Anh: Hai bài toán khó cho Thủ tướng David Cameron

Chủ Nhật, 21/09/2014, 15:35

Nếu đa số người Scotland đánh dấu "Đồng ý" trong lá phiếu trưng cầu chỉ có một câu hỏi duy nhất, Scotland sẽ trở thành quốc gia độc lập, tách khỏi Vương quốc Anh, kéo theo nhiều vấn đề rắc rối, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Anh David Cameron. Trong khi đó, vụ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu con tin người Anh David Haines cũng đang tạo thêm sức ép chính trị từ một hướng khác.

Thủ tướng Anh David Cameron đã và đang làm nhiều cách để cố gắng lôi kéo người dân Scotland quyết định "ở lại" với Vương quốc Anh. Chiều ngày 15/9, ông Cameron đã cấp tốc bay đến Edinburgh, Scotland, để đích thân vận động người dân Scotland "suy nghĩ lại".

Tại Edinburgh, ông Cameron sẽ có một cuộc "đấu tay đôi" với ông Alex Salmond, Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP), Đệ nhất Bộ trưởng Scotland, người đứng đầu phe chủ trương ly khai đang hừng hực khí thế trước ngày trưng cầu dân ý. Ông Cameron đã đưa ra các lập luận cảnh báo dân Scotland về vấn đề khó khăn kinh tế mà họ có thể gặp phải nếu quyết định độc lập, tách khỏi Vương quốc.

Tuy nhiên, khả năng thuyết phục của ông Cameron sẽ bị thử thách trước lý luận ly khai đang chiếm ưu thế mạnh mẽ ở Scotland, và dân Scotland hiện đang tràn đầy tự tin dựa vào các trữ lượng dầu mỏ ở Biển Bắc để duy trì khả năng tự lực về kinh tế.

Trong khi đó, ngay trước khi ông Cameron đến Scotland, Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đã lên tiếng "khuyên" dân Scotland nên "suy nghĩ thật kỹ về tương lai". Lời khuyên này có thể được hiểu như một lời thỉnh cầu của Nữ hoàng mặc dù bà vẫn giữ nguyên tắc trung lập đối với các vấn đề chính trị của Vương quốc Anh.

Phe chủ trương độc lập tuyên bố Scotland sẽ vẫn duy trì Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia. Vì thế, lời kêu gọi của Nữ hoàng sẽ không có tác động nhiều đối với thành phần chủ trương ly khai, mà chủ yếu tác động vào thành phần đang phân vân (chiếm khoảng 9 - 10% số phiếu) nhằm làm lệch cán cân về phía chủ trương duy trì liên hiệp với Vương quốc Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron và Đệ nhất Bộ trưởng Scotland Alex Salmon, ai sẽ thắng?

Nếu dân Scotland bỏ phiếu "Đồng ý" vấn đề ly khai, hậu quả trước tiên của nó có thể sẽ là việc Thủ tướng Cameron phải từ chức, và Thủ tướng Cameron đã tuyên bố "nhấn mạnh" rằng, ông sẽ không từ chức. Nhưng như thế thì ông Cameron sẽ đối mặt với áp lực chính trị từ cả trong nội bộ đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đối lập. Một số nhân vật cao cấp trong nội bộ đảng Bảo thủ cho biết, ông Cameron có thể sẽ đối mặt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, vì lý do là đã không thể ngăn được cuộc trưng cầu diễn ra.

Những vấn đề nghiêm trọng khác về mặt chính trị cũng sẽ phát sinh nếu dân Scotland đồng ý ly khai. Trước tiên, Hiến pháp Anh sẽ phải sửa đổi để thể hiện một Vương quốc Anh mới không có Scotland, và kéo theo đó là các biểu trưng chính trị cũng phải thay đổi theo, chẳng hạn như quốc kỳ Anh sẽ không còn các vạch chéo màu trắng và nền xanh dương. Scotland là lãnh thổ thành phần lớn thứ hai trong Vương quốc Anh tính đến nay, nếu không còn Scotland, vị thế nước Anh sẽ yếu đi phần nào trong Liên minh châu Âu gồm 28 quốc gia.

Nghiêm trọng hơn cả, nếu Scotland có thể trưng cầu độc lập được, các thành viên còn lại trong Vương quốc Anh như Xứ Wales và Bắc Ireland cũng sẽ tính đến chuyện tương tự, và vấn đề "đi hay ở" trong EU đối với nước Anh lại được đặt ra gay gắt hơn.

Nhà nước Hồi giáo (IS) là mối đe doạ khủng bố mới cực kỳ nguy hiểm.

Mặt khác, khi Scotland độc lập, quốc gia Tây Âu non trẻ này sẽ trở thành thách thức mới về nhiều mặt đối với không chỉ nước Anh mà cả EU và NATO. Chắc chắn, Scotland sẽ không được mặc nhiên trở thành thành viên của cả EU và NATO, nhưng việc đó có thể xảy ra nếu Scotland nộp đơn xin gia nhập và quy trình kết nạp thành viên cũng sẽ diễn ra trong nhiều năm, nhanh nhất có thể là 18 tháng đối với việc gia nhập EU. Vấn đề khó khăn sẽ là việc Scotland đang chủ trương "phi hạt nhân" trong khi khối NATO đòi hỏi trang bị vũ khí hạt nhân.

Đúng là năm vận tháng hạn của Thủ tướng Cameron vẫn còn khá nặng. Không chỉ vấn đề Scotland đòi độc lập, ông Cameron còn đang gặp phải một vấn đề khác cũng nan giải không kém, đó là cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang trở thành lực lượng khủng bố đe dọa an ninh chính công dân Anh.

Tình hình đã thật sự nóng bỏng sau khi IS tung video cảnh hành quyết con tin nhân viên cứu trợ người Anh, David Haines, hôm 13/9. Thủ tướng Cameron đã từng tuyên bố "sát cánh cùng nước Mỹ" trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo sau khi con tin người Mỹ thứ hai bị "chặt đầu", đồng thời cái tên David Haines được đưa ra. Lần này, ngay sau khi tuyên bố đã hành quyết Haines, IS nêu lên cái tên tiếp theo sẽ phải chết: Alan Henning, một tình nguyện viên cứu trợ người Anh khác cũng bị bắt cóc ở Syria vào tháng 12/2013.

Sức ép đối với vấn đề IS đang gia tăng lên Thủ tướng Cameron đòi hỏi ông phải có quyết định nhanh và dứt khoát, có kế hoạch, mục tiêu được tính toán chính xác, rõ ràng. Cameron từng mắc một sai lầm vào năm ngoái, khi quyết định theo Mỹ đòi tấn công Syria và bỏ qua mối đe dọa tiềm ẩn IS đang bắt đầu nhen nhóm ở Iraq. Sai lầm đó đã buộc Cameron phải trả giá bằng thất bại ê chề của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử địa phương.

Trong tình hình hiện nay, ông Cameron chắc chắn sẽ phải cương quyết hơn. Ông đã thể hiện thái độ đó trong bài phát biểu vào ngày 14/9 lên án hành động của IS và thề với "quyết tâm sắt thép" sẽ tiêu diệt IS đến tận cùng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Cameron lại bác bỏ lời đề nghị tham gia cùng với Mỹ ném bom IS ở Iraq và Syria. Sự do dự này đang tạo nên những lời dè bỉu, xầm xì ra vẻ bất bình. Có ai biết được Thủ tướng Cameron đang suy tính điều gì. Có lẽ cái "dớp" theo đuôi Mỹ trong mọi cuộc chiến can thiệp quân sự ở nước ngoài đã làm cho ông Cameron ngần ngại.

Giới bình luận cho rằng, IS hiện nay đang là mối đe dọa nguy hiểm hơn nhiều so với cách đây một năm, không chỉ đối với công dân Anh bị bắt cóc ở Iraq và Syria mà còn là những nguy cơ từ lực lượng thánh chiến người Anh sẽ hồi hương. Nếu không quyết định dứt khoát, cái giá phải trả của Thủ tướng Cameron còn cao hơn, vì niềm tin của người dân Anh vào các quyết định mang tính sống còn của Thủ tướng Cameron sẽ sụt giảm nghiêm trọng

An Châu (tổng hợp)
.
.