Âm mưu khủng bố của Iran: Bao nhiêu phần sự thật?

Thứ Năm, 27/10/2011, 11:30

Washington mới đây đã lớn tiếng tuyên bố về việc đã phát hiện một loạt các âm mưu khủng bố do Tehran đứng đằng sau. Cụ thể theo khẳng định của chính quyền Mỹ, một đối tượng người Iran có tên Manssor Arbabsiar vừa bị bắt tại New York đã thừa nhận đang chuẩn bị một âm mưu ám sát đại sứ Arập Xêút cũng như một loạt các vụ khủng bố khác trên đất Mỹ, trong đó có khả năng sử dụng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các nghị sĩ đã kêu gọi chính quyền Mỹ phải triển khai những biện pháp đáp trả kiên quyết nhất chống lại chế độ tại Tehran, trong đó không loại trừ cả khả năng dùng vũ lực.

Theo các nhà quan sát, vụ lùm xùm bất ngờ này sẽ là một cơ hội tuyệt vời của Tổng thống Barack Obama để có thể nâng cao uy tín của mình, kèm theo đó là khả năng thành công cao hơn trong việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống Iran tại Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng đó cũng là một phần lý do khiến công luận phải đặt câu hỏi: Có bao nhiêu phần sự thật về nghi án khủng bố của Iran trên đất Mỹ?

Những âm mưu động trời

Báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin: Manssor Arbabsiar (56 tuổi, có cả hai quốc tịch Mỹ và Iran) đã bị bắt giữ hôm 29/9 vừa qua tại sân bay John Kennedy. Còn kẻ tòng phạm với anh ta là Gholam Shakuri hiện đang bị truy nã. Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder, Shakuri là thành viên của đơn vị đặc nhiệm Qods trong thành phần của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), chuyên đảm trách tiến hành các chiến dịch phá hoại ở nước ngoài.

Chính quyền Mỹ khẳng định rằng, Arbabsiar đã thú nhận tham gia chuẩn bị cho âm mưu ám sát Đại sứ Adel al-Jubeir của Arập Xêút tại Washington, người vẫn được coi là cố vấn thân cận của nhà vua Abdullah. Cần biết Adel al-Jubeir là người đã được đích thân nhà vua phái tới Mỹ ngay sau vụ khủng bố 11/9/2001 với mục đích cải thiện hình ảnh của quốc gia này trong con mắt người Mỹ, sau khi phần lớn những thủ phạm trực tiếp tham gia vụ khủng bố trên đều là người Arập Xêút. Al-Jubeir đã rất nỗ lực để chứng minh với người Mỹ rằng, Al- Riyadh không dính líu tới những vụ khủng bố trên. Ông chính thức được bổ nhiệm làm đại sứ tại Mỹ vào năm 2007. Nếu đúng theo công hàm ngoại giao mật của Mỹ được WikiLeaks công bố, chính Al-Jubeir vào năm 2008 đã truyền đạt cho Washington lời nói của nhà vua Abdullah cho rằng, Mỹ cần phải tấn công Iran để ngăn chặn chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này.

Ngoài kế hoạch ám sát trên, nghi phạm Arbabsiar còn tiết lộ về một loạt những âm mưu khủng bố khác tại Mỹ có tính tới khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như kế hoạch tấn công vào các phái đoàn ngoại giao của Arập Xêút và Israel tại Argentina. Được biết nếu được phán quyết theo đúng tội danh trong cáo trạng, Arbabsiar nhiều khả năng sẽ phải nhận mức án tù chung thân.

Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), âm mưu khủng bố trên - được những kẻ tham gia đặt mật danh là Chevrolet - đã được chuẩn bị từ tháng 1 đến 10/2011. Để thực hiện được âm mưu này, Arbabsiar đã tìm cách thuê các thành viên của cartel ma túy Los Zetas tại Mexico. May mắn là một trong những thành viên của cartel này mà Arbabsiar tìm cách tiếp cận lại là một nguồn tin của Cục Phòng chống tội phạm ma túy (DEA) của Mỹ. Điệp viên này trước đó đã từng dính dáng tới một số tội danh về ma túy, nhưng tất cả những cáo buộc đã bị gỡ bỏ, sau khi anh ta đồng ý hợp tác với chính quyền.

Những người Iran sau đó đã đề nghị điệp viên này tổ chức một vụ nổ tại một nhà hàng mà Đại sứ Arập Xêút và nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ thường ghé thăm. Anh ta đã giả vờ đồng ý với mức thù lao 1,5 triệu USD và một nhóm 4 người hỗ trợ.  Arbabsiar nhanh chóng chấp nhận những điều kiện trên. Thông qua Shakuri, khoản tiền 100 ngàn USD đã được chuyển vào một tài khoản ngân hàng Mỹ như là một khoản ứng trước. Tất cả số tiền còn lại theo thỏa thuận sẽ được giao sau khi vụ ám sát thành công.

Trong quá trình thỏa thuận, Arbabsiar còn kể rằng, anh ta đang đảm trách việc tuyển chọn người tham gia vụ ám sát theo yêu cầu của người anh họ Abdul Reza Shahlai - "một vị tướng cỡ bự" trong quân đội Iran, chuyên chịu trách nhiệm về các chiến dịch tại nước ngoài, cũng như dính dáng tới nhiều vụ nổ bom khủng bố tại Iraq. Người Mỹ cho rằng, Shahlai chính là phó tư lệnh của Qods, đồng thời cũng là kẻ lập kế hoạch cho vụ khủng bố tại Iraq vào năm 2007 sát hại 5 công dân Mỹ.

Manssor Arbabsiar.

Ngày 20/9/2011, điệp viên của DEA thông báo với Arbabsiar rằng, quá trình chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn tất, yêu cầu anh ta phải trả trước một nửa số tiền đã hứa. Một tuần sau, Arbabsiar bay tới Mexico nhưng đã nhanh chóng bị trục xuất trở lại theo yêu cầu của Mỹ. Ngay khi vừa bước chân xuống máy bay trở về, Arbabsiar đã bị bắt giữ. Sau khi bị sa lưới, Arbabsiar dưới sự giám sát của người Mỹ còn gọi điện cho Shakuri tại Iran.

Phản ứng trước những công bố của Washington, Tehran đã gọi những lời buộc tội nhằm vào mình là "trò khiêu khích quái gở". Đại diện Mohammad Khazaee  của Iran tại LHQ trong một lá thư gửi Tổng thư ký và Hội đồng Bảo an đã gọi những hành động của Mỹ là "âm mưu của quỷ dữ" nhằm "khơi mào chiến tranh, phá hoại hòa bình và ổn định tại vùng Vịnh Pecxich". Còn Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lại khẳng định rằng, mục tiêu của chính quyền Mỹ trong hành động này là nhằm "làm sao nhãng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề nội bộ của nước Mỹ".

Các nhà phân tích độc lập cũng đều thống nhất cho rằng, vụ bê bối vạch trần mạng lưới khủng bố của Iran đã nổ ra đặc biệt "hợp thời" với Barack Obama. Cách đây không lâu, người đứng đầu Nhà Trắng đã thừa nhận, ông hoàn toàn có khả năng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 trên cơ sở cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Giờ đây, sau vụ tiêu diệt Osama bin Laden, Tổng thống lại có cơ hội nữa để phát biểu với danh nghĩa một "vị cứu tinh" giúp dân Mỹ tránh khỏi những âm mưu khủng bố từ phía Iran.

Các nghị sĩ Mỹ đã rất nhanh chóng hưởng ứng với những lời kêu gọi các biện pháp trừng phạt và đáp trả mạnh mẽ đối với Tehran. Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ hy vọng rằng, các quốc gia trước đây còn nghi ngờ về các biện pháp cấm vận chống Iran giờ đây sẽ có "những bước đi kiên quyết hơn". Washington và các đồng minh của họ đã có những phản ứng khá nhanh đầu tiên trước vụ việc này. Ngay trong ngày 12/10, Mỹ, Arập Xêút và một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để bàn bạc vấn đề duy nhất - đó là "chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc gia đang được chính quyền tại Iran theo đuổi".

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Một kịch bản của Washington?

Các phân tích độc lập đều bày tỏ thái độ hoài nghi về âm mưu khủng bố của Iran. Như theo ý kiến của các chuyên gia về Iran được tờ The New York Times trích dẫn, rất khó có khả năng chính quyền Iran lại phê chuẩn một kế hoạch nổ bom sát hại Đại sứ Arập Xêút trên đất Mỹ kiểu như vậy. Vụ việc trên, nếu thực sự có nguồn gốc từ Iran, rất có thể là hành động của các phe nhóm cực đoan nhằm thúc đẩy chính quyền đối đầu hoàn toàn với phương Tây.

Còn theo bình luận viên Julian Borger trên tờ The Guardian, một nhân viên cao cấp tham gia điều tra vụ này cũng phải thừa nhận rằng, các phương pháp và phong cách hành động của các đối tượng chẳng mang chút đặc trưng nào trong hoạt động của IRGC. Borger đã nêu ra một loạt những điểm nghi vấn về vai trò của Tehran trong âm mưu trên, qua đó cho thấy nhiều khả năng đây rất có thể là một kịch bản được Washington thổi phồng:

1. Cực kỳ khó có khả năng lãnh tụ tối cao Ali Khamenei lại phê chuẩn một âm mưu trắng trợn với những hậu quả không thể lường trước được - trên thực tế là lời tuyên chiến đồng thời với cả 3 kẻ thù lớn nhất của Iran là Arập Xêút, Mỹ và Israel.

2. Vai trò của Ahmadinejad trong vụ này cũng rất đáng ngờ, do Tổng thống Iran không có nhiều ảnh hưởng tại IRGC. Trong thời gian gần đây, Ahmadinejad lại có một số cử chỉ thiện chí như trả tự do cho những khách du lịch Mỹ bị cáo buộc là gián điệp, đưa ra ý tưởng mang tính nhượng bộ mới về vấn đề uranium.

3. IRGC thường tỏ ra rất cẩn thận trong việc xóa bỏ các dấu vết của mình bên ngoài lãnh thổ Iran, thường hành động thông qua những đối tác trung thành của mình như Hezbollah hay các nhóm người Shiite tại Iraq. Còn trong vụ vừa rồi, IRGC lại tìm cách liên hệ với Los Zetas, thông qua một kẻ là người gốc Iran, tự nhận là họ hàng của một "vị tướng cỡ bự" trong IRGC - tất cả đều cho thấy, IRGC đã hành động một cách hết sức ấu trĩ, không có tính chuyên nghiệp.

4. Khoản tiền 100.000USD đã được chuyển tới từ quốc gia nào? Vì sao chính quyền Mỹ tin rằng, tài khoản của người gửi thuộc về IRGC?

5. Chẳng có cơ sở nào để xác nhận họ hàng của Arbabsiar đứng sau vụ này là một quan chức cấp cao trong IRGC.

6. Cũng có khả năng đây là một âm mưu của một nhóm các phần tử cực đoan trong hàng ngũ IRGC

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.