Ấn Độ gia nhập liên minh Five Eyes: Tiến thoái lưỡng nan

Thứ Sáu, 17/07/2020, 10:50
Theo giới phân tích, xung đột biên giới gần đây giữa hai “gã khổng lồ châu Á” – vụ đụng độ gây ra thương vong lớn nhất trong nhiều thập niên qua – có nguy cơ sẽ thúc đẩy Ấn Độ xích lại gần Mỹ, cũng như tính tới việc gia nhập các liên minh do Mỹ lãnh đạo nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, một trong số đó phải kể tới mạng lưới tình báo Five Eyes.

Tuy nhiên, liệu những ràng buộc về thương mại và đầu tư có cho phép Ấn Độ làm điều đó?

Liên minh Five Eyes được hình thành từ một hiệp ước tình báo thời Chiến tranh Lạnh. Ban đầu, đây là một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Anh nhằm giải mã tình báo của Liên Xô. Đến cuối những năm 1950, Canada, Australia và New Zealand đã gia nhập liên minh này. Trong bối cảnh hiện nay, khi Liên Xô không còn và Trung Quốc đang trỗi dậy, liên minh Five Eyes – dưới sự lãnh đạo của Mỹ - đã xoay sang để mắt tới Trung Quốc.

Căng thẳng biên giới kích động tâm lý chống Trung Quốc ở Ấn Độ. Nguồn: dw.com.

Nhằm đối phó với Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và trật tự luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tháng 12/2019, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã đề xuất liên minh tình báo Five Eyes hợp tác với Ấn Độ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giới phân tích Ấn Độ đã nhiều lần đề cập tới ý tưởng Ấn Độ gia nhập liên minh Five Eyes để đối trọng với Trung Quốc. Tuyên bố rằng “Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải mở rộng và đa dạng hóa sân khấu của xung đột này, bài báo cũng đề xuất Ấn Độ nên gia nhập mạng lưới tình báo Five Eyes bởi vì một mạng lưới chia sẻ tin tức tình báo về Trung Quốc rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ở mức độ nào đó, sự gần gũi và quan hệ truyền thống của các nước trong liên minh Five Eyes còn hơn cả của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thậm chí Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, cũng chưa được gia nhập liên minh này. Do đó, nếu được mời tham gia Five Eyes, đây sẽ là cơ hội quan trọng, giúp Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ trước tới nay luôn duy trì một sự độc lập chiến lược, điều đó có nghĩa rằng chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi phải cân bằng các mối quan hệ song phương với Mỹ, cũng như với Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, xung đột biên giới vừa qua với Trung Quốc ở khu vực Đường kiểm soát thực tế ở dãy Himalaya - khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng - có khả năng sẽ thuyết phục Ấn Độ phá vỡ quy tắc đã được duy trì trong nhiều thập kỷ qua là không liên kết với bất kỳ cấu trúc liên minh cụ thể nào phản đối hoặc ủng hộ một bên thứ ba.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng lớn của Ấn Độ vào Trung Quốc có cho phép Ấn Độ dễ dàng tham gia một liên minh do Mỹ đi đầu chống lại Trung Quốc?

Vụ đụng độ gần đây giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo đường biên giới tranh chấp giữa hai nước đã làm dấy lên tâm lý chống Trung Quốc ở Ấn Độ và dẫn tới những lời kêu gọi cấm triệt để việc hợp tác thương mại với Trung Quốc. Liên đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, tổ chức đại diện cho khoảng 70 triệu thương nhân và nhà bán lẻ địa phương, đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và chuẩn bị một danh sách gồm 500 sản phẩm có thể sản xuất tại địa phương thay vì mua từ Trung Quốc. Những đám đông giận dữ đã đập phá và đốt cháy các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất ở nơi công cộng.

Tuần trước, Ấn Độ cũng tuyên bố cấm 59 ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc, bao gồm Tiktok, còn các công ty của Trung Quốc bị ngăn cản không cho tham gia vào các dự án xây dựng đường cao tốc và bị cấm đầu tư vào các doanh nghiệp vi mô, vừa và nhỏ.

Theo các chuyên gia, việc cấm toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc là điều không khả thi do Ấn Độ và Trung Quốc có các mối quan hệ thương mại gần gũi. Thương mại song phương trị giá 88 tỷ USD trong năm tài khóa 2018-2019, nhưng thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên đến 53,5 tỷ USD – mức thâm hụt thương mại lớn nhất của quốc gia này.

Trung Quốc cũng là nguồn xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ. Nước này xuất khẩu hơn 3.000 sản phẩm sang Ấn Độ, bao gồm đồ chơi, mỹ phẩm, túi xách... tới các thiết bị gia dụng, các thành phần dược phẩm quan trọng, linh kiện ô tô và gang thép. Một số công ty Ấn Độ cũng nhập khẩu các nguyên liệu thô từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, và việc cấm triệt để trao đổi thương mại với Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất Ấn Độ bị tổn thương vì làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, Ấn Độ đang trở thành điểm đến quan trọng cho đầu tư của Trung Quốc. Theo tính toán của chính phủ Trung Quốc, chỉ trong 3 năm từ 2014-2017, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần, lên khoảng 8 tỷ USD.

Một nghiên cứu của viện Brookings Ấn Độ công bố hồi tháng 3-2020 chỉ ra rằng con số này thấp hơn nhiều so với thực tế, vì không tính đến đầu tư của Trung Quốc qua các nước thứ ba như Singapore và Mauritius hay đầu tư kiểu liên doanh có sự tham gia của các đối tác Trung Quốc. Nghiên cứu ước tính tổng số tiền đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc và Ấn Độ là 26 tỷ USD.

Phát biểu với CNBC, Nirupama Rao – Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc giai đoạn 2006-2009, nói: “Chừng nào mối quan hệ kinh tế và đầu tư còn tiếp diễn, hai nước sẽ có một mạng lưới quan hệ qua lại rất phức tạp”.

Do đó, bà Rao cho rằng việc “tách rời” khỏi Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Cựu đại sứ này nói thêm rằng, chắc chắn New Delhi sẽ có những biện pháp nhằm hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc trong những lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh của Ấn Độ.

Ấn Độ cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc gia nhập các liên minh do Mỹ đi đầu chống lại Trung Quốc, ví dụ như mạng lưới Five Eyes, bởi có thể gây tổn hại tới mối quan hệ Trung-Ấn, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Kẹt giữa một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và một nước Mỹ ngày càng khó đoán, Ấn Độ cần phải thận trọng khi tìm hướng đi cho mình.

Khánh An (tổng hợp)
.
.