Afghanistan: Học giả Hồi giáo cực đoan ra tranh cử tổng thống

Thứ Ba, 22/10/2013, 14:35

Một động thái gây chấn động chính trường Afghanistan trong những ngày vừa qua là việc học giả Hồi giáo theo đường lối bảo thủ Abdul Sayyaf, 67 tuổi, chính thức đăng ký ra tranh cử chức vụ Tổng thống trong kỳ bầu cử vào tháng 4/2014.

Trong cuộc nội chiến dai dẳng ở Afghanistan suốt 2 thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, A. Sayyaf nổi lên như là một lý thuyết gia hàng đầu của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, từng lãnh đạo phong trào Mujahideen (Thánh chiến) tham gia Liên minh phương Bắc chống lại chính thể Taliban ở Afghanistan, trước khi quân Mỹ và đồng minh can thiệp vào nước này góp phần lập nên chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai hiện nay.

Trong những năm 1970, vốn là người có bằng Giáo sư thần học, A. Sayyaf từng tham gia giảng dạy tại Trường đại học Shariat ở thủ đô Kabul và Trường đại học Hồi giáo Al-Azhar lâu đời tại Cairo (Ai Cập). Qua 2 thập niên kế tiếp, đích thân A. Sayyaf đứng ra thành lập và điều hành các trại huấn luyện những chiến binh Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan.

Chính Khalid Sheikh Mohammed người Pakistan, một thành viên tích cực của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, cũng là kẻ chủ mưu trong vụ "không tặc của thế kỷ" nhắm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, từng tham gia học tập tại một cơ sở huấn luyện của A. Sayyaf, hòng "trau dồi nghiệp vụ" trước khi lên kế hoạch hành động.

Một nhóm phiến quân Abu Sayyaf trong rừng rậm Philippines.

Họ "Sayyaf" trong tiếng Arập có nghĩa là "kiếm sĩ thượng hạng". Danh xưng của A. Sayyaf còn là nguồn "cảm hứng", để nhóm phiến quân Hồi giáo ly khai Abu Sayyaf chống đối Chính phủ Philippines bấy lâu nay đặt tên cho tổ chức của mình. A. Sayyaf được phiến quân Philippines tôn sùng như "thánh sống", là lý thuyết gia cho mọi hành động khủng bố của tổ chức Hồi giáo quá khích này ở miền Nam Philippines. Vào cuối tháng 9/2006, tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố quốc tế.

Mặt khác, trong những năm 80, giáo sĩ A. Sayyaf cũng được các nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ mạnh mẽ cả về vật chất lẫn tinh thần, cốt lợi dụng ảnh hưởng của ông này cho các nhiệm vụ chiến lược bảo vệ lợi ích an ninh của Washgington ở Trung Đông.

Theo giới quan sát am hiểu cho đến thời điểm hiện tại, A. Sayyaf vẫn còn là một người bạn "dễ mến" qua các đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau, bất chấp một thực tế rằng chính giới Afghanistan luôn cáo buộc A. Sayyaf phải chịu trách nhiệm về sự hiện diện của tổ chức Al-Qaeda ở nước này.

Cụ thể vào năm 1996, giáo sĩ A. Sayyaf đã giúp Osama bin Laden (1957-2011) trở lại Afghanistan, lập căn cứ trong khu vực núi non hiểm trở giáp giới giữa Afghanistan và Pakistan, sau khi hắn bị chính quyền Sudan trục xuất dưới áp lực của Washington và không thể trở về quê nhà ở Arập Xêút.

A. Sayyaf (phải) phát biểu trong một phiên họp của ban lãnh đạo liên minh Phương Bắc.

Sau khi đã chính thức đăng ký với Ủy ban bầu cử ở thủ đô Kabul để ra tranh cử tổng thống, A. Sayyaf thông báo với phóng viên Hãng tin Reuters: Một chính khách nổi tiếng đã đồng ý đứng liên danh một khi ông ta trúng cử, đó là đương kim Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên nước Ismail Khan trong chính phủ hiện hữu của Tổng thống H. Karzai, sẽ đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thống thứ nhất cho A. Sayyaf.

Vào đầu tháng 4/2014, hàng triệu cử tri Afghanistan sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử được đánh giá là quan trọng nhất, kể từ khi chính thể Taliban bị lật đổ, trong bối cảnh lực lượng quân sự của nước ngoài gồm Mỹ và các đồng minh trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu triệt thoái, để người Afghanistan tự định đoạt lấy số phận của mình không cần bên ngoài "chống lưng" như lâu nay. Về phần Tổng thống đương nhiệm H. Karzai, do đã giữ chức vụ này qua 2 nhiệm kỳ từ năm 2004 nên không thể ra ứng cử theo luật định.

Sự kiện A. Sayyaf ra tranh cử tổng thống khiến giới ngoại giao phương Tây ở thủ đô Kabul hết sức lo ngại, do quan điểm bảo thủ của ông này về quyền tự do trong xã hội, nhất là quyền của phụ nữ, cũng như luôn bày tỏ sự liên kết chặt chẽ với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nếu A. Sayyaf đắc cử, đất nước Afghanistan có thể sẽ trở lại thời kỳ đen tối như dưới thời chính thể hà khắc Taliban cầm quyền trước kia

Thu Hường (tổng hợp)
.
.