5 thất bại của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh nội địa

Thứ Năm, 08/12/2005, 13:52

4 năm sau vụ tấn công khủng khiếp ngày 11/9/2001, chính quyền Washington vẫn chưa thể bảo vệ người dân nước mình khỏi nguy cơ bị khủng bố. Đây là báo cáo mới nhất vừa được các cựu thành viên Ủy ban điều tra 11/9 công bố ngày 6/12.

Tiềm tàng nguy cơ khủng bố

Được thành lập để điều tra những thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Ủy ban điều tra 11/9 đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng của các cơ quan tình báo và có những yêu cầu bức thiết đối với Nhà Trắng nhằm đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Sau khi hoàn thành bản báo cáo cuối cùng năm 2004, Ủy ban điều tra 11/9 đã bị giải thể. Tuy nhiên, 10 thành viên trong Ủy ban gồm 5 đảng viên đảng Cộng hòa và 5 thành viên đảng Dân chủ vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu an ninh cho dự án mang tên "Khuyến cáo công cộng 11/9" do một số tổ chức phi chính phủ tài trợ.

3 năm nghiên cứu, điều tra, họ đã chỉ ra được 5 "thất bại lớn" của chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush trong vấn đề đảm bảo an ninh nội địa. Những nhược điểm này là nguyên nhân chính đẩy Mỹ đứng trước nguy cơ bị khủng bố hàng đầu thế giới.

Trước tiên, phải kể đến hệ thống an ninh thông tin không đảm bảo và chưa giúp cho các cơ quan có thẩm quyền ở những địa phương khác nhau có thể liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Việc phân bổ quỹ an ninh liên bang cũng đã được cảnh báo là "cạn kiệt nguồn kinh phí". Và mặc dù tuyên bố đã triển khai mọi hệ thống kiểm tra, nhận dạng hiện đại bậc nhất thế giới, Mỹ vẫn thất bại trong việc kiểm soát những nghi phạm khủng bố trà trộn trong số hành khách đi máy bay hoặc tàu điện ngầm.

Tiếp đó là sự yếu kém của đội ngũ chuyên trách nhận và xử lý thông tin của các cơ quan tình báo. Cuối cùng là việc Washington không thể nào tìm được tiếng nói chung với nhiều quốc gia đồng minh khác trong vấn đề thiết lập tiêu chuẩn quốc tế về việc dẫn độ, bắt giữ hay thẩm vấn những nghi phạm khủng bố.

Ham chiến quên nhiệm vụ bảo vệ an ninh

Việc bất chấp những lời khuyến cáo của các cựu thành viên Ủy ban điều tra 11/9 trong bản báo cáo hồi năm ngoái về vấn đề bảo vệ an ninh nội địa, ngăn chặn sự tấn công khủng bố, vẫn tiếp tục thực hiện những biện pháp quân sự mạnh đối với một loạt quốc gia Hồi giáo của Chính phủ Mỹ đã khiến cả thế giới Hồi giáo nổi giận và đẩy nước Mỹ tới ngưỡng cửa nạn nhân của những cuộc thánh chiến.

Thomas Kean, người đứng đầu Ủy ban điều tra 11/9 cho biết, 3 cuộc chiến song song mà Nhà Trắng mở cùng lúc gồm cuộc chiến ở Afghanistan, chiến tranh tại Iraq và cuộc chiến chống khủng bố trên thực tế không những không làm giảm nguy cơ bị tấn công khủng bố mà còn khiến Mỹ trở thành kẻ thù số 1 và là mục tiêu hàng đầu của những nhóm Hồi giáo cực đoan. Hơn thế nữa, nếu 4 năm trước đây, người dân trên khắp thế giới hướng về Mỹ với tấm lòng sẻ chia, sự thông cảm thì nay tất cả những tình cảm ngọt ngào đó đã nhường chỗ cho sự tức giận, nỗi thất vọng về "lòng tham quyền lực vô đáy" của Washington.

So với số tiền gần 5 tỷ USD hàng năm dành cho các chi phí quân sự của Mỹ tại Iraq thì con số vài trăm ngàn USD cho các hoạt động an ninh trong nước thật quá nhỏ nhoi. Dự án cho việc triển khai hệ thống giám sát an ninh tại các khu thương mại, nhà ga, tàu điện... được đánh giá là điều tối cần thiết, giúp người Mỹ cảm thấy an tâm hơn khi sống trên mảnh đất quê hương mình, nhưng đáng tiếc nó lại luôn luôn bị chìm trong quên lãng. Công dân Mỹ cứ cố gắng nộp thuế đầy đủ với mong muốn góp công sức nhỏ bé cho công quỹ nhà nước để cải thiện tình hình an ninh, còn nhà cầm quyền thì vẫn làm ngơ trước mối lo của dân chúng và tiếp tục theo đuổi ảo vọng quyền lực tối cao

H.C
.
.