Phiên tranh tụng đầu tiên về vụ kiện "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông:

5 luận điểm bác bỏ và đội ngũ biện hộ hùng hậu

Thứ Hai, 20/07/2015, 15:30
Mặc dù diễn ra trong khuôn khổ khép kín tại Cung điện Hòa bình ở The Hague (Hà Lan), song cuộc điều trần của phái đoàn Philippines trước 5 thẩm phán của tòa án trọng tài biển về "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông vẫn tạo một hiệu ứng khá mạnh trong dư luận quốc tế. Điều mà người ta quan tâm nhất hiện nay là chính quyền Manila đã chuẩn bị những gì để có thể thuyết phục được các thẩm phán xem xét vụ kiện và bác bỏ "đường chín đoạn" phi lý trên Biển Đông.

Các tuyên bố, bằng chứng và hành động của Trung Quốc đều mâu thuẫn

Mở đầu phiên điều trần, sau phần giới thiệu đại biểu của cố vấn pháp luật Florin Hilbay, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario được cho là đã "tấn công trực diện" vào Trung Quốc khi đưa ra cảnh báo rằng, Bắc Kinh đang dùng "chiến thuật cắt lát", tạo "sự đã rồi" trên khắp Biển Đông bằng việc bồi đắp bãi đá, xây dựng đảo nhân tạo tại những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phái đoàn Philippines tại phiên điều trần đầu tiên về vụ kiện Biển Đông kéo dài từ ngày 7 đến 13/7.

Khẳng định mục đích chính của phái đoàn quan chức và luật sư Philippines có mặt tại phiên điều trần là vì muốn làm rõ những quyền về biển của Philippines ở Biển Đông, ông Albert del Rosario nhấn mạnh: "Đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với Manila mà đối với tất cả quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông và đối với cả các quốc gia thành viên của Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Theo Ngoại trưởng Philippines, một trong những lý do mà chính quyền Manila quyết định đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài biển là vì Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý thông qua cái gọi là "đường chín đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" ở Biển Đông. Để hợp thức hóa yêu sách này, chính quyền Bắc Kinh không chỉ thể hiện bằng hành động xâm hại chủ quyền biển đảo của các quốc gia láng giềng mà còn trình tấm bản đồ này lên Tổng thư ký LHQ hồi năm 2009.

Ông Albert del Rosario cho biết, "đường chín đoạn" mà Trung Quốc dựng lên chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, bao trọn 4 nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông. Không chỉ các quốc gia láng giềng với Trung Quốc mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đã phản đối "đường chín đoạn" này và bày tỏ quan ngại rằng, những hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực và an ninh hàng hải trên Biển Đông, gây cản trở giao thương…

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh: "Cái gọi là "đường chín đoạn" hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế". Điều này được thể hiện ngay ở việc có nhiều điểm không thống nhất giữa bản đồ "đường chín đoạn" năm 2009 với các bản đồ khác mà Trung Quốc đã xuất bản từ năm 1947 đến nay. Các luật, tuyên bố và hành động chính thức của Trung Quốc đều thể hiện những bằng chứng mâu thuẫn nhau đối với bản chất và phạm vi của các yêu sách mà nước này đưa ra, cho thấy ít nhất 3 cách diễn giải khác nhau mà Bắc Kinh muốn thể hiện, tức là có lúc gọi là "đường chín đoạn", lúc lại là "đường mười đoạn" hoặc "đường mười một đoạn". Sự rối rắm trong cách lý giải này của chính quyền Bắc Kinh còn khiến ngay cả các học giả nổi tiếng của Trung Quốc cũng phải lên tiếng chỉ trích, bác bỏ.

5 luận cứ bác bỏ

Theo tin từ tờ Channel Asia, ngay trước thềm phiên điều trần, các thẩm phán của Tòa án Trọng tài biển cũng đã thừa nhận rằng, 4 tuyên bố cốt lõi của Philippines trong vụ kiện đều có căn cứ thực tế và luật pháp. Thẩm phán người Ghana Thomas A.Mensah, chủ tọa phiên tòa nhận định, Philippines có nhiều phương tiện sẵn có để làm chứng cho điều này như các bản đồ quốc tế, các nghiên cứu lịch sử pháp lý. Họ cũng đã thuê các chuyên gia kỹ thuật để tư vấn và tham khảo nhiều luật của Trung Quốc, nghị định, tuyên bố, lý giải về "đường chín đoạn" để chống lại tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông.

Luật sư Paul Reichler, người có 25 năm kinh nghiệm trong việc đại diện cho các quốc gia tham gia các vụ kiện về tranh chấp chủ quyền.

Bên cạnh đó, Phillipines còn có sự hỗ trợ lớn của nhóm luât sư người Mỹ do luật sư nổi tiếng Paul Reichier dẫn đầu. Hiện tại, nhóm luật sư này đã thu thập được một lượng lớn tài liệu hỗ trợ, bao gồm các bức ảnh chụp qua vệ tinh, sơ đồ hải quân, báo cáo thủy văn và cả nghiên cứu địa lý để trình bày tại phiên điều trần này. Trước đó, nhóm luật sư này cũng đã giúp chính quyền Manila hoàn thành gần 10.000 trang hồ sơ (chia làm 2 lần) để nộp lên Tòa án Trọng tài biển.

Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte, thành viên trong phái đoàn của Philippines cho biết, cách đặt vấn đề của Ngoại trưởng Albert del Rosario đã gây ấn tượng mạnh đối với các thẩm phán nhất là khi ông nói trên giá trị của UNCLOS cũng như việc Trung Quốc là thành viên của công ước này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Philippines còn đưa ra 5 luận cứ khá chặt chẽ.

Thứ nhất là Trung Quốc không có quyền áp dụng cái mà nước này đánh giá là "quyền lịch sử" về lãnh hải, nền đáy biển và lòng đất ngoài các quyền của Trung Quốc theo UNCLOS.

Thứ hai, cái gọi là "đường chín đoạn" không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để áp dụng nhằm xác định giới hạn của yêu sách về "quyền lịch sử" của Trung Quốc.

Thứ ba, các đặc điểm hàng hải Trung Quốc sử dụng làm căn cứ để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông không phải là đảo có thể phát sinh quyền về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa căn cứ theo Khoản 3 Điều 121 của UNCLOS mà đó chỉ là đá, mỏm ngầm thường xuyên bị ngập nước. Việc Trung Quốc cố tình tôn tạo các bãi đá, hoặc đảo đá này chỉ là nhằm mục đích hợp thức hóa yêu sách "đường chín đoạn".

Giáo sư Bernard H.Oxman đến từ Đại học Luật ở Miami (Mỹ).

Ông Albert del Rosario cho biết, hiện nay, Trung Quốc đang tăng tốc việc tôn tạo đảo và xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có cả đường băng. Nhưng kể cả khi việc này có hoàn thành thì theo luật pháp quốc tế, những đảo này cũng không thể tạo ra quyền về vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc. Đó là chưa kể đến việc những đảo nhân tạo này trên thực tế lại thuộc chủ quyền của nước khác và Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm đóng chúng. Thứ 4 là Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi cản trở Philippines thực thi quyền chủ quyền và luật pháp.

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh, hành vi gây hấn này đã diễn ra trong nhiều năm và gây bức xúc, quan ngại trong cộng đồng quốc tế. Quốc gia láng giềng nào có chung đường biên giới biển với Trung Quốc ở Biển Đông đều phải chịu những cảnh như vậy. Thậm chí, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá. Đồng thời, khi các quốc gia trong ASEAN thúc đẩy việc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để làm cơ sở pháp lý giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông thì Trung Quốc luôn tìm cách thoái thác hoặc làm chậm quá trình này.

Cuối cùng, những hành động đơn phương này của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà còn gây thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường biển, hủy hoại cân bằng sinh thái ở Biển Đông. Cụ thể, các công trình xây dựng đã phá hủy nhiều diện tích san hô, gây thiệt hại kinh tế thường niên ước tính 100 triệu USD cho các quốc gia ven biển. Diện tích san hô bị hư hại gấp 3 lần diện tích của Vatican và không thể phục hồi được.

Đội ngũ biện hộ hùng hậu

Có thể nói rằng, Philippines đã có một sự chuẩn bị khá kỹ càng cho việc lập luận để khẳng định Tòa án Trọng tài biển có thẩm quyền đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc và yêu sách "đường chín đoạn" là hoang đường, không thể chấp nhận được. Trả lời phỏng vấn báo giới, Phó phát ngôn viên Tổng thống Abigail Valte cho biết, Manila hy vọng Tòa án Trọng tài biển sẽ ra phán quyết có lợi cho nước này. Luật sư người Mỹ Paul Reichler thuộc Công ty luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại thủ đô Washington D.C của Mỹ cũng bày tỏ sự tin tưởng này.

Ông Paul Reichler cùng với cộng sự tại Công ty Luật Foley Hoag LLP, luật sư Lawrence Martin cùng 3 cố vấn luật là Bernard H.Oxman đến từ Đại học Luật ở Miami (Mỹ), Giáo sư (GS) Philippe Sands QC - giảng viên Luật quốc tế tại Đại học London (Anh) và GS Alan Boyle - chuyên gia về luật pháp quốc tế đều đã có mặt ở The Hague để hỗ trợ cố vấn pháp luật Florin Hilbay, Trưởng đoàn luật sư Philippines trong tranh luận.

Hôm 8/7, luật sư Paul Reichler đã bắt đầu trình bày luận cứ giải thích tại sao Tòa án Trọng tài biển phải thực hiện quyền tài phán trong vụ kiện của Philippines. Hãng tin GMA lấy nguồn tin từ những dòng viết của Phó phát ngôn viên Tổng thống Abigail Valte trên trang mạng xã hội Twitter cho biết, cả 5 thẩm phán của tòa án trọng tài đã rất ấn tượng trước những trình bày chặt chẽ, có lý có tình của luật sư Paul Reichler, người có 25 năm kinh nghiệm trong việc đại diện cho các quốc gia tham gia các vụ kiện về tranh chấp chủ quyền.

Sau khi đăng đàn, bản thân luật sư Paul Reichler cũng thừa nhận có rất nhiều thuận lợi cho Philippines trong lần này và nhiều khả năng phán quyết của các thẩm phán sẽ được công bố trong vòng 90 ngày tới. Luật sư Paul Reichler còn khẳng định, dù vụ kiện của Philippines với Trung Quốc có thể kéo dài từ 3-5 năm thì ông vẫn sẵn sàng theo đuổi.

Tin từ Hãng Philippines Inquirer cho hay, ngoài 5 luật sư và cố vấn người nước ngoài, đoàn đại biểu Philippines tới Hà Lan còn có Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte, Phó chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima, Cố vấn chính trị của Tổng thống Ronald Llamas… cùng  3 luật sư hàng đầu của nước này. Tất cả các thành viên này cùng với 4 nhân vật còn lại trong nhóm luật sư và cố vấn nước ngoài sẽ tiếp tục đăng đàn trong những ngày điều trần sau đó. Riêng 4 thành viên của nhóm luật sư và cố vấn nước ngoài, mỗi người sẽ đưa ra các lập luận cụ thể theo từng lĩnh vực mà họ chuyên sâu.

Chẳng hạn, luật sư Lawrence Martin, do biết tiếng Trung Quốc, có thể tiếp cận và hiểu được nhiều tài liệu của nước này về Biển Đông nên sẽ trình bày những luận điểm phản bác tuyên bố của Trung Quốc từ chính sự mâu thuẫn của nước này trong các bản đồ và văn bản. GS Bernard H.Oxman, tốt nghiệp khoa Luật Đại học Columbia từ năm 1965 và đã từng kinh qua vị trí phụ tá cố vấn pháp lý về đại dương, môi trường và khoa học ở Bộ Ngoại giao Mỹ nói về các vấn đề pháp lý liên quan đến biển và đại dương. GS Philippe Sands QC khắc họa những sai trái của Trung Quốc từ góc nhìn của luật học.

Còn GS Alan Boyle, người chuyên nghiên cứu về luật môi trường quốc tế, luật biển và áp dụng các luật vào việc giải quyết những tranh chấp quốc tế có thể sẽ nói rõ hơn về những tác hại đối với môi trường và hệ sinh thái biển ở Biển Đông nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động đơn phương cải tạo đảo để hiện thực hóa yêu sách vô lý về "đường chín đoạn"…

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.