70 năm NATO đi về đâu?
Cuộc so găng của những người trong cuộc
Các nhà lãnh đạo 29 nước thành viên đã tề tựu về thành phố Walford, gần thủ đô London (Anh), để kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong bầu không khí còn hàng loạt mâu thuẫn nội bộ căng thẳng, NATO cuối cùng đã đưa ra một tuyên bố chung dung hòa mối quan tâm của các nước thành viên, song có vẻ đây chỉ là sự đoàn kết bề ngoài. Có thể nói chưa bao giờ bất đồng giữa các nước phương Tây lại thể hiện rõ rệt đến vậy trước và trong kỳ sinh nhật quan trọng của NATO.
Được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng, cuộc gặp thượng đỉnh NATO trên thực tế bình yên hơn dự báo. Ngoài một số sự cố nhỏ như việc Tổng thống Mỹ hủy cuộc họp báo cuối cùng và về nước sớm để phản đối một video trong đó ông cho rằng “bị Thủ tướng Canada Justin Trudeau cười nhạo” thì không có hình ảnh căng thẳng như tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels (Bỉ) tháng 7-2018. Thế nhưng, ngoài hình ảnh đó, điểm mấu chốt của hội nghị là triển vọng của NATO trong thời gian tới sẽ như thế nào vẫn là một ẩn số khó tìm lời giải khi NATO đang bế tắc chiến lược.
Đêm trước lễ kỷ niệm, cuộc gặp song phương bên lề giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã diễn ra căng thẳng, báo hiệu một cơn dông tố sắp về. Tổng thống Donald Trump chỉ trích phát biểu của người đồng cấp Emmanuel Macron rằng NATO đang “chết não” là “sỉ nhục” và “gây khó chịu cho 28 nước thành viên khác”.
Đại diện 29 quốc gia tại cuộc gặp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Ảnh: usembassy.gov. |
Đáp lại, Tổng thống Pháp thừa nhận những lời nói của ông có thể gây phản ứng nhưng ông “vẫn giữ nguyên”. Theo ông Macron, khi nói đến NATO, không nên đề cập đến tiền, qua đó gián tiếp bác bỏ yêu cầu mà Tổng thống Mỹ luôn luôn nhấn mạnh là đòi các nước khác tăng ngân sách quốc phòng.
Mâu thuẫn Pháp - Mỹ không phải là vấn đề duy nhất. Sau chiến dịch can thiệp vào miền Bắc Syria tháng 10 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại thành mối quan tâm lớn của các thành viên. Ankara bị nhiều đồng minh châu Âu chỉ trích mạnh mẽ vì đã tấn công lực lượng dân quân người Kurd, một đối tác quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Pháp thậm chí còn thẳng thừng phê phán Thổ Nhĩ Kỳ về hành động nói trên. Ngược lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không kém cạnh khi trực tiếp phê phán với lời lẽ khá nặng nề ông chủ Điện Elysée.
Một cuộc gặp quan trọng khác giữa lãnh đạo 3 cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một giờ đã diễn ra ảm đạm khi các nhà lãnh đạo đến dự riêng lẻ và không đưa ra bất cứ một tuyên bố nào đáng chú ý, dù ông Tayyip Erdogan sau đó nhận xét nó diễn ra “tốt đẹp”.
Những mâu thuẫn nội bộ không thể hóa giải cùng sự “cố chấp” của các nguyên thủ có tính chất song phương, một vấn đề lớn nổi lên trong NATO là thiếu gắn kết. Nhiều nước thành viên, đi đầu là Pháp, bằng nhiều cách khác nhau, đã phê phán việc Mỹ giảm mức độ cam kết với NATO và ít tham vấn các đồng minh đã và đang làm xói mòn các nền tảng của liên minh.
Có rất nhiều ví dụ gần đây cho thấy Washington không quan tâm tới phản ứng của các nước khác, chẳng hạn như việc Mỹ “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền Bắc Syria vừa qua, mà Tổng thống Pháp phê phán “không thèm phối hợp khi đưa ra các quyết định mang tính chiến lược với các đồng minh NATO”.
Sóng ngầm bất mãn
Thực tế, dù có mặt ở Anh, đa số lãnh đạo các nước lớn có những mối bận tâm khác. Trong khi Tổng thống Mỹ đang phải đối phó với cuộc điều tra luận tội sắp bước vào giai đoạn then chốt tại hạ viện thì thủ tướng nước chủ nhà Boris Johson đang phải tập trung chú ý cao độ cho cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra trong vài ngày tới.
Cho dù các nhà lãnh đạo khác của NATO đã cố gắng dàn xếp để đưa ra bản tuyên bố chung nhưng những tranh cãi nội bộ khiến khối này không đạt được nhiều vấn đề quan trọng. Nhiều nhà lãnh đạo thừa nhận những bế tắc hiện nay cũng như chưa thể đồng thuận trong việc việc lần đầu tiên NATO chính thức coi không gian vũ trụ là phạm vi tác chiến, bên cạnh các khái niệm chiến trường truyền thống trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng.
Trong khi đó, quan điểm về quan hệ với Nga hay Trung Quốc cũng gây ra những tranh cãi. Đề cập tới nước Nga, quốc gia bị Mỹ coi là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, một mặt NATO kêu gọi xây dựng “mối quan hệ xây dựng nếu hành động của Nga cho phép” nhưng mặt khác nhấn mạnh tới nguy cơ Nga triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung, vốn bị phương Tây coi là nguyên nhân khiến Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ.
Đại diện các nước chụp ảnh lưu niệm với Nữ hoàng Anh. Ảnh: NATO. |
Điểm mới đáng chú ý của tuyên bố chung NATO 2019, được nhiều chuyên gia phân tích coi là có khả năng mở ra hướng đi mới cho liên minh, nằm ở một vài câu cuối, trong đó NATO “nhận thức rằng ảnh hưởng ngày càng lớn và chính sách quốc tế của Trung Quốc đang tạo ra cả cơ hội và thách thức mà chúng ta cần phải cùng nhau đáp trả, với tư cách là một liên minh”. Nhiều chuyên gia nhận định, tuy ngôn ngữ trong bản tuyên bố tương đối nhẹ nhưng đây là một trong những nội dung hiếm hoi mà NATO dễ dàng đạt được nhất trí chung.
Như vậy có thể thấy, NATO vẫn trong thế muốn đối đầu với Nga cho dù nhiều nước muốn hợp tác với Nga. Trong suốt chiều dài Chiến tranh Lạnh, Liên bang Xôviết vừa là mục tiêu tác chiến, vừa là lý do tồn tại của NATO. Cho tới gần đây, nước Nga vẫn được coi là đối thủ quan trọng nhất của khối. Nhưng bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi.
Sự mở rộng liên tục của NATO trong những năm 2000 nâng tổng số thành viên lên 29 nước, xu hướng Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á đối phó với Trung Quốc, sự xuất hiện của mối đe dọa khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi, đã khiến liên minh ngày càng khó xây dựng sự đồng thuận và xác lập ưu tiên chiến lược chung.
Đồng sàng dị mộng
Theo lập luận của phương Tây, chắc chắn NATO chưa “lỗi thời” và sẽ tiếp tục tồn tại trong hàng thập niên vì nó phục vụ cho lợi ích của tất cả các nước thành viên. Nhưng làm thế nào để dung hòa mối quan tâm của những nước vẫn e ngại Nga, nhất là nhóm nước Baltic hay Đông Âu, với một Thổ Nhĩ Kỳ vừa mua các hệ thống phòng không S-400 từ Moscow, một nước Đức mở rộng cửa chào đón hệ thống đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc” của Nga bất chấp sự phản đối gay gắt của nhiều đồng minh. Tổng thống Pháp Macron thừa nhận NATO “chưa làm sáng tỏ” được các vấn đề còn tranh cãi và “những điểm chưa rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết”.
Việc có quá nhiều bất đồng giữa các đồng minh tại Hội nghị thượng đỉnh London vào ngày 3-4 vừa qua có thể đánh dấu sự chia rẽ, theo nhận định của ông Bruno Tertrais, Phó Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, trong một bài viết đăng trên báo Le Monde. Chẩn đoán NATO đang trong tình trạng “chết não” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào giữa tháng 11 được nhiều nhà phân tích coi là “thổi phồng” sự thật. Trên thực tế, tổ chức này đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kể từ năm 1949.
Những vấn đề mà NATO phải đối mặt hiện nay gồm 3 yếu tố căng thẳng: những nghi ngờ của châu Âu về sức mạnh hiện diện quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á; những đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh tình hình an ninh đáng quan ngại tại vùng phía Nam, vốn đã căng thẳng kể từ cuối những năm 1980; sự suy tính thiệt hơn của Mỹ khi muốn xem xét lại các cam kết trong liên minh.
Theo ông Bruno Tertrais, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh yêu cầu “chia sẻ gánh nặng” giữa các nước thành viên NATO một cách hợp lý hơn, cũng như bày tỏ nỗi e ngại châu Âu đóng cửa đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hoặc đòi hỏi những khoản tiền lớn để duy trì lực lượng bảo vệ của Mỹ ở nước ngoài. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong liên minh, nơi chưa bao giờ là hiện thân của sự thống nhất các quan điểm về thế giới. Bên ngoài khu vực NATO, sự đoàn kết giữa các thành viên dường như không tồn tại.
Tổng thống Pháp và Tổng thống Mỹ tiếp tục có cuộc “đấu khẩu” liên quan tới NATO.Ảnh: tellerreport.com. |
Đặc biệt, Trung Đông luôn là tâm điểm của những căng thẳng lớn, như khủng hoảng Suez (1956), chiến tranh Arab-Israel (1973), cuộc đột kích vào Libya (1986), chiến tranh Iraq (2003)... Vấn đề Syria ngày nay luôn gây ra những bất đồng chiến lược trong liên minh.
Thời gian qua, hoạt động của NATO đã quay trở lại nội dung cốt lõi là phòng thủ tập thể, chuẩn bị các công cụ phản ứng nhanh và thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn, trong đó có cuộc tập trận “Defender 2020”, nhằm thể hiện sự tái xuất của quân đội Mỹ tại châu Âu, lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bên cạnh đó, NATO đã thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: Trấn an các thành viên đang lo lắng, ngăn cản Nga tấn công các nước láng giềng, sẵn sàng phản ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, liệu những hoạt động trên có thể bảo vệ liên minh khỏi các cuộc khủng hoảng chính trị? Mỹ đang khiến châu Âu lo lắng, khi tăng cường sự quan tâm đến châu Á. Mỹ thay đổi chính sách ở Trung Đông khi quyết định rút quân khỏi Syria và ở Vùng Vịnh khi không phản ứng trước các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Mỹ đòi hỏi các thành viên khác tăng đóng góp vào ngân sách của liên minh để đổi lại việc Mỹ duy trì lực lượng bảo vệ. Vậy mà NATO không thể hoạt động nếu không có sự đầu tư của Mỹ.
Thêm vào đó là thách thức do định hướng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Đằng sau vấn đề Syria, những căng thẳng xuất hiện sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga và Ankara bị Mỹ loại ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35, đã “ăn mòn” NATO.
Có thể thấy, dưới thời Tổng thống Trump, đầu tư quân sự của Mỹ vào châu lục này không hề giảm đi. NATO không bị Quốc hội hoặc dư luận Mỹ đặt câu hỏi. Quan hệ thương mại và tài chính xuyên Đại Tây Dương vẫn mạnh hơn so với quan hệ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có lẽ vẫn khó tránh việc không nghĩ tới một kịch bản sụp đổ của NATO vì một động thái bất ngờ nào đó của ông Trump hoặc nhiều lần cắt giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này.
Dường như đã đoán trước điều này, châu Âu thời gian qua đã có những động thái mang tính độc lập với Mỹ. Sự phát triển năng lực quốc phòng châu Âu là một chiến lược cùng có lợi, nhằm củng cố liên minh và đảm bảo lợi ích của châu Âu trong trường hợp buộc phải “chia tay”. Châu Âu có mọi lý do để đứng vững trước ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Một liên minh phải dựa trên lợi ích chung chứ không chỉ là những quyết định chỉ để làm hài lòng người Mỹ. Bởi châu Âu cũng hiểu rõ lý do Mỹ hiện diện ở châu Âu cũng là vì lợi ích của chính nước Mỹ.
Tất nhiên, châu Âu không có lợi ích gì nếu NATO đột ngột sụp đổ. Các liên minh luôn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Không ai mong muốn NATO bị chia rẽ và sụp đổ. Liên minh hoàn toàn có thể ăn mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 2049. Tuy vậy, nếu Hội nghị thượng đỉnh London là nơi thể hiện sự bất đồng chưa từng thấy giữa các đồng minh thì đây có thể được coi như là một thời điểm lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của NATO.
Cho dù có thế nào thì ý nghĩ gạt Mỹ sang một bên đã cho thấy một khía cạnh khác của sự rạn nứt của phương Tây. Thêm vào đó, với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cho thấy thật khó để có thể có một kết quả thuận lợi. EU đã quá hiểu thế yếu của mình khi đưa ra các quyết sách thể hiện tinh thần đoàn kết trong hợp tác quốc phòng và an ninh khi đưa ra mô hình EU-27 và phần còn lại của NATO. Bởi các nhà hoạch định từ lâu đã xây dựng chính sách hợp tác NATO - EU.
Hai tổ chức đang chứng minh những mức độ hợp tác tương hỗ thậm chí cao hơn trong các lĩnh vực liên quan tới an ninh - quốc phòng cũng như chống lại các thách thức an ninh phi truyền thống. Và một trong những lĩnh vực hành động then chốt của NATO mà ông Trump dường như toàn tâm toàn ý ủng hộ là chiến dịch chống khủng bố. Bởi vậy, ông rất hài lòng với những tuyên bố để NATO đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông.
Mục tiêu tăng cường sự đoàn kết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO đã không đạt được sau những bất đồng ngoại giao. Lo ngại ngày càng tăng về việc liệu liên minh này có còn phù hợp đang tăng dần khi NATO bước vào thập kỷ thứ 8.