Ai đứng sau các vụ bạo loạn tại Kyrgyzstan?

Thứ Bảy, 19/06/2010, 15:30
Những thông tin khác nhau, thậm chí trái chiều ở trong và ngoài Kyrgyzstan đang khiến dư luận quốc tế cũng như tại khu vực Trung Á đặc biệt quan ngại, nhất là khi số người chết và bị thương trong các cuộc bạo động sắc tộc bùng phát tại miền Nam nước này ngày một gia tăng.

Hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương

Dư luận rất quan tâm tới tuyên bố của cố vấn Tổng thống Kazakhstan Yermukhamet Yertysbayev - không tán thành với nhận định của các thành viên trong chính phủ lâm thời Kyrgyzstan khi cho rằng, cựu Tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev đứng sau những cuộc bạo động tại miền Nam nước này. Ông Yermukhamet Yertysbayev cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc bạo loạn vừa qua bởi Kyrgyzstan thiếu một nhà lãnh đạo của toàn dân tộc.

Nhận định kể trên được đưa ra sau khi người đứng đầu chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, ông Roza Otunbaeva tuyên bố: Những cuộc bạo loạn vừa qua là nhằm gây bất ổn cho đất nước và trách nhiệm thuộc về những người ủng hộ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev.

Về phần mình, kể từ khi bị lật đổ và rời khỏi thủ đô Bishkek (7/4) đến nay, ông Kurmanbek Bakiyev đã đưa ra nhiều tuyên bố gây tranh cãi. Ngày 13/6, ông đã phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định không tham gia vào các cuộc bạo động tại miền Nam Kyrgyzstan. Trước khi tới Belarus tị nạn chính trị, ông Kurmanbek Bakiyev đã dừng chân tại Kazakhstan.

Cách đây hơn 1 tháng (6/5), chính phủ của bà Roza Otunbaeva đã chính thức yêu cầu Belarus dẫn độ ông Kurmanbek Bakiyev về Kyrgyzstan xét xử vì bị cáo buộc sát hại nhiều dân vô tội và lạm dụng chức quyền, nhưng đã bị Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ chối.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế Kyrgyzstan, đã có khoảng 130 người chết (có tài liệu nói 200), hơn 1.600 người bị thương trong những cuộc bạo động sắc tộc bùng phát mấy ngày qua tại miền Nam. Hãng Thông tấn Kyrgyzstan AKIpress cho biết, tình hình an ninh tại Kyrgyzstan vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng và chưa có dấu hiệu cải thiện bất chấp lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại một số tỉnh, thành phố tại khu vực miền Nam.

Cho tới nay người ta vẫn chưa thống kê chính xác đã có bao nhiêu người dân tộc thiểu số Uzbekistan (chiếm 14,5% dân số) buộc phải sơ tán khỏi nhà cửa, ruộng vườn của mình đi lánh nạn sau khi bị những người gốc Kyrgyzstan (dân tộc đông nhất với gần 70% dân số) quá khích tiến hành các vụ tấn công. Được biết, sau khi đốt nhà, những kẻ quá khích còn bắn vào những người chạy trốn.

Trước tình hình kể trên, đêm 13/6, Bộ Tình trạng khẩn cấp Uzbekistan đã phải mở cửa biên giới để đón những người chạy nạn từ miền Nam Kyrgyzstan. Ngoài việc mở cửa biên giới, Uzbekistan còn cho lập các trại tị nạn ở một số khu vực để dành cho những người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có cả những người bị thương. Nhưng tối 14/6, Uzbekistan đã đóng cửa biên giới cho dù vẫn còn hàng chục nghìn người thiểu số Uzbekistan đang phải sống trong cảnh thiếu lương thực vì bị mắc kẹt trong những ngôi làng tại thành phố Osh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 100.000 người thiểu số Uzbekistan phải rời bỏ thành phố Osh đi lánh nạn.

Lính Kyrgyzstan...

... và lính dù Nga được huy động để bình ổn tình hình.

Chưa có tín hiệu khả quan

Giới truyền thông cho biết, sau mấy ngày bạo động sắc tộc, thành phố Osh đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi nhiều cửa hàng, cửa hiệu bị cướp phá khiến lương thực, thực phẩm thiếu nghiêm trọng. Trong khi chính phủ lâm thời tiếp tục chuyển hàng cứu trợ gồm lương thực và thuốc men tới miền Nam Kyrgyzstan thì nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục viện trợ nhằm tránh một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra tại khu vực này.

Tuy chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã điều quân đội đến duy trì trật tự tại thành phố Osh (từ 13/6), thậm chí cho phép binh lính bắn vào bất cứ đối tượng quá khích, gây rối nào, nhưng tình trạng vô chính phủ vẫn diễn ra. Được biết, lính đặc nhiệm Kyrgyzstan đã được tăng cường bảo vệ xung quanh sân bay Osh, nơi máy bay chở hàng cứu trợ hạ cánh, đề phòng khả năng bị cướp phá.

Tuy từ chối điều quân theo lời thỉnh cầu của bà Roza Otunbaeva, nhưng Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn điện đàm với Tổng thống lâm thời Kyrgyzstan (13/6) để thảo luận về những giải pháp nhằm sớm chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay. Bà Roza Otunbaeva tiếp tục yêu cầu Nga và các nước hỗ trợ quân sự để ổn định tình hình trong nước.

Lo ngại tình trạng bạo lực lan rộng tại Kyrgyzstan, ngày 13/6, Moskva đã điều một tiểu đoàn lính dù tới bảo vệ các cơ sở của Nga tại căn cứ quân sự Kant ở nước này.

Mặc dù Kyrgyzstan đã bác bỏ tin đề nghị Mỹ viện trợ quân sự, nhưng giới chuyên môn cho rằng, còn quá sớm để khẳng định chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo nếu bạo động không được kiểm soát. Trước đó (12/6), Mỹ đã ra tuyên bố kêu gọi Kyrgyzstan nỗ lực khôi phục lại ổn định xã hội, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giúp nước này ngăn chặn bạo lực, lập lại trật tự.

Ngày 14/6, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB) đã thảo luận về tình hình Kyrgyzstan với sự tham dự của đại diện chính phủ lâm thời Kyrgyzstan. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng dự kiến gửi các thanh sát viên tới giám sát tình hình, còn Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi các bên tại Kyrgyzstan bình tĩnh, tránh bạo lực và giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại và thỏa hiệp.

Trước đó (13/6), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Kyrgyzstan và kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng chung. Ông Ban Ki-moon cho biết, Liên Hiệp Quốc đang đánh giá khẩn cấp các nhu cầu viện trợ nhân đạo cho Kyrgyzstan, đồng thời kêu gọi các bên tại quốc gia này kiềm chế tối đa nhằm hạn chế thương vong

Trịnh Thị Phương Anh (tổng hợp)
.
.