ACT - Biệt đội của FBI truy tìm những tên trộm tác phẩm nghệ thuật

Thứ Tư, 19/07/2006, 08:56
ACT (Art Crime Team) - Biệt đội truy tìm những tên trộm các tác phẩm nghệ thuật, đơn vị hoạt động bí mật nhất của Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tính đến nay vừa tròn một năm tuổi. Chỉ cái tên của biệt đội này cũng đủ nói lên hoạt động chính của nó: tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp và truy tìm những kẻ buôn lậu đồ nghệ thuật.

Đầu tháng 2/2006, Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật ở Vienne, Áo, đã nhận lại một lọ đựng muối bằng vàng của Vua François đệ nhất bị mất cách đây 3 năm, đây là thứ mà người ta tin không bao giờ bị đánh cắp. Việc thu hồi được tác phẩm nghệ thuật này là nhờ công của ACT, một tổ chức mà sắp tới đây các phương tiện truyền thông  sẽ nói nhiều về nó. Được thành lập cách đây 1 năm, ACT - chi nhánh hoạt động tuyệt mật của FBI, gồm 8 thành viên có nhiệm vụ truy tìm những tên trộm và các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp.

Một tên trộm đã leo theo đường ống sưởi ấm của Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật rồi phá cửa sổ tầng một, sau đó dễ dàng lấy đi món đồ vật trị giá 50 triệu euro, một kiệt tác của Benvenuto Cellini (1500-1571), học trò của danh họa nổi tiếng Michelangelo. Trên đây là những tình tiết vắn tắt về vụ trộm lọ đựng muối bằng vàng diễn ra vào tháng 5/2003 tại Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật Vienne, Áo. Sau đó, có vẻ như tác giả của vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử nước Áo đã không trù liệu trước được hành động của mình.

Là chuyên gia về hệ thống báo động, trong một lần tham quan bảo tàng, kẻ gian nhận thấy rằng công việc bảo vệ tác phẩm nghệ thuật ở đây còn nhiều sơ hở. Vài tuần sau đó, một lần trở về nhà, y đã nhìn thấy một đường ống trong hệ thống sưởi ấm của bảo tàng được lắp đặt dọc theo tường bên ngoài bảo tàng, và từ đây y nảy ý định trộm chiếc lọ đựng muối trên. Mặc dù hệ thống báo động có kích hoạt, nhưng đội bảo vệ cho rằng đó chỉ là báo động giả và phải mất nhiều giờ sau nhân viên bảo vệ mới phát hiện chiếc lọ đựng muối của Vua François đệ nhất đã không cánh mà bay.

Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là chỉ đến ngày hôm sau khi nghe tin về vụ trộm, tên trộm mới biết được giá trị của món đồ y vừa lấy được. Ngay lập tức, y tính tới chuyện yêu cầu phía bảo tàng chi tiền chuộc. Nhưng thỏa thuận giữa y và bảo tàng đã không thể đạt được và mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt từ đó. Vào tháng 10/2005, hy vọng trở lại sau khi Cảnh sát Áo nhận được đề nghị chi 10 triệu euro để nhận lại món đồ bị mất. Để chứng minh là mình đang giữ lọ đựng muối, trong lá thư gửi cảnh sát, tên trộm còn gửi kèm cả phần đế 3 chân của lọ muối. Một cuộc liên lạc sau đó đã được thực hiện, nhưng kỳ lạ là tên trộm một lần nữa bặt vô âm tín.

Lần theo số điện thoại di động của y, Cảnh sát Áo xác định được cả nơi y mua điện thoại và sim card, tại đây máy quay camera theo dõi đã ghi lại hình ảnh của y. Tuy nhiên, Cảnh sát Áo lại không bắt y. Ngay ngày hôm sau, bức ảnh của tên trộm đã có mặt trên tất cả các mặt báo cũng như trên các phương tiện truyền thông khác. Ở một đất nước nhỏ như Áo, phương pháp này là vô cùng độc đáo. Kẻ trộm bị cô lập hoàn toàn và đồ vật bị mất đã được tìm thấy trong khu rừng gần thủ đô Vienne tại một nơi được tên trộm chỉ rõ.

Vụ trộm này là một trong những vụ trộm lớn nhất trong lịch sử và lớn thứ 5 trong số những vụ trộm tác phẩm nghệ thuật được ACT phụ trách. Được thành lập đầu năm 2005, ACT đặc biệt phụ trách trông coi các tác phẩm văn hóa của Mỹ. ACT làm việc phối hợp với 2 chưởng lý và các nhà phân tích của FBI cùng nhiều nhân viên của cơ quan này tại 50 bang nước Mỹ và 50 tùy viên văn hóa của Mỹ ở khắp các quốc gia trên thế giới. Tất cả nhân viên làm việc trong ACT đều có kiến thức rất sâu trong lĩnh vực nghệ thuật.

ACT còn có một ngân hàng dữ liệu chi tiết về giới buôn bán đồ cổ, các chuyên gia về đồ cổ, nhà sưu tập, giám đốc các viện bảo tàng và nhân viên bán đấu giá trên khắp hành tinh. Các chuyên gia của ACT theo sát  tình hình thị trường buôn bán các tác phẩm nghệ thuật (trong đó những thành phố trọng điểm của hoạt động này tại Mỹ là New York, Los Angeles, Philadelphia, San Francisco, Indianapolis, Saint Louis, Salt Lake City) và luật pháp liên quan tới tác phẩm nghệ thuật. Khi ACT thụ lý một vụ việc, cho dù vụ việc đó ở đâu trên thế giới, nhân viên phụ trách đều gõ cửa chính xác ai và cơ quan nào trong vô vàn cơ quan phụ trách văn hóa để điều tra vụ án. Khi hành động, họ cũng hành động như những nhân viên FBI khác là nhanh, mạnh, dứt khoát cho dù sứ mệnh của họ có diễn ra tại đâu đi chăng nữa.

Cũng chính nhờ ACT mà một lính thủy đánh bộ của Mỹ, người nói là đã mua được 8 con dấu có niên đại 5.000 năm của Bảo tàng Quốc gia Iraq đã đem chúng về Mỹ và nhờ một nhà khảo cổ kiểm tra. Kết quả cho thấy những con dấu trên là đồ thật và có niên đại từ 3.500 đến 2.500 năm trước Công nguyên; và trị giá ước tính mỗi con dấu  từ 2.000 đến 5.000 USD. Nhà khảo cổ sau đó đã khuyên người lính Mỹ đem chúng giao cho chính quyền. Nhờ quan hệ chặt chẽ với giới khảo cổ học, ACT đã giúp người lính kia có được chọn lựa tốt nhất. Nhờ vậy, những con dấu cổ của Iraq đã được hoàn trả cho Viện Bảo tàng Quốc gia Iraq.

Vụ việc lớn khác được ACT phụ trách là tìm lại được bản viết tay Hiến pháp George Washington được viết vào năm 1789. Bản Hiến pháp này chỉ được sao chép thành 14 bản và chia cho mỗi bang cất giữ (thời kỳ đó Mỹ chỉ có 14 bang), cộng thêm một bản giao cho chính phủ liên bang. ACT đã tìm ra dấu vết của người rao bán bản sao chép Hiến pháp của bang Bắc Carolina, bản này bị mất vào năm 1865. Một nhân viên của FBI đã đóng giả một nhà tỉ phú làm từ thiện mong muốn mua bản Hiến pháp trên cho một tổ chức. Kết quả, kẻ rao bán đã bị sập bẫy, bản Hiến pháp của bang Bắc Carolina được thu hồi.

ACT đã lập một bảng danh sách chi tiết với hình ảnh và mô tả tỉ mỉ các tác phẩm nghệ thuật, lịch sử bị mất: "Người đàn bà và nhà quí tộc"; "Chân dung tự họa và Chúa Jesus trong cơn bão ở hồ Génésareth" của Rembrandt; "Concert" của Vermeer; "Tiếng thét" của Edvard Munch; "Lễ Giáng sinh với Thánh François và Thánh Laurent" của Caravage. Ngoài ra, trong số đó còn có cả chiếc đàn violon của Davidov-Morini (trị giá 3 triệu USD bị mất cắp năm 1995 tại New York).

Từ danh sách đó, ACT lập ra 10 vụ án lớn để tiến hành điều tra. Đứng vị trí thứ 10 là bức họa "Madone bên thoi dệt" của Léonard de Vinci. Điều đặc biệt là một số tác phẩm nghệ thuật cũng được rao bán trên mạng eBay. Với những cố gắng của cảnh sát và của nhiều cơ quan mật vụ khác, chỉ duy nhất 1 trong tổng số 10 bức họa được tìm thấy.

Tuy nhiên, sau khi thành lập ACT đã có công trong việc tìm lại 3 bức tranh quí bị đánh cắp tại Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. Hai trong số đó của danh họa Renoir và bức còn lại là bức chân dung tự họa của Rembrandt, ước tính trị giá 30 triệu USD bị 3 kẻ có trang bị vũ khí đánh cướp năm 2000. Một tuần sau, Cảnh sát Stockholm nhận được yêu cầu với số tiền chuộc lên đến nhiều triệu couron. Chính quyền sau đó đã từ chối và cho mở cuộc điều tra.

Bức "Chàng thanh niên Paris" của Renoir được tìm thấy đầu tiên vào tháng 7/2001 ở Los Angeles. Bức thứ hai của Renoir là "Cuộc hội thoại của người làm vườn" được tìm thấy đầu năm 2005, riêng bức chân dung tự họa của Rembrandt thì có phần khó khăn hơn. Những tên trộm lúc đầu rao bán tại Thụy Điển, sau đó bán tiếp qua Mỹ. Một nhân viên của ACT đã vào cuộc với vai người môi giới. Ngày 15/9/2005, nhân viên FBI kia đã tiếp xúc với bọn bán tranh trộm và thông báo ý định mua bức tranh này. Kết quả họ đã thu lại được bức tranh, còn bọn trộm đương nhiên phải vào tù bóc lịch.

Thực sự công việc tìm kiếm những bức họa trên là vô cùng khó khăn và diễn ra liên tục trong vòng suốt 5 năm trời. Cuộc điều tra của ACT đã nhận được sự phối hợp của Cảnh sát Stockholm, Cảnh sát CopenhagenLos Angeles, cùng nhiều nhân viên tình báo khác của Mỹ

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.