Ai sẽ là thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ tới?

Thứ Bảy, 05/08/2006, 08:01

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày diễn ra cuộc bầu chọn người thay thế đương kim Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Cột mốc quan trọng này đang thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ trong nước Nhật Bản mà cả khu vực châu Á và Mỹ.

Theo kế hoạch, ông Koizumi sẽ mãn nhiệm vào khoảng cuối tháng 9, và ông đã tuyên bố muốn nghỉ ngơi, không tiếp tục ra ứng cử. Lời tuyên bố này đã để ngỏ cơ hội tranh chấp chiếc ghế lãnh đạo LDP (đương nhiên là cả chức thủ tướng). Ngay lập tức xuất hiện 4 nhân vật tỏ ý muốn tranh cử là đương kim Bộ trưởng Nội các Shinzo Abe, cựu Bộ trưởng Nội các Yasuo Fukuda, Bộ trưởng Tài chính Sadakazu Tanigaki và Bộ trưởng Ngoại giao Taro Aso. Trong số các ứng viên này, 2 ông Shinzo Abe và Yasuo Fukuda được dư luận quan tâm nhiều nhất nhờ vào bề dày kinh nghiệm lẫn các hoạt động nổi bật trên chính trường trong thời gian qua. Cuộc đua chọn người thay thế ông Koizumi vì thế cũng tập trung quanh 2 nhân vật này.

Tình hình kinh tế ổn định, tăng trưởng phục hồi tốt (lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ nâng lãi suất cơ bản lên trên 0%), do vậy sẽ không có nhiều vấn đề trong nước để các ứng viên tranh nhau “lấy điểm” như thông lệ tại các kỳ bầu chọn trước đây. Theo các nhà phân tích Nhật Bản, nét mới trong kỳ bầu chọn lần này để tìm người thay thế ông Koizumi chính là ở chỗ quan điểm của các ứng viên về chính sách đối ngoại, trong đó nổi bật nhất là chính sách đối với châu Á và quan hệ với đồng minh Mỹ, sẽ được xem xét như những tiêu chí để chọn lựa. Điều này có nghĩa, lá phiếu bầu thủ tướng mới của Nhật Bản đồng thời cũng là để trưng cầu ý kiến trong đảng cầm quyền cũng như dư luận công chúng Nhật Bản đối với các chính sách châu Á và Mỹ của Nhật Bản. Nói chung, người lên thay thế ông Koizumi trên cương vị lãnh đạo Nhật Bản vẫn sẽ phải làm sao giữ được thế cân bằng giữa các mối quan hệ với châu Á và Mỹ, nhưng chính sách đối với châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định khả năng người đó có được chọn hay không.

Cả 2 ứng cử viên Fukuda và Abe không khác nhau mấy trong các vấn đề trong nước, như kinh tế, xã hội cũng như đều cùng ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Mỹ, đặc biệt là trong các vấn đề về an ninh, và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... Riêng về chính sách đối với châu Á thì 2 ông trái ngược nhau.

Fukuda được đánh giá là người theo quan điểm ôn hòa, chủ trương xây dựng các mối quan hệ tốt với các nước láng giềng (Trung Quốc và Hàn Quốc), trong đó các chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản được xem là mấu chốt gây bất hòa giữa nước này với Trung Quốc và Hàn Quốc (vì đền Yasukuni là nơi thờ các chiến binh Nhật chết trận, trong đó có 14 tên tội phạm chiến tranh loại A đã bị xét xử), khiến cho 2 nước này cắt đứt các cuộc gặp cấp cao với Nhật Bản gần một năm qua. Gần đây, ông Fukuda đã lên tiếng chỉ trích ông Koizumi vì các chuyến thăm đền và công khai kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản không nên tiếp tục các chuyến thăm như thế.

Abe thì ngược lại, không phản đối việc Thủ tướng thăm đền Yasukuni, đồng thời ông không những không muốn phục hồi các mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, mà còn bộc lộ quan điểm cứng rắn đối với 2 nước này trong các vấn đề về lịch sử gây tranh cãi của Nhật Bản. Ngoài ra, trong khi ông Fukuda chủ trương nước Nhật hòa nhập sâu hơn vào khu vực châu Á thì ông Abe lại hướng đến việc thắt chặt quan hệ với đồng minh khác của Mỹ trong khu vực là Australia.

Đối với Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi là một trong những đồng minh nhiệt thành nhất, cùng với Thủ tướng Anh Tony Blair, là người sẵn sàng ủng hộ Mỹ trong nhiều vấn đề gai góc nhất, khi cả thế giới đều lên tiếng phản đối Mỹ, như cuộc chiến chống Iraq, cuộc chiến chống khủng bố gây nhiều thương vong tại Afghanistan... Koizumi chính là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên gửi quân đội ra nước ngoài (trái với quy định của Hiến pháp Nhật), ông cũng là người đầu tiên đề xuất việc sửa đổi Hiến pháp để cho phép nước Nhật thành lập Bộ Quốc phòng và xây dựng quân đội chính quy có khả năng tác chiến và tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa với Mỹ. Vì vậy, việc ông Koizumi rời chiếc ghế Thủ tướng trong khi Nhật Bản đang ngày càng có xu hướng hòa nhập sâu hơn vào khu vực châu Á đang khiến cho Mỹ lo lắng, và theo dõi sát việc bầu chọn người kế nhiệm ông Koizumi. Chắc chắn, cả ông Fukuda lẫn Abe đều được lòng người Mỹ trong một số vấn đề, nhưng trong mối quan hệ với các láng giềng Đông Á của Nhật Bản thì dường như Mỹ không yên lòng lắm đối với Fukuda.

Dù Yasuo Fukuda hay Shinzo Abe thay thế ông Koizumi làm Thủ tướng Nhật Bản cũng đều sẽ tác động lên chính sách của Nhật Bản đối với châu Á trong thời gian sắp tới. Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận do các báo Nhật Bản tiến hành cho thấy ông Abe đang dẫn điểm Fukuda, nhưng đồng thời cũng cho thấy Fukuda đang ngày càng tăng điểm trong dư luận. Giới phân tích cho rằng Abe đang có nhiều lợi thế hơn Fukuda nhờ trẻ tuổi hơn (51 so với Fukuda, 69), có quan điểm, đường lối gần giống với Thủ tướng Koizumi, và đặc biệt là rất được các phe phái trong LDP ủng hộ. Ông Abe đang được nhiều người trông đợi sẽ tiếp tục đường lối cải cách sâu rộng của ông Koizumi một khi được chọn thay ông

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.