ASEAN quyết vượt “xoáy”

Thứ Tư, 05/06/2019, 14:39
Được coi là vấn đề quyết định của thế kỷ 21, cạnh tranh quyền lực nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương đã thực sự chi phối nội dung Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và bộ trưởng quốc phòng của nhiều quốc gia khác cũng có mặt.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã đưa ra ý kiến giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình với tinh thần đối tác và trách nhiệm cộng đồng. Vì lợi ích của riêng mình, ASEAN phải đảm bảo rằng vị thế của mình như một “đối tác cân bằng và một kiến trúc sư địa chính trị” sẽ tiếp tục củng cố khu vực trước dòng xoáy mới do các nước lớn tạo ra.

Đối thoại Shangri-La 2019 quy tụ nhiều quan chức cấp cao về quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Foreign Brief.

Tiếng nói của nước nhỏ trước mưu đồ của nước lớn

Mối quan hệ giữa hai cường quốc này một lần nữa chiếm vị trí trung tâm tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019 ở Singapore vừa kết thúc. Diễn đàn an ninh thường niên Shangri La diễn ra tại Singapore năm nay bị phủ bóng bởi cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc - những căng thẳng đang làm gia tăng nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự hoặc chiến tranh toàn diện ở châu Á, khu vực vốn đã chứa nhiều điểm nóng địa chính trị nguy hiểm nhất thế giới.

Bài viết trên trang ft.com dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu ngày 2-6 tại Đối thoại Shangri-La: “Mạng lưới của sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau bị tháo gỡ khiến nguy cơ đối đầu gia tăng đến mức có thể dẫn đến chiến tranh. Do vậy, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là khả năng một cuộc xung đột quốc tế giống như Chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ xảy ra”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng bày tỏ quan ngại rằng những chia rẽ dâng cao có thể bùng nổ thành chiến tranh. Bài báo đăng trên trang straitstimes.com dẫn cảnh báo của ông Ng Eng Hen đưa ra tại Diễn đàn Shangri-La: Sự thừa nhận vị thế thống trị của Mỹ và Trung Quốc sẽ bị bác bỏ nếu như các chính sách và hành động của họ được cho là không cân xứng với lợi ích quốc gia của các nước khác hoặc phù hợp với lợi ích tập thể.

Theo ông Ng Eng Hen, “sẽ rất tồi tệ khi các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay Mỹ... bởi đó sẽ là một cuộc chơi mà rốt cuộc tất cả đều thất bại và là một cuộc chạy đua khiến lợi ích của tất cả các bên liên quan đều bị sụt giảm”. Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết trong bối cảnh xung đột song phương hiện nay, thách thức với cả Mỹ và Trung Quốc, với tư cách là các cường quốc là làm thế nào đưa ra được lý lẽ thuyết phục một cách “toàn diện và bao quát” để tất cả các nước dù lớn hay nhỏ có thể chấp nhận vị thế thống trị, ngoài sức mạnh quân sự của họ”.

Ông nhấn mạnh rằng “một sự thay đổi triệt để không chỉ là điều cần thiết đối với Mỹ và các đồng minh mà với cả thế giới” và chắc chắn ít ai nghĩ được rằng thế giới sẽ thay đổi với tiến độ cực kỳ nhanh trong tương lai gần.

Đại diện các nước dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Singapore News.

Phát biểu kết thúc Đối thoại Shangri-La 2019, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết diễn đàn năm nay đã đánh dấu là năm có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay, với 44 đoàn đại biểu cấp chính phủ từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 28 quan chức cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, các chỉ huy quốc phòng.

Bên cạnh sự quan tâm đối với các thông điệp của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc thì diễn đàn năm nay cũng là cơ hội để các quốc gia khác bày tỏ quan điểm, nêu ra quan ngại và từ đó tìm tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích của mình đồng thời đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh của các cường quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á và kết quả là có nhiều rủi ro hơn về việc va chạm và đụng độ trên biển cũng như trên không, từ đó có thể gây ra xung đột lớn tác động tới các nước ASEAN. Sự gia tăng căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ đặt ra một thách thức rất lớn cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần cởi mở, kết nối và cùng xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở cũng như củng cố sự hợp tác trong khuôn khổ đa phương. Đặc biệt, các nước ASEAN cần phải cùng nhau củng cố các cam kết song phương và đa phương, tạo nền tảng xây dựng một kiến trúc an ninh mạnh mẽ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM-Plus) chính là nền tảng.  

Theo phân tích của các đại biểu, mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những người tìm cách phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ dưới tác động của cạnh tranh giữa các nước lớn. Chính vì vậy mà trong năm nay chủ đề của Shangri-La rất rộng.

Có thể khái quát là Đối thoại đã đề cập đến những thách thức an ninh ở trong khu vực, cũng như làm thế nào để giải quyết nó để tất cả các nước đều được thụ hưởng lợi ích ở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể cả nước lớn nhất thế giới cho đến nước nhỏ nhất đều phải được công bằng và được bảo trợ bởi một không khí an ninh và hòa bình.

Một nội dung cũng rất được đặc biệt quan tâm là quan hệ giữa hai cường quốc trên thế giới Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt là khi mà 8 năm nay Trung Quốc mới cử một Bộ trưởng Quốc phòng sang dự Shangri-La. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nước trong khu vực. Và điểm đặc biệt là khác với những lần trước, tại Đối thoại Shangri-La lần này là mối quan tâm của các nước ngày càng thực chất hơn và nó thể hiện rõ hơn tiếng nói của các nước nhỏ hơn như các nước trong khối ASEAN.

Các nước nhỏ bây giờ tham gia diễn đàn với tư cách bình đẳng và có tiếng nói như các nước lớn. Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu dẫn đề khai mạc, trong đó nhấn mạnh vai trò của các nước nhỏ trong việc tham gia vào các thể chế đa phương, cũng như khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Đây là bằng chứng sinh động về tính trung tâm của các quốc gia ASEAN trong các hợp tác đa phương trong khu vực, là nhân tố quyết định đến tương lai ổn định và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

ASEAN trong dòng xoáy mới

Yang Razali Kassim, thành viên cao cấp của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang nhanh chóng thành một vấn đề chính trị với những hàm ý an ninh. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của Mỹ và Trung Quốc, bị mắc kẹt ở giữa, ASEAN sẽ xử lý tình trạng hỗn loạn ngày càng tích tụ này như thế nào?

Về vấn đề này, dự luật của Thượng viện Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc dường như ủng hộ ASEAN. Áp lực mới nhất của Mỹ đối với Bắc Kinh trùng khớp mối lo ngại sâu sắc của ASEAN trước chủ nghĩa bành trướng không bị kiểm soát. Nhưng có một vấn đề cũng khiến ASEAN lo lắng. Dự luật này có thể buộc Trung Quốc phản ứng lại.

Khi Trung Quốc làm vậy, sẽ kéo ASEAN vào sâu hơn những bất đồng có thể xé tan khu vực này. Không phải tất cả các nước ASEAN đều ủng hộ sự hiện diện của Mỹ tại khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc. Một số nước thậm chí muốn loại Mỹ ra khỏi khu vực này.

Đại diện các nước dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: National News.

Vì vậy, tác động của dự luật sẽ làm hồi sinh khả năng những điểm nóng ở Đông Nam Á trở thành điểm dễ bùng phát xung đột. Điều này có thể làm đổ vỡ mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước ASEAN. Trung Quốc cũng sẽ coi đây là một thất bại và có thể trả đũa Mỹ. Tất cả điều này đều không tốt cho Đông Nam Á. Vì vậy, ASEAN sẽ phải tái lập chiến lược để tồn tại. ASEAN sẽ phải quay trở lại, một lần nữa, hành động cân bằng được biết đến là “Trung tâm ASEAN”.

Thay vì chia rẽ khi đối mặt với cuộc chiến thương mại, kinh tế và chính trị đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, quan điểm nhất quán của ASEAN là không đứng về bên nào. Đây là một quan điểm mang lại cho ASEAN cơ hội để vận động theo kế hoạch trong khi tìm ra cách quản lý sự cạnh tranh nước lớn ở sân sau của mình.

Nhờ nhiều năm ngoại giao khéo léo, ASEAN đã trở thành khu vực mà ngay cả những cường quốc cạnh tranh cũng thấy hữu ích cho họ trong trò chơi quyền lực toàn cầu. Điều này khiến cho ASEAN có liên quan; sự liên quan có nghĩa là có ảnh hưởng. Chiến lược của ASEAN hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, là tập trung hơn vào lợi ích của tất cả các nước - bằng cách duy trì sự cởi mở và thông qua chiến lược “Trung tâm ASEAN”. Và quả thật, về mặt triết lý, ngoại giao và chiến lược, ASEAN vẫn là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Như Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan từng nói tiền đề cơ bản của triết lý trên là một ASEAN mạnh mẽ, đoàn kết và gắn kết. Trong thời bình hay thời loạn, khối khu vực này phải ngăn chặn sự chia rẽ nội bộ trong bối cảnh cạnh tranh của các nước lớn. Để ngăn chặn tất cả điều này, không nước lớn nào được phép ra lệnh hoặc dắt mũi ASEAN. Và cũng không nước lớn nào nên bị loại khỏi khu vực này. Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ phải có một vị trí trong ASEAN.    

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu phát biểu tại diễn đàn: “Mối quan hệ bất ổn giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động rõ ràng trong việc định hình sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu bất kỳ điều gì xảy ra ở khu vực này, thế giới cũng sẽ phải gánh chịu.

Cuộc quyết đấu của những người khổng lồ

Tại Đối thoại Shangri-La 2019, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Shanahan đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Lầu Năm Góc tại Đối thoại Shangri-La. Điều thú vị là việc công bố chiến lược mới này diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu về vai trò của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Sự hiện diện của hai nhân vật này đã tạo nên “sự đụng độ của hai tầm nhìn” - một là tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ/Nhật Bản dẫn dắt và một là tầm nhìn “một châu Á cho người châu Á” của Trung Quốc”, William Choong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đối thoại Shangri-La bình luận trên mạng xã hội Twitter.

Các ý định của Mỹ đối với khu vực đã được Washington phát đi mạnh mẽ. Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn ở cấp độ hằng tuần. Mới đây, một chỉ huy không quân Thái Bình Dương Mỹ thông báo các phi đội chiến đấu cơ của Mỹ sẽ bay trong và xung quanh không phận của Biển Đông theo cơ chế gần như hằng ngày.

Các hoạt động vũ trang sôi nổi hơn của Mỹ với các nước trong khu vực dường như là một phần của kế hoạch. Đối với các cuộc tập trận song phương với Philippines hồi tháng 4, tàu tấn công đổ bộ của Mỹ USS Wasp đã chứa 10 máy bay tàng hình F-35B, gấp 4 lần so với khả năng chứa thông thường và di chuyển vào khu vực Biển Đông.

Không chỉ Mỹ hoạt động tích cực ở khu vực mà các đồng minh và đối tác của Washington cũng can dự. Pháp đã điều 1 tàu chiến đến eo biển Đài Loan trong năm nay. Chỉ riêng trong tháng 5, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Mỹ đã điều động tàu chiến tham gia cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông.

Chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson nhắc lại các kế hoạch triển khai tàu chiến ven biển đến Singapore trong năm 2019. Hồi tháng 3, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ, Tướng Robert Brown, tuyên bố các kế hoạch huấn luyện 10.000 binh sĩ chiến đấu. Philippines và Thái Lan được đề cập là hai địa điểm có thể là nơi đồn trú cho số quân này.

Về phần mình, Bắc Kinh không chịu khuất phục. Nước này cũng hạ thủy những tàu chiến mới, tung ra những khí tài mới, duy trì lực lượng thường trực ở quanh các điểm nóng và chỉ trích Washington rằng chính Mỹ đe dọa an ninh khu vực.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh thúc đẩy sức mạnh hải quân của mình. Ngày 12-5, Trung Quốc hạ thủy 2 tàu khu trục Type-52D - là con tàu thứ 19 và thứ 20 trong một hạm đội dự kiến gồm 30 tàu. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đầu tháng 5 nói rằng Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất châu Á với hơn 300 tàu và tàu ngầm.

“Sự hiện diện khắp nơi của tàu thuyền hải quân PLA theo sau các tàu chiến khác trong khu vực cho thấy lực lượng tàu thuyền nổi trên mặt nước của Trung Quốc đã lớn mạnh đủ để có thể vươn tới mục tiêu bất kỳ lúc nào và bất kỳ cách nào”, nhà phân tích quân sự Euan Graham bình luận trên trang Strategist. Điều nguy hiểm nhất là tại Đối thoại Shangri-La, người ta không thấy hai vị bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc đưa ra bất kỳ thỏa hiệp nào.

Hoa Huyền
.
.