ASEAN nỗ lực giải quyết khủng hoảng Myanmar

Thứ Tư, 03/03/2021, 16:40
Ngày 2-3, ASEAN tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao để thảo luận về cuộc khủng hoảng sau đảo chính hôm 1-2 tại Myanmar. Đại diện từ chính phủ quân sự Myanmar cũng tham dự, mang lại tia hy vọng về khả năng chấm dứt bạo lực ở quốc gia này.


Phiên tòa trực tuyến

Hãng tin BBC cho hay, bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi) hôm 1-3 đã có mặt tại phiên tòa trực tuyến tại thủ đô Nay Pyi Taw. Đây là lầu tiên bà Aung San Suu Kyi xuất hiện kể từ khi bị giam giữ trong cuộc đảo chính quân sự. Không rõ bà đã bị giam ở đâu trong tháng qua nhưng một số báo cáo cho rằng bà bị giữ tại nhà riêng ở Nay Pyi Taw trước khi được chuyển đến một địa điểm không được tiết lộ. Các luật sư cho biết, bà vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt và đã yêu cầu được gặp nhóm cố vấn pháp lý để bào chữa cho 2 cáo buộc mới được công bố gồm: sử dụng thiết bị liên lạc bất hợp pháp và gây ra “nỗi sợ hãi và báo động”. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa được gặp bà.

Người biểu tình tập trung trước xe bọc thép ở Yangon hôm 15-2. Ảnh: Getty

Khin Maung Zaw, người dẫn đầu nhóm pháp lý của bà Suu Kyi, nói với BBC rằng ông đã không thể gặp thân chủ của mình và buộc phải nghe phiên điều trần từ một căn phòng nhỏ bên cạnh. Một luật sư khác của bà Aung San Suu Kyi thì cho biết, ông đã cố gắng nhìn thoáng qua bà Aung San Suu Kyi trên màn hình trước tòa và có vẻ “bà ấy trông khỏe mạnh”. Hai cáo buộc trước gồm nhập khẩu trái phép và vi phạm luật thiên tai của Myanmar nhằm vào bà Aung San Suu Kyi đưa ra bản án lên đến 3 năm tù giam. Nếu bị kết tội, bà Aung San Suu Kyi có thể bị cấm tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai. Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3.

Trong khi đó, những người biểu tình lại xuống đường mặc dù Chủ nhật (28-2) được coi là ngày chết chóc nhất với 18 người thiệt mạng. Đụng độ đẫm máu vẫn tiếp diễn giữa những người biểu tình với lực lượng quân đội và cảnh sát khi họ yêu cầu chính phủ dân cử được khôi phục và bà Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo khác trong đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được trả tự do.

Các cuộc biểu tình lại nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp đất nước. AP đưa tin, tại Yangon, người ta thấy những người biểu tình sử dụng những vật dụng tạm bợ như cọc tre, ghế sofa và thậm chí cả cành cây để dựng rào chắn trên khắp các đường phố. Hãng Reuters thì cho hay, hơi cay và lựu đạn gây choáng cũng được sử dụng để giải tán hàng trăm người biểu tình ở Yangon.

Tối 1-3, Tư lệnh quân đội, Thượng tướng Min Aung Hlaing đã có một bài phát biểu trên truyền hình, trong đó nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo biểu tình và “những kẻ xúi giục” sẽ bị trừng phạt. Đại diện quân đội cũng khẳng định họ đang nắm quyền do những cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2020 giúp NLD giành chiến thắng vang dội. Tuy không cung cấp bằng chứng về những cáo buộc này nhưng quân đội đã thay thế Ủy ban Bầu cử và hứa hẹn các cuộc thăm dò mới trong một năm.

Nỗ lực của ASEAN

Ngày 2-3, ASEAN tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao để thảo luận về cuộc khủng hoảng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Đại diện chính phủ quân sự cũng tham dự, dẫn đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin. Đây là cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao 10 nước ASEAN kể từ khi quốc gia thành viên Myanmar rơi vào bế tắc chính trị. Cuộc họp diễn ra theo hình thức phối hợp cả trực tuyến và trực tiếp do tác động của đại dịch COVID-19. Phiên họp trực tiếp được tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN.

Trước đó, hôm 24-2, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin cũng đã đến Thái Lan để tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao liên quan những biến cố chính trị gần đây ở nước này. Đầu tháng 2, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường” sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này. Tuyên bố của ASEAN nêu rõ “Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

ASEAN vẫn luôn kịp thời và đáng tin cậy để giải quyết vấn đề nội khối.

Đến nay, cả Liên Hợp Quốc (LHQ), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác đều xác định ASEAN là một bên có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

ASEAN có lợi thế với tư cách là diễn đàn đa quốc gia hàng đầu của khu vực và mối liên hệ với các thành viên trong nhóm. Nhưng yêu cầu về sự đồng thuận và nguyên tắc không can thiệp khiến công việc này trở nên khó khăn hơn vì là một thành viên, Myanmar cũng phải đồng ý với bất kỳ hành động nào của ASEAN thì mới có thể tiến hành được. Do đó, trước mặt, các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng, điều có thể làm trong ngắn hạn là khuyến khích đối thoại giữa chính quyền quân sự và những người biểu tình ở Myanmar để tránh đổ máu tồi tệ hơn.

Về lâu dài, một kế hoạch của Indonesia cho ASEAN giám sát một cuộc bầu cử mới để đảm bảo diễn ra công bằng và toàn diện, có thể cho phép chính quyền quân sự từ chức và đưa Myanmar trở lại con đường dân chủ. Nhưng, các nghị sĩ bị lật đổ và những người biểu tình đã bác bỏ đề xuất này và yêu cầu tôn trọng những lá phiếu trong cuộc bầu cử năm ngoái ủng hộ đảng của bà Aung San Suu Kyi.

Một vấn đề nữa là Mỹ và một số nước phương Tây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar. Điều này khó có thể xảy ra từ ASEAN. Trung tâm tài chính Singapore, cũng là đồng minh thân cận của Mỹ, cho biết họ tự bác bỏ các lệnh trừng phạt nhưng ngân hàng trung ương đã yêu cầu các tổ chức tài chính cảnh giác về rủi ro giao dịch với các công ty hoặc cá nhân có thể bị các quốc gia khác trừng phạt.

Trung Quốc và Ấn Độ đều có biên giới với Myanmar và có những khoản đầu tư lớn ở đó cũng như liên kết với quân đội. Trung Quốc cho biết ưu tiên phải là sự ổn định và các nước khác nên tránh can thiệp vào “công việc nội bộ” của Myanmar để tránh làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Còn Ấn Độ thì kêu gọi đối thoại và kiềm chế từ cả hai bên sau cái chết của 18 người biểu tình. Một số nhà phân tích cho rằng, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không muốn có hành động mạnh mẽ chống lại chính quyền quân sự vì lo ngại rằng điều đó có thể đẩy Myanmar đến gần hơn với đối thủ chiến lược của họ.
S.Thương
.
.