60 năm sau kết thúc chiến tranh thế giới II: Vẫn cần cảnh giác

Thứ Năm, 05/05/2005, 07:15

Nhân loại đang bước vào những ngày kỷ niệm 60 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (5/1945 - 5/2005). Chính tấn thảm kịch xảy ra hơn sáu thập niên trước ở đa phần thế giới đã làm nảy sinh trong ngành Tư pháp thuật ngữ mới: nạn diệt chủng (Genocide). Thật đáng buồn, cho tới hôm nay, Genocide vẫn là tội ác chưa bị diệt trừ tận gốc.

Tại tòa án Nuremberg xử những tên trùm phát xít, tội diệt chủng đã là một trong những điều khoản chính yếu trong bản cáo trạng đối với các tội phạm chiến tranh Quốc xã... Sau khi nhận thức được quy mô tàn bạo của những cuộc thanh trừng sắc tộc mà nước Đức phát xít đã gây nên trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhân loại tiến bộ đã đưa ra câu khẩu hiệu: "Không bao giờ tái diễn!" đối với nạn diệt chủng. Ngày 9/12/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước về ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng. Theo đó, nạn diệt chủng dù được tiến hành trong thời bình hay thời chiến cũng đều là tội ác chống nhân loại và cần bị trừng phạt nghiêm khắc...

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, không  phải nhờ thế mà các hành động dã man, phi nhân tính như vậy đã bị diệt trừ tận gốc. Đã có quá nhiều những thí dụ về các hành vi diệt chủng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay trong những năm 90 của thế kỷ trước thôi, trên bán đảo Balkan đã xảy ra nạn diệt chủng đối với người Croatia và người Hồi giáo và đối với người Tutsi ở Rwanda (tại quốc gia châu Phi này, chính quyền do người Hutu nắm đã tổ chức những chiến dịch truy đuổi các bộ tộc Tutsi, làm chết 940 nghìn người Tutsi và cả những người Hutu "không cực đoan")...

Những vụ thảm sát có tổ chức nhằm vào các tộc người thiểu số vẫn không phải là chuyện hiếm xảy ra ở những vùng có chiến sự hay tranh chấp lãnh thổ... Tại Sri Lanka chẳng hạn, hàng chục năm nay tộc người Tamil đã bị truy sát bởi một bộ phận chính quyền Trung ương. Đáp trả, những nhóm vũ trang người Tamil mà khét tiếng nhất là tổ chức "Những con hổ giải phóng Tamil" cũng thường xuyên tiến hành các phi vụ thanh trừng sắc tộc đối với tộc người Singal đang nắm chính quyền. Rốt cục là đảo quốc này gần như luôn luôn bị chìm trong các vụ khủng bố và đã có tới 60 nghìn người Tamil (trong đó chủ yếu là thường dân vô tội) bị chết; 250 nghìn người Tamil khác phải sống trong các trại tị nạn...

Hiện nay, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc và một số quốc gia cũng đang buộc cho chính quyền Sudan tội diệt chủng các bộ tộc địa phương ở Darfur (miền Tây Nam Sudan). Chiến sự ở đây đã bắt đầu từ năm 1983 giữa những tổ chức thân chính phủ và quân đội chính quy Sudan với các nhóm vũ trang của các bộ tộc sở tại. Năm 2002, Chính phủ Sudan bị buộc tội đã sát hại hơn 2 triệu người. Có số liệu thống kê cho rằng chỉ trong vài ba năm gần đây, tại Darfur đã có tới 600 nghìn người bị giết hại...

Tư tưởng phát xít vẫn chưa bị diệt trừ tận gốc ở nhiều nơi trên thế giới. Ở một số nước vùng ven Baltic, đồng minh cũ của nước Đức phát xít, đang xuất hiện những nỗ lực "thanh minh" cho các nhóm SS.  Tại Tallin (Estonia) chẳng hạn, những cựu binh theo đuổi quân đội phát xít Hitler trước kia còn định dựng tượng tưởng niệm lực lượng SS (?!)

Ngay tại Mỹ, như website Washington Profile cho biết, hiện đang tồn tại và gia tăng một số lượng khá lớn những nhóm phát xít mới theo các trào lưu cực hữu. Nếu năm 1994 ở Mỹ có khoảng 450 nhóm cực hữu thì năm 2004, con số này đã lên tới 750! Bọn chúng không chỉ truyền bá những triết lý bạo lực, chia rẽ tôn giáo và sắc tộc mà trong thực tế còn biến những  điều đó thành các vụ khủng bố.

Tình hình tương tự cũng đang hiện hữu ở nhiều nước phương Tây khác. Thậm chí tại Nga hiện nay cũng đang tồn tại những nhóm phát xít mới, thủ phạm chính trong những vụ trấn áp hoặc sát hại người nước ngoài...

"Nhân loại, hãy cảnh giác!" - lời kêu gọi này trong cuốn sách Viết dưới giá treo cổ của nhà văn cộng sản Czech Julius Fucik (1903-1943) vì thế vẫn còn nguyên tính thời sự cho tới ngày hôm nay

Phan Trọng Lạc
.
.