Ai Cập: Nước cờ ngoạn mục của Tổng thống Morsi

Thứ Ba, 21/08/2012, 03:50

Gọi là "ngoạn mục" bởi nước cờ sa thải các tướng cao cấp nhất của quân đội và hàng loạt chỉ huy an ninh của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi diễn ra chỉ một tuần lễ sau vụ khủng bố gây căng thẳng trên bán đảo Sinai làm thay đổi cán cân trật tự quyền lực trên chính trường Ai Cập. Chuyện "động trời" này đến ngay cả người dân xứ kim tự tháp cũng bất ngờ và "sốc".

Cho đến trước thời điểm ông Morsi công bố các quyết định thay nhân sự của mình, phần lớn quyền hành trên thực tế vẫn thuộc về các tướng lĩnh trong Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF), và cho dù giành chiến thắng trong bầu cử nhưng Tổng thống Morsi vẫn bị xem là chẳng có mấy quyền hành trong tay, phải chịu sự điều khiển của SCAF.

Một cuộc đấu quyền lực đã thật sự mở màn ngay sau khi ông Morsi nhậm chức với phần thắng ít ai dám nghĩ nghiêng về ông Morsi trước một thống tướng đầy quyền lực như Tantawi. Vài ngày sau vụ việc căng thẳng trên bán đảo Sinai, báo chí quốc tế đã đăng những dòng tít lớn để bình luận về khả năng "xử lý tình huống" trong điều kiện đầy khó khăn của Tổng thống Morsi. Nhưng tất cả đã "việt vị" vào ngày 12/8.

Có lẽ sự kiện các tay súng phiến quân phục kích đồn biên phòng Ai Cập trên bán đảo Sinai hôm 5/8 vừa qua là cái "mốc" làm chuyển hướng các sự kiện trên chính trường Ai Cập. Báo chí bình luận, ông Morsi đang "đi vào bãi mìn" sau vụ việc này. Tuy nhiên, hành động dứt khoát đầu tiên đã chứng minh ông đã có quyết định đúng: sa thải hàng loạt chỉ huy an ninh, trong đó bao gồm những người của chế độ Mubarak, như Mourad Mwafi, và thay thế bằng những nhân sự mới, thân Hồi giáo và có đầu óc cải cách. Mwafi bị thuyên chuyển khỏi vị trí thủ trưởng Tổng cục Tình báo (GSI) vì thiếu trách nhiệm trong tình huống trên bán đảo Sinai.

Nước cờ quyết định của Tổng thống Morsi bắt đầu bằng việc cách chức Thống tướng Mohammed Hussein Tantawi - Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội kiêm Chủ tịch Hội đồng tối cao Các lực lượng vũ trang (SCAF), và tướng Sami Anan, Tham mưu trưởng bộ binh kiêm Phó chủ tịch SCAF. Ngoài ra, các tư lệnh Quân chủng Không quân, Phòng không và Hải quân cũng đều nhận lệnh sa thải.

Người được bổ nhiệm thay thế Thống tướng Tantawi trên ghế Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch SCAF là tướng Abdel Fattah al-Sissi. Trước khi được bổ nhiệm, Sissi là chỉ huy cánh tình báo quân đội và là thành viên SCAF, nhưng ông này hoạt động một cách lặng lẽ bên cạnh các vị tướng quyền lực "đình đám" khác. Tướng Sissi bắt đầu gây chú ý vào tháng 6/2011, khi tuyên bố với các tổ chức nhân đạo quốc tế rằng việc "kiểm tra trinh tiết" các chị em phụ nữ tham gia biểu tình trong "Cách mạng hoa nhài" là nhằm "bảo vệ các thành viên quân đội trước các cáo buộc hiếp dâm".

Từ trái sang: Thống tướng Mohamed Hussein Tantawi, Tổng thống Mohamed Morsi và Tham mưu trưởng Bộ binh Sami Anan được cho là đã có thỏa thuận ngầm với nhau.

Bên cạnh việc thay các tướng quân đội, Tổng thống Morsi còn bổ nhiệm ông Mahmoud Mekki, một thẩm phán cao cấp, vào vị trí Phó tổng thống Ai Cập. Theo đánh giá của giới truyền thông, với việc bổ nhiệm thẩm phán Mekki làm phó soái cho mình, ông Morsi đã chuẩn bị sẵn sàng tư thế cho mọi tình huống sắp tới, có thể là những phiên tòa vì ông đã đụng chạm đến các phán quyết trước đây của tòa án (tuyên giải tán Quốc hội do Muslim Brotherhood chiếm đa số). Đây là những "ván bài" mang tính quyết định đến tương lai chính trị của bản thân ông và đất nước Ai Cập.

Ngoài ra, Tổng thống Morsi cũng vô hiệu hóa một tu chính Hiến pháp đã được SCAF ban hành ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập tháng 6 vừa qua. Điều này có nghĩa là các quyền hành quá rộng rãi của quân đội sẽ được thu hồi, đồng nghĩa với việc phục hồi quyền hành đầy đủ cho Tổng thống. Theo giới phân tích, hành động thay đổi nhân sự cấp cao trong quân đội được thực hiện quá nhanh nằm trong kế hoạch thâu tóm quyền lực của Muslim Brotherhood. Sự kiện trên bán đảo Sinai chỉ là "cái cớ" để đẩy nhanh kế hoạch đã được chuẩn bị từ trước.

Người Mỹ có vẻ không quá bất ngờ với nước cờ của Tổng thống Morsi, và đưa ra một cách lý giải khác. Sau chuyến thăm Ai Cập cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tiên đoán về một sự "hợp tác" giữa Tổng thống Morsi và Thống tướng Tantawi, cho rằng giữa 2 người "có mối quan hệ rất tốt và cùng nhau hướng đến những mục tiêu chung". Sự hợp tác đó không chỉ là việc bổ nhiệm một người của SCAF vào vị trí thay thế Thống tướng Tantawi mà còn là những động thái tiếp cận rất bài bản của Tổng thống Morsi với quân đội, như việc ông đến thăm các doanh trại quân đội và dùng bữa chung với sĩ quan và binh sĩ, tỏ lòng khen ngợi quân đội,…

Còn giới phân tích thì nhìn nhận rằng, trước khi tuyên bố thay đổi nhân sự cấp cao đó, Tổng thống Morsi đã có nhiều cuộc họp làm việc dài ngày với SCAF để thảo luận về phương án thay thế nhân sự sau sự cố ngày 5/8. Và giữa Tổng thống Morsi và Thống tướng Tantawi dường như đã có một thỏa thuận ngầm, theo đó Thống tướng và người của mình "lặng lẽ ra đi" để được "hạ cánh an toàn", vì nếu áp dụng luật pháp như đối với cựu Tổng thống Mubarak thì sau những gì đã làm dưới thời Mubarak, Thống tướng và các tướng lĩnh trong bộ sậu của ông ta có thể bị kết án tù.

Nước cờ "ngoạn mục" mà Tổng thống Morsi đã cố công hoạch định cùng với các lãnh đạo Muslim Brotherhood và thực hiện một cách chính xác chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là lấy lại quyền điều hành đất nước, đặt quyền lực vào tay các lãnh đạo dân sự để "đoạn tuyệt" hẳn với quá khứ quân đội thao túng quyền hành, hướng đất nước Ai Cập đến một tương lai tươi sáng hơn

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.