Ai Cập: Tân Tổng thống nói ít làm nhiều

Thứ Năm, 17/07/2014, 15:40

Người dân Ai Cập đang cố gắng tìm hiểu các kế hoạch mà cựu Tư lệnh quân đội nước này đề ra để giải quyết nhiều vấn đề rối rắm của đất nước. Trong khi đó tân Tổng thống Abdul Sisi tiết lộ rất ít về bản thân mình và nhất là tầm nhìn của ông về đất nước Ai Cập.

Sau khi nhậm chức Tổng thống Ai Cập, Abdul Sisi bắt đầu tiết lộ chút ít về cá nhân hay ít nhất là vai trò lãnh đạo mà ông lựa chọn. Ông không là nhà diễn thuyết có khả năng hùng biện, nhưng những người từng gặp gỡ ông đều đánh giá ông là người thẳng thắn  và có sức thuyết phục.

Khi được hỏi về các chính sách sắp tới của Abdul Sisi, các chính khách, nhà phân tích và doanh nhân - bao gồm nhiều người đã tham gia các cuộc họp với tân Tổng thống - đều có cùng câu trả lời là: "Tôi thật tình không biết".

Cũng có thể họ không muốn tiết lộ điều gì về những toan tính của Abdul Sisi để giải quyết những vấn đề kinh tế khẩn cấp của Ai Cập. Abdul Sisi cũng muốn người dân coi ông là một tổng thống nghiêm khắc, công bằng và tận tụy chỉ trong công việc. Trong suốt chiến dịch tranh cử, Abdul Sisi thường xuyên nhắc nhở người dân Ai Cập nên chăm chỉ làm việc. Bản thân Abdul Sisi cũng siêng năng và yêu cầu các bộ trưởng làm gương bằng cách có mặt tại văn phòng làm việc đúng 7 giờ sáng.

Tân Tổng thống nhấn mạnh: Sự chăm chỉ làm việc của mỗi cá nhân sẽ giúp giải quyết những vấn đề rối rắm của Ai Cập hiện nay. Abdul Sisi còn cho rằng, nếu người dân Ai Cập đi làm bằng xe đạp hay đi bộ thì họ sẽ tiết kiệm cho đất nước hàng triệu USD nhập khẩu xăng dầu. Một số nhà phân tích nhận định tân Tổng thống Sisi muốn người dân sống trong trật tự mới và kỷ luật.

Ngoài ra, Abdul Sisi cũng thông báo sẽ hiến tặng một nửa tiền lương và tài sản cá nhân để ủng hộ nền kinh tế Ai Cập - một hành động được coi là cao cả sẽ thúc đẩy các giới chức cao cấp trong chính quyền cũng như doanh nhân giàu có làm theo.

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập cũng thông báo quân đội sẽ tặng 140 triệu USD cho kinh tế đất nước. Abdul Sisi cũng ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính thực hiện những quy định về các mức lương tối thiểu.

Abdul Sisi đến bệnh viện thăm hỏi một phụ nữ bị tấn công tình dục.

Các sáng kiến và luật mới (phần nhiều đã được Tổng thống lâm thời Adly Mansour thông báo trước khi Abdul Sisi nhậm chức) truyền đạt những thông điệp tương tự về sự chính trực và đạo đức của chế độ mới. Bộ Thanh niên và Thể thao Ai Cập cũng tuyên bố sẽ đấu tranh chống chủ nghĩa vô thần trong giới trẻ nước này.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ ra lệnh cấm trưng các khẩu hiệu tôn giáo trên xe cộ. Đồng thời Bộ trưởng Nội vụ cũng tuyên bố sẽ cho thành lập một cơ quan mới giải quyết các vụ án tấn công tình dục. Riêng Tổng thống Abdul Sisi cũng bày tỏ mối quan tâm cá nhân về loại tội phạm này khi công bố bức ảnh chụp ông vào bệnh viện thăm hỏi một phụ nữ đang điều trị sau khi bị tấn công tình dục tại Quảng trường Tahrir vào thời điểm diễn ra lễ nhậm chức của ông.

Abdul Sisi cũng siết chặt sự kiểm soát đối với tôn giáo và giáo dục. Chỉ có những nhà thuyết giáo được cấp phép bởi Al-Azhar - một trong những trung tâm giáo dục chính của Hồi giáo Sunni - mới được phép tổ chức thuyết giáo và cá nhân tổng thống sẽ chỉ định các giám đốc trường đại học và chủ nhiệm khoa.

Hiện nay, những biện pháp trấn áp tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vẫn tiếp tục, với hơn 1.000 thành viên tổ chức bị tuyên án tử hình. Trong khi đó, những thanh niên thách thức luật chống phản kháng trong tháng 12/2013 lãnh những mức án nghiêm khắc. Các nhà báo của Đài Truyền hình Al-Jazeera cũng bị buộc tội dàn dựng những câu chuyện.

Abdul Sisi (giữa) trong một chiến dịch khuyến khích giới chức chính quyền và người dân sử dụng xe đạp để tiết kiệm cho Ai Cập.

Một trong những thách thức gay go nhất mà Abdul Sisi phải đối mặt - đó là vực dậy nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng do những biến động chính trị trong thời gian qua. Tuy nhiên, với khoảng 25% người dân Ai Cập bình thường đang sống dưới mức nghèo khổ, Abdul Sisi chắc chắn sẽ nhanh chóng hành động dù hiện tại ông chỉ đưa ra vài tín hiệu yếu ớt về vấn đề này. Giới doanh nghiệp cũng đang nóng lòng chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ tân tổng thống.

Ngay đến các quốc gia  - Arập Xêút, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait - đã đầu tư hàng tỉ USD vào nền kinh tế Ai Cập kể từ khi Tổng thống Mohammed Morsi bị phế truất cũng khéo léo nhắc nhở, họ sẽ không tiếp túc ủng hộ nếu như nước này không thông qua những chính sách rõ ràng cũng như những cải cách quan trọng. Abdul Sisi nhận định, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng và đòi hỏi nhiều sự đầu tư hơn.

Hiện tại, Abdul Sisi vẫn giao cho quân đội quản lý các dự án nhà ở khổng lồ do UAE tài trợ. Trên hết, chính quyền mới cần phải giải quyết các khoản trợ cấp cho lương thực và năng lượng Ai Cập

Duy Minh (tổng hợp)
.
.