Thi học sinh giỏi quốc tế và chuyện "mang chuông đi đấm xứ người"

Thứ Ba, 28/01/2020, 09:40
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn vang danh tại các kỳ thi Olympic quốc tế, một sân chơi trí tuệ lớn nhất hành tinh dành cho học sinh giỏi phổ thông. Ở bài viết này, không nói về thành quả trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, mà tôi muốn nói về những câu chuyện thú vị, những chuyện "hậu trường" sâu sắc đáng nhớ phía sau những tấm huy chương lấp lánh trí tuệ Việt Nam.

Ở đó là những giây phút "xuất thần", "ứng phó nhanh" của thí sinh Việt Nam; là biết bao kỷ niệm đẹp về tình "thầy trò" trong những lần đội tuyển Olympic Việt Nam "đem chuông đi đấm xứ người"…

Hai năm ròng bắt bướm đến bài thi mổ đỉa ngoạn mục

Trong số các Trưởng đoàn Olympic quốc tế của Việt Nam, có lẽ Phó Giáo sư (PGS) Mai Sỹ Tuấn (nguyên Trưởng khoa Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội) là người có "thâm niên dẫn đoàn" cao nhất, với 15 năm liên tục thầy đưa đoàn học sinh Việt Nam đi thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO).

Với kinh nghiệm "chinh chiến" lâu năm như vậy, trong thầy là biết bao kỷ niệm với các em học sinh. PGS Mai Sỹ Tuấn kể, ấn tượng đầu tiên trong các kỳ IBO là làm việc thủ công trong công tác dịch bài. Những năm trước năm 2010, trong các cuộc thi chủ yếu thí sinh làm bài thi trên giấy và giáo viên dịch bài thi từ tiếng Anh ra tiếng Việt, cũng chủ yếu viết chữ bằng bút bi lên giấy, rồi copy ra cho mỗi em một bản và làm bài.

Do làm việc thủ công như vậy nên khó khăn lớn nhất của công việc dịch đề không phải là về chuyên môn, mà là công sức cắt dán các mẫu giấy nhỏ đè lên những chữ viết sai và viết lại chữ mới lên đó.

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn (ngoài cùng bên trái) cùng các em học sinh dự thi Olympic Sinh học Quốc tế 2017 tại Vương quốc Anh.

Có khi cắt dán đè lên nhau đến 3-4 lần cho một thuật ngữ cần dịch. Tuy nhiên, do công nghệ thông tin phát triển, ngày nay giáo viên chủ yếu dịch bài qua mạng internet và học sinh làm bài trên máy tính nên công việc dịch đề cũng dễ dàng hơn nhiều - "Thời đại 4.0 có khác nhiều, thầy trò đỡ vất vả hẳn!" - PGS Mai Sỹ Tuấn hóm hỉnh.

Nhắc đến "bài thi ấn tượng và chuẩn bị công phu nhất của IBO cho đến nay", PGS Mai Sỹ Tuấn cho hay, đó là bài thi thực hành năm 2016 của kỳ thi IBO được tổ chức tại Việt Nam. Vào phòng thi mỗi thí sinh được phát một hộp gỗ đựng các con bướm đã ép khô. Nhiệm vụ của các em là sử dụng khoá phân loại để xác định tên của các con bướm đó.

Để có đủ mẫu bướm cho bài thi, trong 2 năm liên tục, các nhà khoa học Việt Nam đã phải kỳ công bắt đủ số lượng bướm, tất nhiên là chỉ bắt những loài được phép bắt cho mục đích học tập và nghiên cứu. Mỗi loài bướm lại chỉ xuất hiện vào một thời gian trong năm, và lại ở những vùng có khí hậu khác nhau nên thời gian thu lượm mẫu dường như là quanh năm và địa điểm trải khắp cả 3 miền Bắc Trung Nam.

Bộ mẫu bướm được chuẩn bị công phu và rất đẹp, khiến thí sinh nước bạn ngỡ ngàng. Sau cuộc thi bộ mẫu bướm đó được tặng cho các thí sinh mang về nước làm kỷ niệm như là món quà của thiên nhiên Việt Nam. Kết thúc cuộc thi, thi sinh nào cũng có quà là hộp mẫu bướm nhưng giáo viên các đoàn thì không có.

Hiểu được nguyện vọng của các nữ giáo viên của các đoàn nên Ban tổ chức IBO Việt Nam cũng đã thu xếp tặng thêm cho một số giáo viên nữ hộp mẫu bướm làm kỷ niệm. Ai cũng thích thú vì đây là thí nghiệm hay và đẹp nhất từ trước đến nay.

Đối tượng nghiên cứu của Sinh học hết sức đa dạng. Tuy vậy không ai ngờ rằng năm 2017, nước chủ nhà Iran lại cho thí sinh mổ đỉa. Không hiểu nước chủ nhà nuôi đỉa như thế nào mà lại có đủ đỉa cho tất cả các thí sinh làm bài.

Mổ đỉa không khó, vì các em đã làm quen với những con vật như giun đất. Tuy vậy, cái khó là phải xác định đúng được mặt lưng và mặt bụng của đỉa. Nếu không thì sẽ mổ nhầm. Thí sinh nào cũng lúng túng, và mổ nhầm rất nhiều vì đỉa dùng cho cuộc thi là đỉa nuôi nên màu sắc của vùng lưng và vùng bụng rất giống nhau, không như đỉa sống ngoài tự nhiên có vùng lưng sẫm màu hơn vùng bụng.

Đoàn Việt Nam có em Nguyễn Phương Thảo, đáng lẽ phải mổ từ lưng thì em lại mổ nhầm từ bụng. Tuy vậy, do kiến thức rất vững nên khi phát hiện là sai, em lấy các bộ phận của đỉa ra và sắp xếp lại theo đúng thứ tự như khi mổ từ lưng.

Ban giám khảo biết rõ điều đó nhưng họ vẫn chấp nhận và cho em điểm tuyệt đối. Cùng với điểm cao về thí nghiệm Hoá sinh và Sinh học phân tử, năm đó Nguyễn Phương Thảo là "Người chiến thắng cuộc thi" vì là thí sinh đạt điểm cao nhất cuộc thi.

Đắp khăn ẩm tránh  nóng 40ºC ở Paris và món "Phở" nơi đất khách

Mỗi lần dẫn học sinh đi thi, thầy Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội), Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế (IchO) lại có thêm biết bao kỷ niệm thú vị với các em học sinh.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà (đầu tiên bên trái) cùng Đoàn IChO Việt Nam liên hoan "Phở" tại Paris (Pháp) sau kỳ thi IChO 2019.

Từng 7 năm dẫn đoàn đi, nhưng chuyến đi ấn tượng nhất, với PGS Nguyễn Ngọc Hà đó chính là kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2019 được tổ chức tại Paris (Pháp), từ ngày 21 đến 30-7 với sự tham gia của hơn 300 thí sinh đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên trong các kỳ thi IChO, đoàn Việt Nam có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 40/40 phần thi thực hành.

Đó là em Trần Bá Tân - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - đã xuất sắc giành huy chương vàng.

Tại IchO 2019, với thành tích 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, Việt Nam xếp thứ 5, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Nhắc đến thí sinh Trần Bá Tân, PGS Nguyễn Ngọc Hà cho hay: "Khi Tân vừa ra khỏi phòng thi, tôi hỏi luôn, "Con có làm được bài không", thì Tân đáp, "Con làm được ạ". Bình thường Tân vốn rất ít nói, nên khi em quả quyết thế thì tôi tin ngay, và kết quả bài thi của Tân cao thật".

Chuyến đi dự IchO 2019 còn là một chuyến đi đáng nhớ của PGS Nguyễn Ngọc Hà vì thầy và trò gặp "thời tiết bất thường". Thủ đô Paris bỗng nóng đột ngột, hơn 40 độ C, nóng kinh khủng luôn, người như khô héo và không khí rất ngột ngạt.

Nơi làm việc, chỗ ở cho các đoàn được Ban tổ chức sắp xếp tại Kí túc xá sinh viên quốc tế và đương nhiên, chỗ này không có điều hoà (như Việt Nam), thậm chí không có cả quạt. Thầy trưởng đoàn học được cách hạ nhiệt là đắp khăn ẩm khi đi ngủ, nhưng lại ẩm quá nên hôm sau thầy ốm luôn. Cũng may các em học sinh vẫn "bảo toàn" được sức khỏe nên đã thi rất tốt.

Nói thêm về những chuyện "hậu trường" thú vị trong các kỳ thi IchO, Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngân (giảng viên Bộ môn Hóa phân tích, Đại học Sư phạm Hà Nội), quan sát viên của đoàn IchO Việt Nam kể, đoàn Việt Nam thường chuẩn bị quà để tặng giao lưu với học sinh các nước.

Các bạn quốc tế và giáo viên nhiều nước đều thích chuồn chuồn tre thăng bằng của Việt Nam. Do đó, đây là món quà không thể thiếu trong mỗi lần đoàn Olympic Hóa học của Việt Nam "xuất ngoại".

Và sau thời gian tập trung cao độ cho kỳ thi, thầy trò đoàn Hóa thường tự thưởng một bữa mừng chiến thắng trước khi trở về Tổ quốc và món ăn được chọn thường là món "Phở". "Đây thực sự là một kỷ niệm không thể quên của đoàn. Sau nhiều ngày vất vả, được xả hơi, tận hưởng bát phở đầy hương vị quê nhà khiến chúng tôi đều say mê ngất ngây", Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngân chia sẻ.

Các kỳ thi Olympic quốc tế những năm gần đây học sinh Việt Nam thường chiến thắng xuất sắc thì ngoài nỗ lực và trí tuệ phi thường của các em, theo tôi còn do chính những người thầy như thầy Mai Sỹ Tuấn, thầy Nguyễn Ngọc Hà, đã thương yêu học sinh, dành cho các em tình cảm như người cha dành cho con. Điều đó đã truyền cảm hứng cho các em tự tin hơn khi bước vào cuộc tranh đấu đỉnh cao.

Thầy Lê Bá Khánh Trình, người đã 9 lần dẫn học sinh Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế (IMO) từng kể rằng, nhìn học sinh của mình "gầy gò" hơn học sinh nhiều nước mà thương. Có em được các thầy "phát tiền" để tự ăn theo sở thích, tăng sức khỏe nhưng các em cũng không ăn được nhiều.

Ngay chuyến đi thi IMO ở Argentina, bên Việt Nam thì là mùa hè, nhưng bên nước bạn, nhiệt độ xuống 1 độ C, nhìn học sinh của mình co ro trong nhà thi đấu, các thầy đã nhường hết áo ấm cho học trò.

Thầy Lê Bá Khánh Trình nhớ nhất những giây phút "xuất thần" của nhiều em học sinh. Khi bước vào phòng thi, không hiểu sao một số em đã làm bài vô cùng "sáng láng" và giành chiến thắng ngoạn mục.

Thầy rút ra một điều thấm thía là khi thi đấu, ngoài việc rèn luyện cho các em thái độ học tập nghiêm túc, thì người thầy phải tạo cho học trò một tinh thần thoải mái, không ăn thua và phải hết sức công bằng với từng em, để tạo không khí đầm ấm, truyền cảm hứng cho đội thi…

"Giải phẫu cánh gà" nhưng lại thành "cánh chim"

"Năm 2019, IBO được thi tại Hungary và nước chủ nhà chuẩn bị bài thi "giải phẫu chiếc cánh gà" nhưng thực ra bài thi lại hỏi về cánh chim. Lúc đầu khi mới mở đầu bài thi ai cũng phấn khởi vì mổ cánh gà thì rất dễ. Tuy nhiên hầu hết học sinh của ta không làm trọn vẹn bài thi, ai cũng mổ rất tốt nhưng vận dụng kiến thức thì không tốt. Bài thực hành đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tích hợp giữa sinh học với vật lý và kiến thức thực tiễn để giải thích sự phát triển của các bó cơ, sự sắp xếp của các dây thần kinh của cánh chim.

Với học sinh các nước, việc tích hợp kiến thức sinh học với hoá học và vật lý trong môn khoa học là rất thường xuyên. Với học sinh Việt Nam, đây thực sự là một thách thức lớn. Hy vọng, trong chương trình đổi mới giáo dục lần này, môn Khoa học tự nhiên được đưa vào dạy học trong nhà trường sẽ giúp các em tích hợp kiến thức và giải quyết những vấn đề của thực tiễn tốt hơn", PGS Mai Sỹ Tuấn chia sẻ.  

Thu Phương
.
.