với EU.

Tại Bulgaria, ông Rumen Radev - từng là Tư lệnh Không quân - thắng cử dễ dàng. Đáng nói, Radev là người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, chủ trương nối lại quan hệ với Nga (tức đi ngược lại với chính sách chung của EU).

EU - tiếng là một cộng đồng dân chủ - nhưng các quốc gia Đông Âu nghèo khó như Bulgaria bị xem là thành viên hạng bét, không có tiếng nói gì. Khi EU chiến tranh kinh tế với Nga, Bulgaria thiệt hại nặng nề nhưng sự phản đối không đến được các “ông lớn” như Đức, Pháp ngó ngàng. Thậm chí, trót nghe lời Mỹ và EU, Bulgaria đã phá dự án khí đốt “Dòng chảy phương Nam” với Nga. Tưởng đâu được EU bồi thường, không ngờ lại bị đánh quả lơ.

Trong khi đó, tại Moldova, ứng viên thân Nga Igor Dodon cũng dễ dàng đánh bại ứng viên thân EU. Moldova cũng là một trong những nước bé nhỏ nghèo khó nhất khu vực Đông Âu. Họ cũng trải qua thời gian hương Tây đầy trắc trở. Sự lên ngôi của Dodon - một người theo chính sách dân tộc - một phần nào đó cho thấy người dân Moldova thực sự cảm thấy chán nản với sự đổi mới quá nóng vội của đất nước, vốn không đem lại kết quả mà chỉ chuốc lấy sự mất ổn định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại diễn đàn APEC 2016, Lima, Peru.

Các nước Đông Âu đáng ra phải giữ kiểu cân bằng ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây thì mới thiết thực và hiệu quả nhất. Nhưng trong một thời gian dài, “diễn biến hòa bình” của Mỹ khiến giới chính trị ở đó gần như bị tê liệt ý thức cân bằng. Họ mù quáng chạy theo phương Tây bằng tốc độ nhanh nhất có thể, bất chấp tất cả...

Nhưng còn người dân thì sao? Họ dần nhận ra rằng, với chính sách lệ thuộc hoàn toàn vào phương Tây, họ không còn là... chính mình. Ngay cả khi đời sống kinh tế có chút khá lên, thì điều đó cũng không khiến họ khỏi chạnh lòng... Nằm giữa 2 làn đạn, một bên là Nga, một bên là Mỹ và EU, họ cảm thấy ngày càng mệt mỏi. Phương Tây, để phục vụ chiến lược bao vây Nga, đã hối thúc các nước này chống lại nước Nga.

Nhưng, giới chính trị gia thì có sự thực dụng để... chống Nga, chứ còn dân chúng thì vẫn nặng nợ với Nga. Những mối liên hệ trong quá khứ giữa Nga và Đông Âu, nhất là về mặt lịch sử, tôn giáo, chủng tộc,... đâu dễ gì xóa bỏ.

Các chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã khai thác tình cảm đó của dân chúng. Họ cho rằng đâu mắc gì phải đánh đổi quá lớn như vậy, quốc gia của mình cần phải quay trở lại với Nga để không đi theo hướng thiên lệch rất nguy hiểm như vậy... Rõ ràng là đang có xu hướng các quốc gia quay trở lại chính sách cân bằng ảnh hưởng, không mù quáng chạy theo những giá trị hào nhoáng nhưng nguy hiểm...

Ngoài chính trị, ở cấp độ thế giới, dự báo năm 2017 sẽ là năm phán xét với toàn cầu hóa và những hiệp định tự do thương mại lớn do người Mỹ chủ xướng như Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc Hiệp định Thương mại tự do Âu - Mỹ (TTIP). Những “hội” này không đơn thuần chỉ là làm ăn thương mại, bởi về lâu về dài thì nó tạo ra những “khối NATO về kinh tế”, đảm bảo vị thế thống lĩnh của Mỹ trên mọi mặt trận (từ kinh tế, chính trị, quân sự...).

Một sự “sụp đổ” khác đối với giá trị của phương Tây trong năm 2016 là dân chủ và tự do ngôn luận. Ai cũng biết, với Internet và mạng xã hội (MXH), tự do ngôn luận được đẩy lên mức cao nhất trong thập kỉ qua. Hầu như không quốc gia nào trên thế giới kiểm duyệt một cách hiệu quả làn sóng thông tin trên MXH, trừ phi là cấm tiệt như kiểu Triều Tiên hay Arập Xêút...

Rõ ràng, tự do ngôn luận và MXH giúp lan truyền tối đa những giá trị của phương Tây. Nhưng MXH, ngược lại, cũng giúp lan truyền những “phản giá trị” của phương Tây. MXH khiến đế chế truyền thông hùng mạnh của phương Tây đang... thất thủ dần dần. Trên mặt trận tuyên truyền, phương Tây vẫn đang đổ lỗi cho “tin ảo, tin đểu” từ truyền thông đối địch (Nga, Trung...) nhưng thực chất mà nói thì MXH và những “nhà báo công dân” mới chính là “kẻ thù số 1” của cỗ máy tuyên truyền phương Tây.

Với MXH, giờ đây, những thông tin phiến diện, bóp méo sự thật từ BBC hay CNN dễ dàng bị lật mặt. Công chúng không còn quá phụ thuộc vào truyền thông dòng chính. Họ ngày càng nhận ra rằng sự thật được phơi bày mạnh mẽ trên MXH. Để thống trị thế giới nhiều thế kỷ qua, phương Tây luôn đi đầu về công nghệ và văn minh cũng như đổi mới xã hội.

Nhưng đi kèm với nó cũng là những âm mưu, lòng tham cùng sự dối trá. Tự do ngôn luận và MXH khiến những sự dối trá từ hệ thống tuyên truyền của họ bị bóc mẽ. Nói chung, không rõ phương Tây sẽ làm gì để ngăn chặn “tác dụng phụ” của tự do ngôn luận và MXH. Bởi nếu không khéo thì họ lại đi ngược lại chính những “giá trị” mà họ luôn cổ xúy.

Dự báo về kinh tế thế giới trước những nguy cơ chính trị, sau một năm 2016 trái ngược dự đoán của các nhà phân tích với hai sự kiện chấn động: dân Anh bỏ phiếu cho Brexit và Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, báo Le Figaro (ra ngày 31-12) cho rằng nguy cơ chính trị sẽ đè nặng lên thế giới hơn bao giờ hết trong năm 2017. Theo tờ báo này, nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Những quyết định đầu tiên mà tổng thống Trump sẽ đưa ra là gì?

Những quyết định đó sẽ có những tác động như thế nào lên các thị trường tài chính, thương mại quốc tế, lãi suất và giá dầu? Còn tại châu Âu, hai nền kinh tế hàng đầu là Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử quốc hội trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy.

Riêng Trung Quốc, theo Le Figaro, đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, vì trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã kịch liệt đả kích Trung Quốc. Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới càng thêm rõ nét với việc tổng thống tương lai của Mỹ vừa bổ nhiệm Peter Navarro, một nhà kinh tế nổi tiếng chống Trung Quốc, làm cố vấn thương mại của Nhà Trắng.

Theo dự báo của Sébastien Jean, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế thế giới (CEPII), ông Trump sẽ không thể thực hiện tất cả những gì ông nói trong thời gian tranh cử, chẳng hạn ông sẽ không thể đánh thuế 45% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vì đây là biện pháp sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.

Thế nhưng, chính quyền Trump có thể sẽ thi hành những biện pháp bảo hộ mậu dịch khác để bảo vệ ngành công nghiệp gang thép của Mỹ, hiện đang suy giảm do việc Trung Quốc sản xuất quá mức. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ ồ ạt chuyển lượng thép dư thừa sang thị trường châu Âu, nơi mà ngành thép cũng đang khốn đốn.

Theo Le Figaro, Bắc Kinh cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn mà sẽ trả đũa Washington ngay, chẳng hạn như thay thế các đơn đặt hàng máy bay Boeing bằng máy bay Airbus, hạn chế số bán điện thoại iPhone ở Trung Quốc hoặc đánh thuế vào đậu nành nhập từ Mỹ. Những biện pháp này sẽ gây tác hại nặng nề cho các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Mỹ. Thế nhưng, theo nhận định của nhà kinh tế Julien Marcilly, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại mới, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.