Ai Cập: Tái diễn cuộc "cách mạng hoa nhài"

Thứ Năm, 11/07/2013, 16:20

Tình hình Ai Cập ngày 3/7 có vẻ giống với cuộc “cách mạng hoa nhài” năm 2011: Quân đội Ai Cập làm động thái “đảo chính” truất phế Tổng thống Mohamed Morsi khi gần 1 triệu người biểu tình phản đối kéo dài nhiều ngày khiến cho khủng hoảng chính trị không thể giải quyết trong 48 tiếng đồng hồ như tối hậu thư được quân đội đưa ra hôm 1/7. Kèm theo đó là hàng loạt vụ bắt bớ những người thuộc phe phái của Tổng thống…

Cuộc “đảo chính” xảy ra vào chiều tối ngày 3/7. Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội, tướng Abdel Fatah Al-Sissi đã xuất hiện trên Truyền hình Quốc gia Ai Cập để thông báo việc phế truất Tổng thống Mohamed Morsi và bắt giam ông này tại khu dinh thự dành cho Tổng thống.

Việc phế truất Tổng thống Morsi được cho là hành động cứng rắn của quân đội khi tình hình bất ổn chính trị, xã hội kéo dài đã không được giải quyết, khi người biểu tình chống chính phủ ngày càng đông thêm, đã xảy ra đụng độ làm chết hàng chục người, hàng trăm người bị thương. Cùng với ông Morsi còn có một loạt các cố vấn của ông và khoảng hơn chục quan chức cao cấp của Muslim Brotherhood cũng bị quân đội bắt giữ và giam tại một nơi không được tiết lộ. Đặc biệt, trong số các quan chức Muslim Brotherhood có cả 2 vị lãnh đạo tối cao là Mohammed Badea và Kheirat Al Shater. Badea bị bắt ở khu vực tây bắc Ai Cập khi ông này tìm đường chạy sang Libya.

Ngoài ra, trong số người bị bắt còn có cựu Chủ tịch Quốc hội Mohamed Saad Katatny, hiện tại là Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP). Hiện chưa rõ Tổng thống Ai Cập và các cố vấn của ông bị bắt vì cáo buộc gì, nhưng các lãnh đạo Muslim Brotherhood thì bị cáo buộc tội “ra lệnh cho 250 thành viên Muslim Brotherhood vũ trang súng ống bảo vệ trụ sở của tổ chức Muslim Brotherhood”, đồng thời “ra lệnh bắn chỉ thiên và bắn đạn cao su vào bất cứ ai đột nhập vào trụ sở”.

Ngày 4/7, quân đội Ai Cập đã “bổ nhiệm” ông Adli Mansour, Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao, làm Tổng thống lâm thời điều hành các công việc đất nước trong thời gian chờ tổ chức bầu cử tổng thống mới. Đồng thời, quân đội cũng tuyên bố “treo” Hiến pháp.

Phát biểu trên truyền hình ngay sau khi được “bổ nhiệm”, Tổng thống lâm thời Mansour tuyên bố việc ông tạm thời nắm quyền là một sự “điều chỉnh cần thiết” để đưa Ai Cập đi đúng mục tiêu của cuộc “cách mạng hoa nhài” ngày 25/1/2011. Ông Mansour cũng tuyên bố, chính phủ lâm thời của ông sẽ bao gồm tất cả mọi thành phần, phe phái chính trị ở Ai Cập, không phân biệt Hồi giáo hay thế tục, kể cả Muslim Brotherhood.

Người biểu tình ủng hộ ông Morsi, phản đối quân đội.

Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ Muslim Brotherhood và cựu Tổng thống Morsi, những lời nói của ông Mansour “chẳng nghĩa lý gì”. Việc phế truất và bắt giữ ông Morsi cùng với hàng chục quan chức Muslim Brotherhood có thể khiến cho những người biểu tình phản đối ông bấy lâu nay vui mừng, hò reo, nhảy múa, nhưng đồng thời nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ Ai Cập lại rơi vào tình trạng bạo lực do những thành viên và những người ủng hộ tổ chức Muslim Brotherhood có hành động quyết liệt phản đối. Bởi vì, việc phế truất và bắt giữ đó là một cú “trời giáng” làm tái phát vết thương cũ của tổ chức Hồi giáo vốn đã hàng chục năm ròng rã hoạt động lén lút, bị đàn áp, bóp nghẹt dưới thời ông Mubarak lãnh đạo.

Muslim Brotherhood mới vừa ngoi lên nắm quyền sau “cách mạng hoa nhài”, làm tươi mới đời sống chính trị và dân chủ ở Ai Cập, nhưng ngay lập tức niềm tin mới đó như bị dội “gáo nước lạnh” bởi hành động của quân đội.

Ngay trong đêm 3/7, khoảng 10.000 người ủng hộ Muslim Brotherhood đã tụ tập tại nhà thờ Hồi giáo Rabaa Adaweya ở quận Nasr City. Lực lượng an ninh Ai Cập được lệnh vây xung quanh khu vực nhà thờ Rabaa Adaweya nhưng không ngăn cản người biểu tình. Trên khắp đất nước Ai Cập đêm 3/7 đã xảy ra đụng độ giữa những người phản đối ông Morsi với những người ủng hộ ông, ít nhất 10 người chết.

Ngày 4/7, sự phản đối bắt đầu lan rộng. 9 bộ trưởng nội các thuộc đảng FJP đã đồng loạt từ chức để phản đối hành động “phản dân chủ” của quân đội. Đặc biệt, nguy cơ bạo lực lộ rõ khi một số thành viên Muslim Brotherhood và thành phần cực đoan ủng hộ ông Morsi tỏ thái độ “cực đoan hóa” và đe dọa sử dụng bạo lực để đòi lại quyền hành đã bị mất.

Kênh truyền hình vệ tinh Ai Cập ngày 4/7 đã cho phát sóng một người ủng hộ ông Morsi tuyên bố: “Tôi nói cho Al-Sissi biết: ông biết rằng ông đã tạo nên một Taliban mới và một Al-Qaeda mới ở Ai Cập… Ông đã tạo nên cuộc thánh chiến mới và những cảm tử quân mới”.

Phương Tây cũng đang có phản ứng tiêu cực đối với cuộc đảo chính mang hơi hướng “cách mạng hoa nhài” này. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các diễn biến ở Ai Cập và kêu gọi quân đội Ai Cập “hãy nhanh chóng trả lại đầy đủ quyền hành cho chính phủ được bầu lên một cách dân chủ, càng sớm càng tốt”.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag, Tổng thống Syria Bashar al-Assad,… đều bày tỏ quan ngại sâu sắc, cho rằng sự việc thay đổi quyền lực ở Ai Cập không phản ánh nguyện vọng của nhân dân Ai Cập và không tuân thủ đúng nguyên tắc dân chủ.

Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng hành động “lật đổ” ông Morsi đã đưa Ai Cập quay trở lại thời kỳ độc tài chuyên chế của ông Hosni Mubarak. Mặc dù tướng Al-Sissi tuyên bố quân đội Ai Cập sẽ không đóng vai trò gì trong guồng máy chính quyền mới, “tránh xa” đời sống chính trị, nhưng những động thái thực tế vừa rồi đang cho thấy quân đội luôn sẵn sàng can thiệp khi thấy cần thiết

V.Trương (tổng hợp)
.
.