Ai có thể cứu vãn nền hoà bình ở Trung Đông

Thứ Bảy, 17/01/2009, 10:00
Cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã bước sang ngày thứ 13 (tính đến ngày 8/1/2009) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng bắn dài hạn. Liên Hiệp Quốc (LHQ) vẫn chia rẽ sâu sắc khi chỉ yêu cầu Israel ngừng bắn mỗi ngày 3 tiếng đồng hồ để phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo. Xét trong tổng thể những tác nhân liên quan tới cuộc khủng hoảng này thì ai có thể gây áp lực bắt cuộc chiến ngưng ngay lập tức?

Chiêu thức “xoa dịu dư luận"

Sáng sớm ngày 8/1 vừa qua, Israel tiếp tục mở rộng cuộc chiến xuống phía nam Dải Gaza cả trên bộ lẫn trên không bất chấp trước đó, Tel-Aviv đã chấp nhận ngưng bắn mỗi ngày 3 tiếng để "xoa dịu dư luận quốc tế" về vấn đề nhân đạo.

Từ 1h đến 4h chiều ngày 7/1, hàng ngàn người dân ở Dải Gaza đã đổ ra đường phố vội vã đi tìm mua thực phẩm trong 3 tiếng đồng hồ ngưng bắn. Chiến sự lại tiếp diễn dữ dội ngay sau đó.

Theo cơ quan y tế ở Gaza, kể từ khi khởi đầu chiến sự ngày 27/12/2008, đã có 666 người Palestine thiệt mạng trong số đó có 215 trẻ em và trên 2.950 người bị thương. Các tổ chức nhân đạo tố cáo đây là một cuộc khủng hoảng toàn diện khi người dân tại dải đất nghèo khổ và đông đúc này thiếu lương thực, nhiên liệu, nước uống...

Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra của LHQ nhằm làm sáng tỏ về thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza kể từ khi Israel mở cuộc tấn công mới nhất. Điều phối viên về nhân quyền của LHQ tại các vùng đất của Palestine tuyên bố giới lãnh đạo Israel đang phạm phải tội ác chống lại nhân loại tại Gaza và cần bị đưa ra xét xử. Trong khi đó, báo chí quốc tế cũng góp tiếng nói phản đối mạnh mẽ cuộc chiến phi nghĩa này.

Trước lo ngại làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao trên toàn thế giới, ngày 7/1 vừa qua Israel tuyên bố chấp nhận cho mở một hành lang tiếp tế nhân đạo cho Dải Gaza, đồng thời quân đội nước này sẽ ngừng chiến dịch ném bom mỗi ngày 3 tiếng đồng hồ.

Quyết định mở hành lang nhân đạo được đưa ra sau khi quân đội Israel, ngày 6/1 đã oanh kích dữ dội vào một trường học quốc tế của LHQ tại Gaza, làm ít nhất 40 người chết. Đối với người dân trên Dải Gaza, việc ngừng bắn, dù có giới hạn, cũng là điều khẩn cấp. Họ đang rất cần được sự cứu trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Giải pháp 3 điểm

Trong lĩnh vực ngoại giao, tối ngày 6/1, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sau hai lần hội đàm với Tổng thống Ai Cập trong chuyến công du đột xuất tới Trung Đông đã yêu cầu Cairo phối hợp với Paris đưa ra một kế hoạch thoát khỏi khủng hoảng bao gồm 3 điểm chính.

Thứ nhất, Israel và các phe phái Palestine chấp nhận ngưng bắn tạm thời để mở được một hành lang nhân đạo cứu giúp 1,5 triệu người Palestine tại Dải Gaza.

Thứ hai, Ai Cập mời Israel và Palestine, cùng với đại diện Liên minh châu Âu và các bên khác thảo luận về các phương tiện nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang. Điểm này sẽ bao gồm cả vấn đề bảo đảm an ninh cho vùng biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, chặn đứng nạn buôn lậu và tiếp tế vũ khí qua đường hầm nối liền Gaza với lãnh thổ Ai Cập. Đổi lại, Israel và Ai Cập sẽ mở cửa một số trạm kiểm soát trên đường biên giới chung.

Sau cùng là Ai Cập mời các phe phái Palestine hiện đang đối đầu với nhau, đặc biệt là phong trào Fatah và Hamas, hãy nối lại các cuộc đối thoại hòa giải với nhau.

Đề nghị nói trên đã được đại diện của Mỹ tại LHQ ủng hộ nhưng đồng thời Washington nhấn mạnh đến các phương tiện bảo đảm đình chiến thực sự. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng có thái độ tương tự. Còn phong trào Hamas cho biết có thể chấp thuận kế hoạch vì họ đã thảo luận tại Cairo về các nội dung này từ nhiều ngày qua.

Cuộc chiến sẽ đi về đâu?

Cũng trong ngày 7/1 vừa qua, lãnh đạo ngoại giao các nước Arập và phương Tây đã nhóm họp lần 2 để bàn về các biện pháp ngưng bắn tại Dải Gaza. Đã có hai đề xuất được đưa ra. Một là của Libya yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và hai là của Pháp với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ đề xuất một nghị quyết không bắt buộc cũng yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và tìm giải pháp đưa đến một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nhưng rốt cuộc không đề xuất nào được thông qua.

Tính tới thời điểm này, chỉ có đề xuất của Ai Cập với sự trung gian của Pháp là được đa phần thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ tán thành. Nhưng những gì mà quốc tế đang làm vẫn chưa thể chấm dứt cuộc chiến.

Tờ La Croix của Pháp đã nêu câu hỏi trong hàng tựa trang nhất: "Trung Đông, ai có thể gây áp lực?", bên trên bức ảnh chụp Tổng thống Pháp và Tổng thống Syria, trong cuộc gặp gỡ ngày 6/1 tại Damas. Theo tờ báo, Syria là một trong những tác nhân, bên cạnh Ai Cập, có thể gây áp lực đối với Hamas. Nhưng Ai Cập đã có những mặc cả riêng, còn Syria thì cho thấy chưa mấy sẵn sàng, và đã nêu lên vấn đề nan giải, cho rằng việc Israel phong tỏa Dải Gaza từ hơn một năm qua là lời khai chiến đối với người Palestine.

Tóm lại Hamas ngưng pháo kích vào Israel, và Israel ngưng phong tỏa Gaza, đó là chiếc chìa khóa có thể dẫn đến ngưng bắn và đàm phán. Theo La Croix, các nhà ngoại giao đang ráo riết làm việc trên kịch bản này. Vấn đề là nếu Israel chấm dứt cuộc phong tỏa, điều này sẽ là một thắng lợi đối với Hamas cho dù họ bị yếu đi về mặt quân sự. Trong khi đó, Israel muốn tiếp tục cuộc tấn công trên bộ, để diệt trừ tiềm lực quân sự của Hamas. Chính phủ Israel có thể đè bẹp quân Hamas, như họ đã làm trong những ngày qua, nhưng họ biết không thể nào tiêu diệt hết được nhóm này.

Giới phân tích cho rằng cuộc chiến ở Gaza bị kéo dài vì ở Mỹ đang trong thời kỳ chuyển tiếp chính quyền. Chính phủ của Tổng thống Bush không có lý do gì để đưa ra những hành động mạnh mẽ trong khi đang chờ ngày hết trách nhiệm. Ông Obama vẫn nêu một lý do quen thuộc là nước Mỹ chỉ có một tổng thống thôi, để tránh bày tỏ ý kiến rõ rệt.

Sắp tới, các nước châu Âu sẽ tích cực đưa ra các sáng kiến để giúp Chính phủ Israel có cớ nói chuyện lại với quân Hamas về thỏa hiệp ngưng bắn, qua trung gian của châu Âu, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, một khi ông Obama vào Nhà Trắng thì Chính phủ Mỹ chỉ việc đứng ra đóng vai bảo kê cho việc ngưng bắn được hai bên tôn trọng

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)
.
.