Ai Cập: Bạo lực sân cỏ gây rối loạn chính trị
Một trận đấu bóng đá bình thường diễn ra hôm thứ tư 1/2/2012, nhưng kết cuộc lại đưa đến bạo loạn đẫm máu. Từ đó bạo lực giữa 2 nhóm người ủng hộ các đảng phái đối lập nhau, của người dân Ai Cập chống lại sự cầm quyền của quân đội,… đã dẫn đến hàng loạt vụ đụng độ chết người. Ai Cập sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên thời kỳ “hậu Mubarak” với sự lên ngôi của đảng Hồi giáo cực đoan vẫn chưa cho thấy một sự thay đổi sáng sủa nào.
Thảm kịch bóng đá biến thành bạo loạn xã hội
Vụ xô xát bùng lên khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu với kết quả đội Al-Masry chiến thắng 3/1 trước đội mạnh Al-Ahly. Đây là thất bại đầu tiên của đội Al-Ahly tại Giải vô địch quốc gia. Hàng trăm cổ động viên của Al-Masry đã đổ xuống sân ném đá và chai lọ vào cổ động viên của đội kia khiến nổ ra tình trạng hỗn loạn. Những kẻ chiến thắng lại tấn công kẻ bại trận. Các cầu thủ chỉ còn biết chạy vào phòng thay đồ trốn tránh. Gạch đá, chai lọ, gậy gộc rào rào tung lên trên biển người cuồng nộ và kinh hoàng tháo chạy. Hậu quả là thành phố Port-Said chứng kiến 74 người chết vào hôm 1/2 và hàng trăm người bị thương.
Nguy cơ bạo lực khiến cho quân đội phải triển khai trong thành phố. Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim cho biết "đa số người chết là do bị giẫm đạp" trong lúc hỗn loạn. Đây không phải là sự cố khán đài bình thường như đã từng xảy ra tại sân vận động Heysel, Bỉ, vào ngày 29/5/1985 làm chết 39 người, mà là màn tấn công nhau bằng vũ khí bén nhọn, gây sát thương cao.
Đây là trận bóng bi thảm nhất trong lịch sử bóng đá. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter không giấu nổi vẻ sững sờ và ông buồn bã cho rằng đây là "một ngày đen tối". Đài Truyền hình Ai Cập phát đi phát lại các hình ảnh hỗn loạn trong sân vận động, các cổ động viên chạy tứ tán khắp nơi. Hình ảnh những cầu thủ dính đầy máu cũng được truyền lan trên Internet. Các cửa hiệu tại Port-Said buộc phải đóng cửa. Khắp thành phố vang động tiếng còi xe cứu thương. Nhiều tiếng súng đã nổ ra trên con đường dẫn đến Port-Said.
"Người chết la liệt dưới đất và trong phòng thay đồ! Tôi sẽ không chơi bóng nữa một khi công lý chưa được thực thi" - cầu thủ Emad Meteab của đội Al-Ahly tuyên bố với đài truyền hình của đội. Cầu thủ Mohammed Abou-Treika cũng của Al-Ahly gọi điện cho câu lạc bộ: "Lực lượng an ninh đã bỏ mặc chúng tôi. Một cổ động viên chết ngay trước mặt tôi".
Tại Cairô người ta ngạc nhiên rồi sau đó là sự ngờ vực. "Làm sao người ta có thể để cho sự việc diễn ra như thế? Tôi thật chẳng hiểu" - một người bán hàng thắc mắc. Chung quanh ông là những gương mặt ảm đạm. Sự nghi ngờ lại nhắm vào Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang. Một vài kẻ kích động cho rằng, duy trì sự bất ổn là cách tốt nhất để quân đội vẫn nắm quyền. Họ chỉ ra các dấu hiệu khác thường: Thống đốc Port-Said và Chỉ huy trưởng an ninh không đến dự khán trận đấu như thông lệ; cảnh sát không can thiệp và đèn trong sân vận động lại tắt trong lúc hỗn loạn. Dân biểu Ziad El-Alaimy của đảng Xã hội Dân chủ lên án: "Đây không phải là sự trùng hợp. Vụ xung đột này và 3 vụ cướp có vũ trang mới đây xảy ra chỉ 1 ngày sau khi chính quyền thuyết phục Quốc hội nên duy trì tình trạng khẩn cấp".
Bộ trưởng Y tế cho biết trong số 74 người chết, có 1 cảnh sát. Đài Truyền hình Quốc gia thông báo quân đội đã được triển khai trong thành phố để ngăn ngừa những vụ đụng độ khác. Theo Bộ trưởng Nội vụ, vụ xô xát đã làm 248 người bị thương, trong khi Đài truyền hình lại đưa ra con số hơn 1.000 người bị thương. Các bệnh viện thống kê hàng trăm người đang được chăm sóc. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 47 người. Cơ quan an ninh khẳng định cảnh sát chống bạo loạn đã có mặt với số lượng đầy đủ nhưng tránh không can thiệp do có lệnh phải giữ ôn hòa sau những vụ biểu tình đẫm máu tại Cairô vào tháng 11 và 12 vừa qua.
Thống chế Hussein Tantaoui, Chỉ huy trưởng Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang, nắm quyền từ tháng 2/2011 sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, đã điều 2 chiếc phi cơ quân sự đến Port-Said để di tản các cầu thủ và những người bị thương.
Xô xát trong sân vận động Port-Said. |
Đảng "Anh em Hồi giáo" chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua đã cáo buộc những kẻ thân Hosni Moubarak là lực lượng chủ mưu gây ra vụ bạo loạn nói trên. "Biến cố tại Port-Said đã được lên kế hoạch và là một thông điệp của những kẻ thân chế độ cũ" - dân biểu Essam Al-Erian khẳng định. Còn dân biểu Amr Hamzawi đòi cách chức ngay Bộ trưởng Nội vụ, Thống đốc và Chỉ huy trưởng an ninh ở Port-Said. Chủ tịch Quốc hội Saad Al-Katatni, thành viên của "Anh em Hồi giáo", cho biết Quốc hội sẽ họp phiên bất thường vào ngày 2/2.
Trong thời gian đó một vụ hỏa hoạn đã bùng ra tại sân vận động Cairô khiến cho ban giám đốc phải hủy bỏ trận đấu giữa 2 đội Al-Zamalek và Ismaily. Sau đó vụ hỏa hoạn đã được dập tắt.
Từ sau khi Hosni Mubarak bị lật đổ, Ai Cập đã hứng chịu nhiều vụ rối loạn đôi khi đẫm máu, cùng với tình trạng bất ổn gia tăng do cảnh sát ít can thiệp vì bị chỉ trích đã đàn áp những cuộc biểu tình trong giai đoạn quần chúng nổi dậy vào tháng 1 và 2/2011. Tại Charm El-Cheikh, một du khách Pháp đã bị giết trong một vụ cướp. Ngày 30/1 một tài xế xe buýt đã bị bắn bằng súng lục. Tuy những vụ xung đột giữa các tài xế là thường thấy nhưng hành động nổ súng lại là điều hiếm hoi.
Giờ đây những kẻ kích động không muốn để cho bi kịch tại Port-Said chìm vào quên lãng. Họ đổ về nhà ga Cairô để đón những người bị thương và sau đó dự tính sẽ tuần hành đến Bộ Nội vụ. Họ đã làm tương tự như thế cách đây 1 năm khi Hosni Mubarak còn cầm quyền.
Đây là một sự kiện có người giật dây hay chỉ là tắc trách? Dù sao giới quân sự cũng phải có lời giải thích. Tạm thời, chính quyền Ai Cập đã cách chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ai Cập và đình chỉ công tác những quan chức an ninh tại Port-Said. Nhưng chắc chắn như thế vẫn chưa đủ để trấn an lòng dân.
Những lời kêu gọi biểu tình trước Bộ Nội vụ vốn luôn được đa số người dân mâu thuẫn với chính quyền cho quân đội thao túng tiếp tay lan truyền trên các mạng xã hội. Các cổ động viên của đội Al-Ahly đã tụ tập tại Quảng trường Tahrir, biểu tượng của "cuộc cách mạng" Ai Cập ở Cairô. Họ đến làm đông đảo thêm hàng ngũ những người có mặt tại đấy để tưởng nhớ cuộc cách mạng và đòi hỏi một cuộc cách mạng thứ nhì với sự bãi bỏ Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập.
Người biểu tình xô xát với quân đội trên Quảng trường Tahrir. |
Bạo lực nối tiếp bạo lực
Ngay sau khi xảy ra vụ bạo loạn bóng đá, hàng ngàn người dân Ai Cập đã xuống đường biểu tình phản đối Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập (SCAF), đòi chấm dứt ngay sự lãnh đạo của quân đội, thiết lập lại chính quyền dân sự tại Ai Cập. Nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra, chẳng hạn như tại sao với một trận đấu bóng đá có 2 nhóm cổ động viên đối nghịch nhau mà lại thiếu vắng lực lượng cảnh sát an ninh làm nhiệm vụ? Tại sao các cổ động viên quá khích của 2 bên lại được phép mang dao và các loại vũ khí bén nhọn khác, kể cả súng, vào sân xem bóng đá? Và quân đội đang bị xem là "kẻ chủ mưu" cố tình tạo điều kiện cho bạo loạn đẫm máu xảy ra nhằm mục đích có lợi cho mình.
Sự thiếu vắng lực lượng an ninh sẽ tạo cơ hội cho thành phần Hồi giáo cực đoan làm loạn, từ đó sẽ làm giảm uy tín lực lượng Hồi giáo vừa giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa qua. Đó cũng sẽ là lý do để quân đội mạnh tay hơn với thành phần cực đoan chủ nghĩa, nòng cốt của các cuộc biểu tình trên đường phố Ai Cập suốt năm vừa qua. Sau khi ông Mubarak bị lật đổ, chính quyền đã tiến hành bầu cử Quốc hội mới và chuẩn bị bầu tổng thống mới, nhưng biểu tình bạo loạn trên đường phố vẫn chưa thể chấm dứt.
Chuyện không dừng lại ở vụ bạo loạn bóng đá, đó chỉ là một sự kiện trong chuỗi sự kiện chính trị đầy bạo lực tại Ai Cập trong mấy ngày qua. Trước đó, vào hôm 31/1, bạo lực cũng đã xảy ra giữa những người biểu tình thế tục, chống sự thống trị của quân đội, với những người biểu tình ủng hộ đảng Muslim Brotherhood tại Quảng trường Tahrir làm 71 người bị thương. Những người biểu tình thế tục đã cố tiến về phía tòa nhà Quốc hội để yêu cầu Muslim Brotherhood phải thực thi ngay mục tiêu của cuộc bầu cử.
Người biểu tình ủng hộ Muslim Brotherhood đụng độ với người biểu tình thế tục tại Quảng trường Tahrir hôm 31/1. |
Tiếp đến, ngày 2/2, những người ủng hộ cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã cưỡi ngựa và lạc đà tiến vào Quảng trường Tahrir tấn công những người biểu tình thuộc đảng đối lập. Vụ "lạc đà tấn công" này xảy ra đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm cuộc biểu tình nổi dậy tại Quảng trường Tahrir lật đổ Tổng thống Mubarak.
Một điều khác thường được dư luận chú ý là việc Muslim Brotherhood đã theo lập trường quan điểm khá giống với quân đội, cho rằng tình trạng bạo lực khó lường hiện nay là do thiếu vắng sự kiểm soát của cảnh sát và quân đội. Người ta cho rằng, sở dĩ Muslim Brotherhood bất ngờ thay đổi quan điểm là bởi vì đảng này mới vừa lên nắm quyền, còn "chân ướt chân ráo" sau một thời gian dài bị khống chế bởi ông Mubarak.
Sự thống trị của quân đội trong đời sống chính trị Ai Cập là nguyên do chính của các cuộc biểu tình phản đối, nhưng nó đã không được công khai nhìn nhận. Dù sao thì quân đội Ai Cập vẫn là một thế lực mạnh, và SCAF từng tuyên bố trước kỳ bầu cử rằng, quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát đất nước thêm một thời gian dài. Sau kỳ bầu cử, Muslim Brotherhood và các đảng Hồi giáo trong liên minh đã giành chiến thắng với 47% số ghế trong Quốc hội, theo sau là đảng Hồi giáo cực đoan al-Nour với 25% số ghế.
Sự thắng thế của các đảng Hồi giáo đã làm tổn thương tham vọng quyền lực của quân đội, và nhiều người nhìn nhận vụ việc bạo loạn bóng đá vừa rồi như một cú "đảo chính" đối với Muslim Brotherhood và các đồng minh do các vị tướng quân đội đạo diễn. Trong tình thế này, Muslim Brotherhood không còn cách nào khác hơn là phải biết "ngộ biến tùng quyền" để mà tồn tại.
Sau một năm biểu tình, rồi lại tái biểu tình liên miên vì mục tiêu "cách mạng" không đạt được, đất nước Ai Cập giờ đây rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn trăm bề, kinh tế đang có dấu hiệu đi theo chiều hướng nguy hiểm, có thể sau thảm họa vì bạo lực sẽ là thảm họa về kinh tế. Người Ai Cập giờ đây không còn tin tưởng vào hệ thống tài chính và sức khỏe nền kinh tế. Dự trữ ngoại tệ của Ai Cập thì đang ngày càng cạn kiệt, khiến cho nhiều người dự báo một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra vào cuối năm nay.
Trong khi đó, những tài sản chìm nổi, bí mật của quân đội đang là dấu hỏi to đùng; một phần khá lớn của nền kinh tế đất nước lại đang nằm trong tay các tướng tá quân đội. Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã hứa hỗ trợ tài chính cho Ai Cập, nhưng nhiều người cho rằng cũng khó mà giải quyết được các vấn đề của Ai Cập