An ninh lương thực thế giới trước thách thức mới

Thứ Tư, 05/11/2008, 16:15
Ngày Lương thực thế giới năm nay rơi đúng vào lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở mức độ nghiêm trọng, sự bấp bênh của tình hình tài chính làm cho mọi người càng lo lắng về chi tiêu lương thực và nhiên liệu không ngừng leo thang. Ngoài biến đổi khí hậu và năng lượng sinh học, khủng hoảng tài chính thế giới lại là một thách thức nữa đặt ra cho vấn đề an ninh lương thực.

Phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới năm nay (16/10), Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) Jacques Diouf nêu rõ, không còn nghi ngờ gì nữa, khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ tác động tới kinh tế vĩ mô của các nước đang phát triển, đặc biệt sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa cho an ninh nông nghiệp và lương thực.

Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay của FAO là "An ninh lương thực thế giới trước những thách thức mới" nhằm nhắc nhở mọi người về những mối đe dọa có thể gây ra đối với an ninh lương thực.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có nguy cơ làm cho tình hình khan hiếm lương thực thêm trầm trọng. Nguyên nhân đầu tiên là tại các nước phát triển, do thiếu tín dụng, nông dân không thể mua hạt giống, phân bón để nâng cao sản lượng. Việc đầu tư, mở rộng canh tác ở các nước nghèo cũng gặp khó khăn khi mà các nguồn tài trợ quốc tế cho nông nghiệp bị suy giảm.

Mặt khác, lương thực thế giới năm nay bội thu và kinh tế thế giới phát triển chậm lại, sản phẩm sơ chế giảm giá. Điều này rất có thể khiến các nước xuất khẩu lương thực chủ yếu trên thế giới giảm thiểu diện tích trồng lương thực và giảm sản lượng lương thực, do đó sẽ dẫn đến cơn sốt tăng giá lương thực mới trong năm tới.

Cảnh báo của Tổ chức nhân đạo Anh Oxfam nhấn mạnh rằng, hiện nay trên thế giới có khoảng 967 triệu người đang bị thiếu ăn. Chỉ riêng trong năm 2008 đã có thêm 119 triệu người rơi vào cảnh bần hàn không có cái ăn, do giá các nông sản tăng vọt.

Bà Barbara Stocking, Tổng giám đốc Oxfam nhận định, giá lương thực lên cao đã gây ra hậu quả ghê gớm đối với một số bộ phận dân chúng. Thế nhưng, tình trạng thiếu lương thực này dường như mới chỉ là khởi đầu.

Ông Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế thuộc FAO cho rằng: "Điều mà chúng ta đã chứng kiến trong năm nay, với các vụ nổi loạn vì đói, không phải là một cuộc khủng hoảng mà đấy mới chỉ là một tín hiệu báo động. Nếu thế giới có khủng hoảng lương thực trên quy mô lớn, thì cuộc khủng hoảng này còn đang ở phía trước".

Cuộc khủng hoảng lương thực hồi đầu năm 2008 đã góp phần làm cho cộng đồng quốc tế ý thức được những sai lầm của quá khứ và đạt được đồng thuận trên 4 điểm thiết yếu: đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích tự túc lương thực trong mỗi nước, phát triển canh tác lúa; chú trọng đến canh tác trong phạm vi gia đình để bảo đảm lương thực cho những người nghèo khó nhất và cuối cùng là phát triển các phương thức sản xuất bền vững.

Nhưng, cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục trong việc xác định các nguyên nhân làm tăng giá lương thực, về nạn đầu cơ, vai trò của nhiên liệu sinh học hay những thay đổi thói quen tiêu thụ lương thực tại các nước đang trỗi dậy... Do vậy, cộng đồng quốc tế chưa đưa ra được một quyết định nào, các cam kết tài chính cũng không được thực hiện.

Ngoài tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lên tình hình an ninh lương thực toàn cầu hiện nay, FAO cho rằng nông nghiệp đóng một vai trò kép đối với sự biến đổi khí hậu. Thiên tai do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới sản lượng lương thực, đó là sự thách thức đối với an ninh lương thực thế giới. Mặt khác, hoạt động của ngành này lại góp phần làm giảm lượng khí thải nhà kính.

Những năm gần đây, công nghiệp năng lượng sinh học thế giới phát triển nhanh chóng, việc sử dụng năng lượng sinh học đã được coi là một biện pháp nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như giảm thiểu tỉ lệ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã hình thành một thách thức đối với an ninh lương thực thế giới.

Báo cáo về "Thực trạng lương thực và nông nghiệp năm 2008" do FAO công bố mới đây nêu rõ, để thực hiện an ninh lương thực thế giới, bảo hộ nông dân nghèo, thúc đẩy nông thôn phát triển toàn diện và thiết thực đảm bảo môi trường phát triển bền vững, cần phải xem xét lại chính sách năng lượng sinh học.

Báo cáo viết, trong thời gian từ năm 2000 đến 2007, sản lượng nhiên liệu sinh học lấy nông phẩm làm cơ sở đã tăng gấp 4 lần, hiện nay chiếm tới 2% nhiên liệu vận tải trên thế giới, và còn sẽ tiếp tục gia tăng. Mặc dù vậy, tỉ lệ đóng góp của nhiên liệu sinh học vẫn có hạn, nhưng nhu cầu về nguyên liệu nông nghiệp của nhiên liệu sinh học sẽ tiếp tục gia tăng trong 10 năm tới, điều này sẽ gây thêm áp lực cho giá lương thực.

Báo cáo còn cho rằng, sự tăng trưởng về nhu cầu nhiên liệu sinh học sẽ dẫn đến giá nông sản tăng lên. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước đang phát triển, khiến nông nghiệp của các nước đang phát triển trở thành động cơ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Nhưng báo cáo đồng thời nêu rõ, việc phát triển nhiên liệu sinh học đứng trước rủi ro, trước hết là vấn đề an ninh lương thực.

Theo nhiều chuyên gia, để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô lớn trong tương lai, phải tìm cách giảm bớt các biến động giá cả. Giải pháp có thể là sử dụng các kho dự trữ khu vực để đưa hàng ra thị trường khi xảy ra mất cân đối giữa cung và cầu.

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy sự cần thiết của một cơ chế điều tiết trên phạm vi toàn cầu. Vậy tại sao lại không làm tương tự trong lĩnh vực lương thực?

Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế có trụ sở tại Washington cho rằng, để có thể giảm và ổn định giá nông sản, phải có sự phối hợp trên quy mô toàn cầu và đề ra những quy định về hoạt động đầu cơ, lập kho dự trữ ngũ cốc. Tuy nhiên, những ý kiến này không phải lúc nào cũng được lắng nghe

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)
.
.