Ai đứng sau vụ phá huỷ hàng trăm xe của quân đội Mỹ và NATO?

Thứ Hai, 15/12/2008, 09:00
Tuy trị giá của vụ cháy gần 200 xe của quân đội Mỹ và NATO chưa hẳn lớn và cũng không ảnh hưởng tới chiến trường ở Afghanistan, nhưng uy tín của lực lượng liên quân, cũng như quân đội Pakistan đang bị giảm sút nghiêm trọng. Nó càng nguy hiểm hơn khi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang khủng hoảng sau vụ khủng bố Mumbai.

Có sự liên kết giữa các lực lượng chống đối?

“Chặn đường vận lương, đốt phá kho lương thực” là chiến thuật được giới quân sự từ thời xưa áp dụng và nó vừa được thực hiện thành công tại một nhà ga gần thành phố Peshawar của Pakistan khiến hơn 160 xe quân sự của quân đội Mỹ và NATO bị phá hủy hoàn toàn hôm 7/12. Vụ tấn công thẳng vào 2 kho hậu cần của quân đội Mỹ và NATO ngay trên đất Pakistan được coi là một thách thức lớn không những đối với lực lượng liên quân, mà cả với an ninh của quốc gia Nam Á đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo giới truyền thông và cảnh sát, các tay súng đã sử dụng rốckét, súng máy và lựu đạn trong vụ tấn công vào kho hậu cần Portward Logistic Terminal gần thành phố Peshawar sáng 7/12.

Theo ông Kifayatullah Khan, người phụ trách kho hậu cần Portward Logistic Terminal cho biết, sau khi bắn chết 1 lính gác (có tin nói 2 lính gác), bọn khủng bố đã châm lửa đốt toàn bộ số ôtô tại đây. Hơn 100 xe tải, xe container chở nhiên liệu, xăng dầu và khoảng 70 chiếc Humvee đã chìm trong biển lửa sau loạt tấn công đầu tiên của bọn khủng bố.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại kho hậu cần gần Faisal - tuyên bố của ông Shah Iran, người phụ trách tại đây cho biết. 60 xe đang chờ lên đường đến Afghanistan cùng 3 xe tải của Pakistan cũng bị thiêu trụi trong ngọn lửa. Mỹ và NATO thiệt hại ít nhất 10 triệu USD trong vụ tấn công khủng bố kể trên.

Những vụ tấn công trên đã và đang khiến Mỹ và NATO quan ngại bởi đường vận lương, vũ khí và nhiên liệu của họ bị gián đoạn không những ảnh hưởng tới lực lượng liên quân đang đồn trú ở Afghanistan, mà còn tạo điều kiện cho Taliban hoành hành.

Để trấn an dư luận, Đại tá Greg Julian, phát ngôn viên quân đội Mỹ tại Afghanistan cho biết, ảnh hưởng của vụ tấn công là không đáng kể bởi Mỹ và NATO có nhiều nguồn cung khác, bảo đảm nhu cầu sử dụng hàng ngày cho hơn 53.000 binh lính Mỹ và NATO.

Vụ tấn công kể trên diễn ra đến nay gần 1 tháng sau khi 13 xe chở hàng, trong đó có những thiết bị hậu cần của Mỹ bị các tay súng Taliban đánh cướp tại thung lũng Khyber. Sau đó Chính phủ Pakistan đã quyết định cấm xe tải đi qua 1 cửa khẩu biên giới với Afghanistan vì những quan ngại về tình hình an ninh tại khu vực này.

Theo giới chuyên môn, nếu thung lũng Khyber, một trong những tuyến vận chuyển chính bị Taliban hay các lực lượng khác khống chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chiến trường Afghanistan. Cho tới nay Mỹ và NATO vẫn chưa có cách vận chuyển hữu hiệu cho dù những tuyến đường kể trên ngày càng nguy hiểm cùng chi phí vận tải đắt đỏ. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 350 xe tải chở trung bình 7.000 tấn hàng hóa chạy qua những tuyến đường kể trên để tiếp tế cho chiến trường Afghanistan.

Những câu hỏi chưa có lời giải

Không có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố trên, nhưng theo giới chuyên môn, đây là một vụ được lên kế hoạch tỉ mỉ, phối hợp nhịp nhàng giữa trong và ngoài. Những kẻ tấn công vừa nổ súng vừa hô vang câu “Thánh Allah vĩ đại” bằng tiếng Arập. Điều đáng nói là cho đến nay thông tin về vụ khủng bố hôm 7/12 không thống nhất về số lượng các tay súng chống đối, cũng như một số chi tiết khác. Tuy nhiên, đây là vụ tấn công khủng bố liều lĩnh nhất của lực lượng chống đối kể từ trước đến nay nhằm vào kho hậu cần của quân đội Mỹ và NATO.

Cơ quan chức năng đang điều tra vụ khủng bố. Điều khiến giới chuyên môn chưa thể lý giải nổi là tại sao các tay súng chỉ bắn chết 1 lính gác, để khoảng 10 người khác còn sống sau khi tấn công vào kho hậu cần kể trên. Tại sao chúng biết kho hậu cần này chỉ có hơn 10 lính gác và đang nạp nhiên liệu, cùng những nhu yếu phẩm khác... Nếu Taliban đứng sau vụ này thì đây là lần đầu tiên chúng thực hiện một vụ tập kích với số lượng đông như vậy.

Có tin nói rằng, bọn khủng bố đã tập kích kho hậu cần đúng thời điểm lực lượng cảnh sát địa phương đang vướng điều tra vụ đánh bom hôm 5/12 khiến 27 người chết và hơn 100 người khác bị thương tại một khu chợ ở Peshawar. Hơn nữa, đó cũng là thời điểm diễn ra lễ Hồi giáo Ad’el-Kebir nên mọi người đều chủ quan.

Sau vụ khủng bố kể trên, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tại các kho hậu cần của Mỹ và NATO trên đất Pakistan đã được tăng cường, nhưng sẽ khó chống đỡ nổi trước một cuộc tấn công tổng lực và có chuẩn bị kỹ càng từ trước. Về phần mình, Bộ Nội vụ Pakistan vẫn tiếp tục khẳng định, những tuyến đường vận chuyển cùng các kho trung chuyển đều đang được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Vụ khủng bố diễn ra đúng thời điểm lực lượng an ninh Pakistan vừa tấn công một trại huấn luyện của tổ chức Lashkar-e-Taiba, lực lượng bị coi đứng sau vụ khủng bố ở thành phố Mumbai, Ấn Độ khiến hàng trăm người chết và bị thương. Các tay súng đã rút lui - theo chiến thuật sau khi lực lượng cảnh sát tới hiện trường khoảng 40 phút sau vụ tấn công. Trong khi cảnh sát cho rằng, chỉ có 30 tay súng thì lực lượng lính gác tại hiện trường nói, có khoảng 300 người cùng hỏa lực mạnh đã tấn công họ. Một nguồn tin khác lại cho rằng, hơn 200 tay súng Taliban đã tham gia tấn công vào 2 kho hậu cần của Mỹ và NATO.

Ngày 8/12, lại xảy ra vụ 100 xe của quân đội Mỹ và NATO bị các tay súng đối lập thiêu cháy

Nguyễn Diệu Hương Ly (Tổng hợp)
.
.