5 nước lần lượt tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar

Thứ Năm, 08/06/2017, 10:18
Chỉ trong ngày 5-6, lần lượt Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Arập Xêút, Bahrain, Ai Cập và Libya cùng tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Đây được xem là hành động chưa có tiền lệ và thể hiện sự rạn nứt chưa từng có trong nhóm các nước phát triển hàng đầu của Vùng Vịnh, đồng thời là đồng minh của Mỹ.

Suốt một thời gian dài, Qatar đã bị nhiều lời cáo buộc tài trợ cho khủng bố và phá hoại an ninh khu vực, trong đó gồm cả sự ủng hộ của quốc gia này dành cho các nhóm phiến quân chống lại chế độ của Tổng thống Syria đương quyền.

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Arập Xêút dẫn lời một quan chức nước này cho biết, vương quốc đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấp lãnh sự với Qatar “để gìn giữ an ninh quốc gia trước mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.

Cụ thể, Arập Xêút cáo buộc “Qatar hỗ trợ nhiều nhóm khủng bố vốn gây bất ổn cho khu vực, trong đó có tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, phiến quân IS, mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đồng thời truyền bá hệ tư tưởng của các nhóm khủng bố thông qua các phương tiện truyền thông của nước này”, hãng thông tấn SPA đưa tin.

Đi cùng thông báo này, giới cầm quyền Riyadh ra lệnh cắt tất cả liên hệ trên bộ, trên biển và trên không với Qatar, và “kêu gọi các quốc gia láng giềng cùng có hành động tương tự”, đồng thời giải giáp các nhóm binh sĩ Qatar tham gia liên quân do Arập Xêút dẫn đầu trong cuộc chiến ở Yemen.

Được biết, chuyến bay cuối cùng từ Abu Dhabi tới thủ đô Doha của Qatar cất cánh lúc 14 giờ 45 phút (giờ địa phương) vào ngày 6-6, sau đó, mọi phương thức liên lạc sẽ bị cắt đứt.

Ngay sau đó, Ai Cập đã ra tuyên bố cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar với lý giải cho hành động này bằng cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức khủng bố, trong đó có tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 5-6 còn cho biết, Cairo đã thông báo đóng cửa không phận và các hải cảng đối với tất cả hoạt động vận tải của Qatar để bảo vệ an ninh quốc gia của Ai Cập. Tất cả cảng biển và sân bay của Ai Cập sẽ không cho phép tàu, máy bay của Qatar đỗ lại.

Tiểu quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Ảnh:Reuters.

Cùng ngày, hãng thông tấn WAM đưa tin: UAE cũng cắt đứt quan hệ với Qatar, ra thời hạn cho các nhà ngoại giao cùa UAE có 48 giờ để rời “quốc gia ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, theo chân các tổ chức khủng bố, cực đoan và phe phái và làm suy yếu sự ổn định của khu vực”.

Cùng “đồng thanh tương ứng”, Bahrain đồng minh thân cận của vương quốc Arập Xêút cũng lên tiếng cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thường xuyên can thiệp chuyện nội bộ của nước này. Bộ Ngoại giao Bahrain ra thông báo cho công dân Qatar có 14 ngày để rời khỏi nước này và quay về bản xứ.

Mối quan hệ giữa Qatar và các quốc gia Vùng Vịnh từng gặp nhiều căng thẳng xoay quanh sự ủng hộ của Qatar đối với lực lượng phiến quân chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tổ chức huynh đệ Hồi giáo, một trong các phong trào Hồi giáo được xem là lâu đời nhất trên thế giới. Ngoài ra, Arập Xêút cũng chống các nước có mối quan hệ với Iran, đối thủ chính trị truyền kiếp lớn nhất của Riyadh tại Trung Đông.

Năm 2014, sau khi cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm phiến quân,  Arập Xêút, Bahrain và UAE đã đóng cửa đại sứ quán của mình tại Doha trong gần 8 tháng. Trong loạt diễn biến gây bạo loạn, biểu tình chống chính phủ của làn sóng “Mùa xuân Arập” vào năm 2011, Qatar từng thông qua đài truyền hình Al Jazeera chỉ trích chính quyền Arập Xêút và dùng các diễn đàn chính trị để bày tỏ thái độ ủng hộ phong trào này, đưa tới hiệu ứng làm bùng phát cuộc nổi dậy ở một loạt nước Trung Đông trong đó có Ai Cập.

Quan hệ giữa Arập Xêút với Qatar thêm căng thẳng từ tháng 5 vừa qua khi nhà lãnh đạo Qatar, Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran và phê phán một số nước Vùng Vịnh khác. “Chúng tôi rất tiếc về quyết định cắt đứt quan hệ này của các quốc gia Arập" - thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Qatar cho biết - “Những biện pháp này là vô lý, những lời cáo buộc Qatar đều không có bằng chứng chứng minh”.

Tình hình Vùng Vịnh thời gian gần đây trở nên căng thẳng khi Qatar có những động thái được cho là thân với Iran. UAE cùng Arập Xêút bất bình vì những phát ngôn ủng hộ Iran của người đứng đầu Qatar, trong khi Doha luôn lên tiếng bác bỏ. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chỉ trích Qatar và cho rằng quốc gia này có hành động hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm đối lập, cực đoan tại Syria, Libya, Ai Cập, Yemen, Tunisia, và cả vùng Sừng châu Phi, khu vực Trung Á hay chính tại các nước Vùng Vịnh.

Từ trước đến nay Doha luôn phải đối mặt với nhiều cáo buộc “hỗ trợ khủng bố”. Nhiều cá nhân Qatar cũng bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì hoạt động gây quỹ cho khủng bố. Quốc gia này còn bị chỉ trích cung cấp nơi trú ẩn cho Khaled Meshaal - thủ lĩnh lưu vong của phong trào Hồi giáo Hamas. Trong khi đó, nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan cũng mở một chi nhánh tại Doha vào năm 2013. Cựu thủ lĩnh phong trào Hamas (Palestine) Khaled Meshaal, được cho là đang trú ẩn tại Qatar.

Ngoài ra, năm 2013, phong trào Taliban Afghanistan cũng mở chi nhánh tại Doha. Căng thẳng mới khiến cho Mỹ lâm vào tình thế nan giải khi căn cứ chỉ huy Hạm đội 5 nước này đang đồn trú tại Qatar, trong khi UAE lại cung cấp các căn cứ không quân cho Mỹ. Sẽ rất khó tiến hành các chiến dịch không kích chống khủng bố do không quân Arập Xêút, Bahrain và UAE thực hiện khi đại diện quân sự của họ không còn ở Qatar.

H.T. (theo CNN News)
.
.