Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Triều Tiên trước nguy cơ đổ vỡ:

Âm mưu mới, sách lược cũ

Thứ Tư, 29/08/2018, 14:54
Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa đạt được cách đây 2 tháng rất có thể chìm vào quên lãng. Báo chí nhà nước Triều Tiên ngày 26-8 cáo buộc Mỹ đang thương lượng kiểu “nước đôi” với Bình Nhưỡng.

Sự sẵn sàng “giả tạo”?

Viện Nghiên cứu Heritage mới đây đăng bài phân tích về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của chuyên gia về Đông Bắc Á Bruce Klingner. Chuyên gia này chỉ ra rằng, đang có sự mâu thuẫn về thỏa thuận ở Singapore. 2 tháng kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, dường như chưa có tiến triển thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng duy trì việc “tạm dừng” các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời có một số động thái thể hiện rõ thiện chí như trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cũng như phá hủy một phần bãi thử nghiệm động cơ tên lửa... Đáp lại, Mỹ cũng chỉ tuyên bố “miệng” mà chưa có hành động thực chất nào. Có vẻ như cả hai bên vẫn chưa sẵn sàng.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục khẳng định Triều Tiên phải hết lòng với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, là tiến trình không thể đảo ngược, được thẩm tra toàn diện (CVID). Trong khi đó Bình Nhưỡng nhất quyết cho rằng Washington phải thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin trước. Qua 2 tháng, những tranh cãi việc bên nào sẽ thúc đẩy các bước đi của mình trước để đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm phi hạt nhân hóa và tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên vẫn chỉ là mơ ước của người dân ở Bán đảo này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không đồng ý để Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng. Ảnh: Time.

Sự mâu thuẫn của nước Mỹ trong vấn đề Triều Tiên được thể hiện rõ qua việc trong khi không có nhiều tiến triển về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tăng cường gây sức ép đối với chính quyền Bình Nhưỡng bằng hình thức trừng phạt 3 công ty nước ngoài với cáo buộc đã giúp đỡ Triều Tiên tránh lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 công ty có trụ sở ở Trung Quốc, Nga và Singapore. Trong đó phong tỏa tài sản mà các doanh nghiệp này sở hữu ở Mỹ, đồng thời cấm các doanh nghiệp Mỹ có quan hệ làm ăn với 3 công ty này.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trường Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: “Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt đã có đối với Triều Tiên, đồng thời cũng sẽ có biện pháp ngăn chặn, chỉ rõ những công ty, hải cảng và tàu thuyền đã tạo điều kiện cho các chuyến hàng bất hợp pháp và cung cấp tài chính cho chính quyền Bình Nhưỡng”.

Ông này cũng lưu ý thêm: “Hậu quả do việc vi phạm các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế sẽ vẫn được duy trì cho đến khi chúng ta đạt được kết quả cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng ở Triều Tiên”.

Phản ứng về vụ việc này, Bình Nhưỡng lên án những yêu cầu của phía Mỹ khi cho rằng mình đã có những nhượng bộ nhất định nên phải được Washington “hồi đáp” bằng việc gỡ bõ các lệnh trừng phạt cho “tương xứng”. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã có phản ứng khi thông qua tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính mới đây rằng các lệnh trừng phạt sẽ không được gỡ bỏ cho đến khi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn tất.

Phụ họa cho chính sách này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã liên tục đề cập đến lập trường của Mỹ, đầu tiên là ngay sau chuyến công du lần thứ ba tới Bình Nhưỡng hồi tháng trước và mới đây nhất là tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Singapore hồi đầu tháng 8-2018. Ông Pompeo đã nói rằng lệnh trừng phạt cần phải được duy trì.

Trong khi đó, ông Pompeo cũng liên tục từ chối câu hỏi của phóng viên khi đề cập chi tiết đến cái gọi là “các biện pháp xây dựng lòng tin”. Cho dù Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa tháng 8-2018 đã ra tuyên bố cho biết Washington sẵn sàng hướng tới một “cơ chế hòa bình” nhưng có liên quan mật thiết đến vấn đề phi hạt nhân hóa.

Chính sách nước đôi của Mỹ đang khiến Triều Tiên nghi ngờ. Ảnh: South China Morning Post.

Cần thiện chí từ phía Mỹ

Mong muốn “cơ chế hòa bình”, nhưng thực tế không phải như vậy. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 26/8 có bài viết cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách “hai mặt” và có âm mưu chống phá Bình Nhưỡng sau khi Washington đột ngột hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã được lên kế hoạch vào tuần này.

Sự việc diễn ra từ hôm 23-8, ông M.Pompeo thông báo sẽ trở lại Triều Tiên vào tuần tới để bước vào giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo “sự phi hạt nhân hóa Triều Tiên lần cuối, có thể kiểm chứng đầy đủ”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã 3 lần tới thăm Triều Tiên, lần lượt vào tháng 4, tháng 5 và tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, trên trang Twitter ngày 24-8, Tổng thống Trump cho biết đã yêu cầu Ngoại trưởng M.Pompeo không tới Triều Tiên vào thời điểm hiện tại với lý do chưa cảm thấy có đủ tiến triển liên quan đến việc phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Mỹ đang thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ hoài nghi về sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ quá trình phi hạt nhân hóa như đã từng làm trước đây. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho biết thêm Ngoại trưởng Pompeo vẫn sẽ đến Triều Tiên “trong tương lai gần” khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung được “giải quyết”.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, phía Triều Tiên đã chỉ trích những hành động của Mỹ như một âm mưu làm bùng nổ một cuộc chiến tranh chống Triều Tiên. Phía Triều Tiên cũng dẫn nguồn từ một hãng truyền thông Hàn Quốc cho biết một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ đóng quân tại Nhật Bản đang tiến hành cuộc tập trận trên không nhằm “xâm nhập Bình Nhưỡng”. Bài viết nhấn mạnh Triều Tiên không thể chịu đựng sự “hai mặt” của Mỹ khi Washington vừa bận rộn với cuộc tập trận bí mật, vừa tiến hành đối thoại với thái độ niềm nở.

Triều Tiên hối thúc Washington từ bỏ “mưu đồ quân sự vô nghĩa” và thực thi thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên đã đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước tại Singapore hồi tháng 6-2018 hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh này, nhìn bề ngoài có thể thấy cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang tìm cách thu hẹp những bất đồng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song kết quả thực tế lại không nhiều.

Trong khi Bình Nhưỡng kêu gọi đưa ra một tuyên bố hòa bình như một phần các biện pháp đảm bảo an ninh nhằm khuyến khích Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại cho rằng một thỏa thuận hòa bình hay bất cứ sự nhượng bộ nào chỉ có thể đạt được sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa đạt được thêm bước tiến tích cực.

“Tiêu chuẩn kép” cho nhiều mục đích

Phản ứng trước thông tin phía Triều Tiên đưa ra, một người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cho biết ông không nắm được thông tin về cuộc tập trận mà báo Rodong Sinmun đề cập. Giới phân tích nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể làm phức tạp thêm các cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ, có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy mối quan hệ liên Triều.

Chuyên gia Shin Beom-chul của Viện Nghiên cứu Quốc tế Asan nhận định: “Đây là một dấu hiệu cho thấy đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ diễn ra không suôn sẻ. Tổng thống Donald Trump có thể cảm thấy không cần cử Ngoại trưởng Pompeo tới Triều Tiên, khi chưa có bất kỳ đảm bảo nào cho thấy tiến triển đáng kể trong việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”.

Theo chuyên gia Shin Beom-chul, việc hủy chuyến thăm của ông Pompeo có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán chứ không phải sự chuyển dịch trong chính sách Triều Tiên của nhà lãnh đạo Mỹ. Một ví dụ có thể kể ra, đó là khi Tổng thống Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua, rồi lại tuyên bố vẫn tiến hành vài ngày sau đó.

Ông Shin cho rằng: “Khi Triều Tiên nhượng bộ về phi hạt nhân hóa, đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Mỹ có thể được nối lại bất kỳ lúc nào. Yêu cầu của Mỹ vẫn nhất quán và việc thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ tùy thuộc vào Triều Tiên”.

Triều Tiên chỉ trích Mỹ về việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hủy chuyến thăm tới Bình Nhưỡng. Ảnh: Washington Examiner.

Còn theo ông Hong Min, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, trọng tâm của Tổng thống Donald Trump có thể là kiềm chế Trung Quốc. Chuyên gia này nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc là lý do chính khiến Tổng thống Trump hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo, chứ không phải Triều Tiên hay việc nước này thiếu tiến triển phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump muốn tận dụng quân cờ Triều Tiên để gây sức ép đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang leo thang”.

Đáp lại những phân tích từ Mỹ và Hàn Quốc, giáo sư của Học viện Quan hệ Quốc tế, thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết theo quan điểm của Trung Quốc, hội đàm Mỹ-Triều đến nay không đạt tiến triển là do Mỹ chỉ yêu cầu Triều Tiên phải làm cái này, cái kia, trong khi không đề cập đến việc bản thân mình sẽ làm gì.

Theo ông, đây là lần thứ hai ông Trump công khai tuyên bố vấn đề Triều Tiên không đạt được tiến triển là do sự thiếu hợp tác của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Bình Nhưỡng để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên vào tháng 9 tới. Có thể, ông Trump hy vọng rằng khi các nhà lãnh đạo Trung-Triều gặp nhau vào tháng 9 tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giúp Mỹ thuyết phục Triều Tiên đi đến một thỏa hiệp với Mỹ.

Tuy nhiên, giáo sư này cho rằng hy vọng này của ông Trump sẽ không được đáp ứng. Ông nói: “Mục đích chính của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Triều Tiên là nhằm củng cố quan hệ song phương Trung-Triều.

“Ông Tơ” Moon Jae-in

Trong bối cảnh có nguy cơ đổ vỡ thành quả mà phải mất nhiều công sức các bên liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mới có thể ngồi lại và ra được tuyên bố hồi tháng 6-2018, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc ngày 26-8 cho biết, Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ tìm cách đóng vai trò trung gian tạo đột phá trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng, khi ông dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.

Theo quan chức này, vai trò của Tổng thống Moon Jae-in với tư cách là nhà hòa giải sẽ giúp mở rộng phạm vi hiểu biết chung giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ngày 27-8, một nguồn tin từ Hàn Quốc nói rằng, việc ông Donald Trump bất ngờ hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ “tác động” đến kế hoạch mở một văn phòng liên lạc liên Triều dự kiến ngay trong tháng 8 này. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết Seoul sẽ xem xét lại việc mở văn phòng này, động thái cho thấy có thể có sự chậm trễ trong quyết định về việc này trong bối cảnh xuất hiện bế tắc rõ ràng trong các cuộc đàm phán Mỹ-Triều nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Ông Eui-kyeom nhấn mạnh: “Việc mở văn phòng liên lạc đã được lên kế hoạch trên cơ sở những nỗ lực phi hạt nhân hóa diễn ra êm đẹp, như cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ lần trước, song chúng tôi cho rằng cần xem xét lại việc này một lần nữa vì xuất hiện một diễn biến mới”.

Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới sẽ vẫn theo kế hoạch. Người phát ngôn này nói rằng vai trò trung gian của Tổng thống Moon trong các cuộc đối thoại Mỹ-Triều dường như sẽ lớn hơn sau khi chuyến thăm của ông Pompeo bị hủy bỏ.

Giáo sư Park Won-gon thuộc Đại học Toàn cầu Handong nói: “Tổng thống Moon vẫn sẽ tới Bình Nhưỡng. Triều Tiên sẽ đề nghị nới lỏng lệnh trừng phạt và mở rộng hợp tác liên Triều, song, Hàn Quốc sẽ khó chấp nhận đề nghị này. Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng sắp tới, tôi nghĩ Tổng thống Moon Jae-in cần tập trung tìm cách tạo ra đột phá trong đàm phán Mỹ-Triều Tiên hiện đang đình trệ, bằng việc chuẩn bị một lộ trình chi tiết, trong đó có khung thời gian phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.

Hoa Huyền
.
.