Ấn Độ thúc đẩy “Hành động hướng Đông”

Thứ Tư, 05/02/2020, 18:15
Việc Ấn Độ cương quyết hướng về phía Đông cho thấy nước này mong muốn trở thành một trong những cường quốc kinh tế, quân sự ở châu Á. Tuy nhiên, với tình trạng tài chính hạn hẹp và quá trình thương thảo Hiệp định RCEP gặp bế tắc, chưa kể tới nhiều thách thức khác, Ấn Độ khó có thể trở thành cường quốc đầu tàu ở một khu vực mà từ lâu đã nằm trong vùng ảnh hưởng của nhiều nước lớn khác, trong đó có Trung Quốc.

Không lâu sau khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giới thiệu một sáng kiến trong đó nêu rõ kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự và tập trung phát triển hạ tầng ở khu vực dọc biên giới Đông Bắc. Ngoài mục đích đối phó với mối đe dọa thường trực tiềm tàng về chủ quyền lãnh thổ, việc phát triển khu vực Đông Bắc - nơi cũng là biên giới giữa Ấn Độ và Myanmar và là cửa ngõ để nước này tiến vào Đông Nam Á, mở ra tiềm năng khai thác các thị trường xuất khẩu mới, Ấn Độ còn theo đuổi mục tiêu chiến lược là xây dựng một nền kinh tế trị giá lên tới 5.000 tỷ USD.

Ấn Độ đẩy mạnh các dự án phát triển hạ tầng khu vực Đông Bắc.

Đẩy mạnh hợp tác quân sự

Động lực chính đằng sau chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ  được cho là để cân bằng quyền lực với các nước lớn khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Nền kinh tế trị giá 12.200 tỷ USD của Trung Quốc lớn gần gấp 5 lần so với nền kinh tế của Ấn Độ cho phép Bắc Kinh có thể nhanh chóng mở rộng hoạt động quân sự cũng như đầu tư và cho vay trên toàn lục địa Á - Âu thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Ấn Độ đã thể hiện nỗ lực tìm cách xây dựng quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ hơn với nhiều nước trong khu vực để đảm bảo cân bằng quyền lực. Kể từ năm 2016, Ấn Độ và Mỹ đã ký 2 thỏa thuận quốc phòng mang tính nền tảng, cho phép Ấn Độ tiếp nhận các thiết bị liên lạc quân sự từ Mỹ và trao đổi các thông tin đã được mã hóa trên nền tảng sử dụng chung giữa lực lượng vũ trang hai nước.

Washington và New Delhi cũng nâng cấp cuộc tập trận hàng hải chung Malabar bằng việc mời thêm Nhật Bản, một đối tác quan trọng của Ấn Độ trong khu vực cùng tham gia.

Kể từ năm 2017, Hải quân Ấn Độ đã thực hiện điều quân quanh nă tùy theo nhiệm vụ tới 7 khu vực ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng tích cực tham gia nhiều tổ chức khu vực, trong đó có Sáng kiến vịnh Bengal về hợp tác kinh tế kỹ thuật đa ngành (gồm Thái Lan và Myanmar), Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (gồm cả Singapore, Thái Lan và Australia). New delhi gần đây cũng chào mời Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD nhằm tăng cường kết nối cả trên nền tảng kỹ thuật số cũng như trên thực địa giữa Ấn Độ và 10 nước thành viên ASEAN.

Ngoài những tính toán về an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một mục tiêu nữa trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ là dựa vào phát triển vùng Đông Bắc xa xôi hẻo lánh này để củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ. Trên thực tế, Thủ tướng Ấn Độ Modi tư lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng cho vùng Đông Bắc.

Chỉ ít lâu sau khi nhậm chức, chính phủ của ông đã thành lập Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và cao tốc có chức năng quản lý gần 300 dự án với tổng chiều dài 13.630km đường cao tốc trị giá khoảng 29 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng thúc đẩy kết nối vùng Đông Bắc nước này với khu vực Đông Nam Á thông qua nước láng giềng Myanmar.

Thúc đẩy kinh tế để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ là mục tiêu của chính sách “Hành động hướng Đông”.

Trong kế hoạch này, Ấn Độ đã dành ngân sách xây dựng 2 phần đường và 69 cây cầu trên đường cao tốc kết nối 3 nước Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, đồng thời với cảng Sittwe ở Myanmar để thúc đẩy phát triển thương mại đường biển tới vùng Tây Bengal và các tuyến đường tới Mizoram. Để vùng Đông Bắc ngày càng hội nhập hơn với các khu vực trung tâm Ấn Độ, chính quyền của ông Modi đã âm thầm giải quyết các nhóm nổi dậy tồn tại từ lâu ở khu vực này.

Cửa ngõ vào Đông Nam Á

Việc lấy cơ sở hạ tầng làm chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của vùng Đông Bắc là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng, Ấn Độ về lâu dài có tạo ra được sự bứt phá trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á hay không sẽ còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán hiệp định thương mại. Trong thập kỷ qua, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ luôn cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang các nước ASEAN, khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ với ASEAN tăng gấp 4 lần, từ 5 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2011 lên tới gần 22 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2019.

Nguyên nhân là do những hạn chế của hiệp định thương mại Ấn Độ - ASEAN 2010 mà RCEP sắp tới có thể khắc phục được. Lý do là bởi hiệp định này sẽ tạo ra khu vực tự do hóa thương mại lớn nhất thế giới giữa 10 nước ASEAN và 6 đối tác thương mại là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi ích tiềm tàng nếu tham gia RCEP nhưng Ấn Độ lại đang lưỡng lự do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường việc làm trong nước một khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào. Trước sức ép dư luận trong nước phản đối, tháng 11-2019, ông Modi đã từ chối phê chuẩn RCEP.

Trong bối cảnh địa chính trị Đông Nam Á đầy biến động như hiện nay, tham vọng của Ấn Độ muốn thúc đẩy thương mại với các nước Đông Nam Á sẽ khiến New Delhi tiếp tục theo đuổi chính sách “Hành động hướng Đông” như một phương thức quan trọng để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ trước những “hàng xóm mạnh” cả về kinh tế và quân sự, đồng thời cũng là biện pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc đã bị cố tình “bỏ quên” một thời gian dài. Và đó cũng sẽ là cơ hội cho các nước khu vực Đông Nam Á, với một thị trường lao động dồi dào và rộng lớn.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.