Anh - EU và nỗ lực định hình quan hệ hậu Brexit!

Thứ Ba, 21/04/2020, 10:41
Anh và Liên minh châu Âu cơ bản đã thống nhất được lộ trình cho các vòng đàm phán tiếp theo. Sau các cuộc gặp này, hai bên sẽ có một cuộc họp cấp cao vào tháng 6 để đánh giá kết quả trước khi đưa ra quyết định cuối cùng có trì hoãn hay không thời gian chuyển tiếp hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).

Mặc dù Thủ tướng Anh Boris Johnson cho đến nay vẫn khẳng định không có chuyện hoãn ngày kết thúc thời gian chuyển tiếp dự kiến diễn ra vào 31-12-2020, song một số nhà quan sát cảnh báo rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến cho một thỏa thuận nhanh chóng là không thể. Chưa kể hiện phía Anh đang muốn nhắm đến một số thỏa thuận riêng biệt, trong khi EU muốn có một thỏa thuận tổng thể.

Thống nhất lộ trình đàm phán

Ngày 15-4, ông Michel Barnier - trưởng đoàn đàm phán của EU và ông David Frost - trưởng đoàn đàm phán của Anh đã có cuộc điện đàm chốt lại thời gian cụ thể cho các vòng đàm phán thông qua hình thức họp trực tuyến, theo đó lịch trình sẽ diễn ra vào các ngày 20-4, 11-5 và 1-6, với mỗi vòng đàm phán sẽ kéo dài một tuần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các nước thành viên EU đang thực hiện lệnh phong tỏa nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19, cuộc tiếp xúc giữa hai bên chỉ giới hạn trong việc làm rõ hơn về các đề xuất của nhau, không đề cập đến vấn đề liệu có kéo dài thêm thời gian chuyển tiếp hậu Brexit đến sau năm 2020 hay không, mặc dù sức ép đang đè nặng lên Chính phủ Anh về việc đề nghị EU để kéo dài thời gian chuyển tiếp nhưng không trì hoãn Brexit nữa.

Giới phân tích cho rằng việc kéo dài thời gian chuyển tiếp thực tế ngày càng cho thấy đó là một yêu cầu có lý. Thỏa thuận rời EU của Anh được Thủ tướng Boris Johnson và các nhà lãnh đạo EU nhất trí hồi năm 2019 cho phép có thể gia hạn thời kỳ chuyển đổi tối đa lên tới 2 năm - đồng nghĩa với việc giữ Anh ở lại thị trường chung và liên minh thuế quan EU cho đến tận cuối năm 2022.

Tuy nhiên, hiện Thủ tướng Anh Boris Johnson kiên quyết cho rằng ông sẽ không bao giờ sử dụng đến khả năng này - và đã viết trong luật của Anh rằng ngày chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp là ngày 31-12-2020.

Ngoài hoàn cảnh các cuộc đàm phán đã bị gián đoạn đáng kể do đại dịch COVID-19, quan điểm của Thủ tướng Johnson về tương lai quan hệ Anh-EU dựa trên thỏa thuận thương mại sẽ tạo ra quy định đường biên giới cứng giữa Anh và EU, đòi hỏi các doanh nghiệp thích nghi với những quy trình hải quan và các quy định kiểm tra.

Nước Anh lập luận rằng đây là cái giá xứng đáng để đổi lấy chính sách thương mại độc lập. Tuy nhiên, chính phủ sẽ phải quyết định xem liệu có nên giữ nguyên lập trường này trong bối cảnh những tác động nặng nề do lệnh phong tỏa mang lại đã ảnh hưởng rất lớn cho thành phần kinh tế tư nhân hay không.

Chiến lược ra đi của nước Anh đã xác định rõ bất kỳ việc gia hạn nào đều phải được đàm phán và thông qua vào cuối tháng 6 này. Anh và EU cần đàm phán về “đóng góp tài chính” mà Anh cần phải trả cho EU để đổi lại quyền được tiếp cận vào thị trường chung châu Âu. EU cũng cần thông qua các thủ tục nội khối của mình, trong đó bao gồm cả việc nhận được sự tán đồng chính thức từ Hội đồng EU.

Ông Michel Barnier dẫn đầu đoàn đàm phán của EU trong vòng đàm phán lần này với các quan chức Anh.

Sẽ là bao lâu?

Chắc chắn sẽ phải ít hơn 2 năm. Hiện không có thời gian hạn định tối thiểu nào được quy định trong thỏa thuận rời EU của Anh, do vậy nếu muốn, Chính phủ Anh có thể đề nghị kéo dài thêm vài tháng để bù cho thời gian đàm phán bị gián đoạn do COVID-19. Tuy nhiên, khi việc gia hạn này được thông qua thì không thể yêu cầu tiếp tục gia hạn thêm lần nữa. Thỏa thuận Brexit của Anh không cho phép đề nghị gia hạn thời hạn nhiều lần.

Hiện nay, Anh vẫn còn là thành viên của EU nhưng không còn có đại diện của mình tại các cơ quan của EU nữa và không còn quyền bỏ phiếu thông qua các vấn đề của EU. Ngoài ra các quyền lợi khác của Anh sẽ thay đổi khi EU bắt đầu bước vào chu kỳ ngân sách 7 năm của mình bắt đầu từ năm 2021. Anh sẽ không còn được hưởng các chế độ trong ngân sách mới và cũng như sẽ tự động không còn nằm trong các chương trình của EU mà Anh có đóng góp tài chính nữa, thậm chí cả khi nước Anh có gia hạn thời gian chuyển tiếp.

Điều này có nghĩa là nước Anh không còn nằm trong diện được hưởng chính sách nông nghiệp chung của EU hoặc từ các quỹ tài trợ khu vực của EU nữa. Anh sẽ trở thành “nước thứ 3” trong quan niệm của EU. Anh chỉ có thể tham gia vào các chương trình như chương trình chân trời châu Âu về hợp tác nghiên cứu và khoa học mở cho các nước không phải là thành viên của EU tham gia. Lợi ích chính của việc kéo dài thời gian chuyển tiếp là Anh sẽ vẫn được ở trong thị trường chung và liên minh thuế quan châu Âu.

Thỏa thuận rời khỏi EU của Anh cũng không nói gì đến phương pháp tính toán về số tiền Anh sẽ phải trả cho EU mà để đưa việc này ra bàn thảo giữa hai bên tại các vòng đàm phán sắp tới. Các nhà ngoại giao EU cho biết điểm xuất phát của các nhà đàm phán EU sẽ là xem xét Anh sẽ trả cho ngân sách EU bao nhiêu tiền như là một nước thành viên, sau đó sẽ tính đến yếu tố Anh nằm ngoài các chương trình được hưởng từ ngân sách EU và không được hưởng lợi gì từ các chương trình đó.

Theo số ước tính từ thư viện của Hạ viện Anh, mức đóng góp thực của Anh cho ngân sách châu Âu sau khi đã trừ các khoản Anh được nhận lại thông qua các chương trình chính sách nông nghiệp chung và các chương trình của EU trung bình là 7,9 tỷ bảng/năm trong các năm từ 2013-2017. Tuy nhiên, mức độ chi trả của Anh cho ngân sách châu Âu sắp tới sẽ phụ thuộc vào việc Anh sẽ tham gia những chương trình nào và thời gian chuyển tiếp sẽ kéo dài bao lâu.

Quang Nguyễn
.
.