An ninh châu Âu sau vụ khủng bố London

Thứ Sáu, 15/07/2005, 07:02

Nước Anh lại một phen kinh hoàng bởi nguy cơ khủng bố tại Birmingham. Sau vụ khủng bố London ngày 7/7/2005, ý thức về hiểm họa khủng bố thường trực lại được báo động. Và biện pháp chấn chỉnh cũng như tăng cường an ninh một lần nữa được quan tâm triệt để...

Theo báo Anh The Independent, giới chức trách Anh đã nhận diện khoảng 30 tên liên can vụ tấn công London, qua tổng hợp thông tin tình báo từ MI-5, MI-6, Scotland Yard và GCHQ (Trung tâm thông tin chính phủ). Theo điều tra ban đầu, vài tên tình nghi lần này chính là bọn từng dính dáng vụ đánh bom Madrid năm 2004, trong đó có Mustafa Setmariam Nasar 47 tuổi, gốc Syria, có lẽ đang trốn ở Iraq hoặc biên giới Afghanistan - Pakistan.

Từng ở London nhiều năm, có tin Nasar là nhân vật chịu trách nhiệm tổ chức các trại huấn luyện khủng bố ở Afghanistan. Kẻ thứ hai là Mohammed al Gerbouzi, quốc tịch Anh, gốc Moroc, đang bị truy nã toàn cầu bởi tình nghi âm mưu tấn công Casablanca và Madrid. Công bố của nhà chức trách Anh vào chủ nhật 10/7/2005 cho biết thêm, vụ tấn công London được thực hiện bằng bom điều khiển từ xa chứ không phải bom liều chết.

Với giới điều tra và chuyên gia chống khủng bố, vấn đề phức tạp đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu ở chỗ hầu hết thành phần khủng bố đều là dân Hồi giáo địa phương. Liên tiếp từ sau vụ khủng bố nước Mỹ 11/9/2001, châu Âu đã thộp cổ nhiều gương mặt tình nghi, tại Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan... nhưng sự trà trộn tinh vi của bọn khủng bố trong cộng đồng Hồi giáo địa phương đã khiến khó khăn đối với nhà chức trách bị nhân lên bội phần. Trước vụ khủng bố London 7/7, tờ The Observer số ra ngày 19/6/2005 từng cho biết, châu Âu chứ không phải Trung Đông, Bắc Phi hoặc châu Á, mới là trung tâm của chiến dịch tuyển mộ lực lượng khủng bố!

Theo The Observer, có đến 21 tổ chức khủng bố đang hoạt động trên đất châu Âu, chủ yếu gồm thành phần di cư từ các quốc gia Hồi giáo ở Bắc Phi như Algeria, Moroc và Tunisia. Ngày 17/5/2005, Bộ trưởng Nội vụ Đức Otto Schily cũng đánh động rằng, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” cho an ninh quốc gia. Trong báo cáo về vấn đề này, Otto Schily cung cấp vài con số khiến giới an ninh phải rợn tóc gáy: số thành viên thuộc các tổ chức Hồi giáo quá khích ở Đức lên đến 31.800 người và số người nước ngoài sống ở Đức thuộc thành phần tình nghi khủng bố lên đến 57.500 người.


Ngày 24/1/2005, Cảnh sát Đức đã bắt được vài tên tình nghi, trong đó có một kẻ thú nhận từng được đào tạo tại Afghanistan thời Taliban. Từ tháng 12/2004 đến nay, Đức đã bắt ít nhất 30 tên liên can hoạt động khủng bố hoặc dính dáng tới các tổ chức Hồi giáo quá khích, trong đó có 6 thành viên thuộc nhóm Ansar al-Islam. Vài tuần gần đây, Cảnh sát Pháp cũng bắt một số thành viên Ansar al-Islam. Theo Asia Times, nhóm Chiến đấu và cầu nguyện (Algeria) từng liên minh với nhóm Abu Musab al-Zarqawi (trùm khủng bố tại Iraq) với chiến dịch tấn công người mang quốc tịch Pháp tại Iraq.


Tại Anh, vụ tấn công khủng bố bất ngờ vào ngày 7/7 cho thấy bọn khủng bố thật ra đã lợi dụng an ninh có phần lỏng lẻo bởi phải dồn cho công tác bảo vệ các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 (Scotland), chứ không phải nhà chức trách Anh lơi lỏng sứ mạng bảo vệ an ninh quốc gia. Trong thực tế, cuối tháng 6/2005, Cảnh sát Anh đã thộp cổ một tên tại Manchester với tội tuyển dụng thành phần đánh bom liều chết. Một trong những lý do khiến cuộc chiến chống khủng bố của châu Âu chưa thành công bằng Mỹ là do một số hạn chế liên quan pháp lý. Theo Chánh án chống khủng bố hàng đầu của Pháp - Jean-Louis Bruguiere - vài nghiệp vụ chuyên biệt chẳng hạn cài máy nghe trộm nên được hợp pháp hóa tại Anh.

Ngoài công tác tình báo - nhiệm vụ không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thành lập tổ chức chuyên trách chống khủng bố dưới sự chỉ huy của Guy de Vries. Một trong những biện pháp mang tính chiến lược lâu dài của Guy de Vries là tuyên truyền ngăn chặn thế hệ trẻ Hồi giáo châu Âu không bị lừa bịp và bị “tiêm chích” vô số ý tưởng bệnh hoạn ảo tưởng để đi theo cái gọi là “Thánh chiến”. EU cũng thành lập một “trung tâm tình huống” đảm trách chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia trong khối cũng như với tình báo Mỹ.

 

Washington Post cho biết, chỉ huy sở của “trung tâm tình huống” hiện đặt tại Paris với sự cộng tác đều đặn của CIA. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề vẫn là tổ chức tốt mạng cảnh sát chống khủng bố - một hệ thống an ninh liên ngành. Theo Time, ngay sau vụ khủng bố Madrid tháng 3/2004, Chính phủ Anh đã chi bổ sung 22 triệu euro cho lực lượng cảnh sát chống khủng bố. Tại Rome, người ta đã dựng rào chắn bêtông bên ngoài các cơ quan trọng yếu của chính phủ. Còn ở Cộng hòa Czech, chính sách thắt chặt kiểm tra thông hành cũng đã thực hiện.

 

Trong thực tế, châu Âu có một quá trình “sống chung” với khủng bố, từ lực lượng Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) ở Anh, các nhóm ly khai gốc Algeria ở Pháp đến thành phần ETA tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm đối phó hành động khủng bố nhưng thực trạng hiện thời vẫn khiến châu Âu lúng túng, bởi thành phần khủng bố bây giờ không lộ diện như IRA hoặc ETA mà là một bọn hèn hạ nấp trong bóng tối. Vấn đề còn gặp khó khăn ở yếu tố tôn giáo.

Trong 15 triệu người Hồi giáo sống tại châu Âu, biết ai là “phe mình” hoặc “phe địch”? Dù thế nào, như ý kiến của cây bút bình luận Newsweek Fareed Zakaria, những quả bom khủng bố có vẻ cho thấy bọn khủng bố vẫn liều lĩnh và những người chống chúng có phần mất cảnh giác. Bất luận thế nào lực lượng khủng bố cũng là một bọn phi nhân tính chỉ đủ “khả năng” giết hại dân thường không thể làm điều gì to tát hơn!

Mạnh Kim
.
.