Anh với EU đều muốn “thoát” Brexit?
Mối quan tâm thứ yếu?
Ngày 27-10, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier, đã nối lại đàm phán với người đồng cấp Anh tại London, trong một nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại vào phút chót trong bối cảnh chỉ còn chưa đến 10 tuần nữa là Anh sẽ ra khỏi quỹ đạo của nhóm này.
Anh sẽ “thực sự” rời khỏi EU vào tháng 1-2021, tuy nhiên hai bên vẫn đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm kiểm soát gần một nghìn tỷ USD kim ngạch thương mại song phương hằng năm giữa hai bên trước khi Anh trở thành thành viên không chính thức.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh ngày 26-10 cho biết: “Còn rất nhiều công việc cần hoàn thành nếu chúng ta muốn thu hẹp những sự khác biệt chính trong quan điểm của hai phía đối với những lĩnh vực khó khăn nhất, và thời gian còn lại là rất ngắn”.
Các cuộc đàm phán đang đạt một số tiến triển nhưng các bên vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clement Beaune, tuần trước cho biết EU muốn kết thúc các cuộc thảo luận vào ngày 31-10 để dành cho Quốc hội của 27 nước thành viên EU đủ thời gian để phê chuẩn. Ông cũng cho hay phía Brussels sẽ dành cho cuộc đàm phán thêm một vài ngày nữa trong đầu tháng 11, song EU muốn nhanh chóng biết kết quả.
Brussels cho biết họ đã sẵn sàng cấp cho London một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch để nước này được tiếp cận thị trường EU. Đây là một thỏa thuận tốt hơn so với phiên bản EU đưa ra cho Canada nhưng chỉ khi nước Anh sẵn sàng chấp nhận các tiêu chuẩn và quy định của EU.
Các cuộc đàm phán đã được nối lại vào tuần trước sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ bỏ thời hạn giữa tháng 10 mà ông từng cố gắng áp đặt cho việc hoàn tất đàm phán. Nhưng, không bên nào chịu lùi bước trong những vấn đề vẫn còn gây chia rẽ, chẳng hạn như các điều khoản về “sân chơi bình đẳng” để đảm bảo Chính phủ Anh không rút lui khỏi các tiêu chuẩn về môi trường, quyền lợi người lao động, trợ cấp chính phủ và cách thức giải quyết tranh chấp trong tương lai của EU. Hai bên cũng cần giải quyết vấn đề về quyền tiếp cận vùng biển đánh cá của nước Anh dành cho các tàu EU.
Phải chăng, khi EU sốt sắng đẩy nhanh Brexit đến vậy cho thấy Brexit không còn quá quan trọng với khối này và đây chỉ còn là vấn đề thứ yếu?
Đối với EU, hiện có nhiều mối quan ngại hơn vấn đề Brexit. Đức giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng châu Âu trong nửa cuối năm 2020 và giai đoạn này là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Đức Merkel thể hiện phẩm chất lãnh đạo của mình tại EU. Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn là một vấn đề cấp bách đối với EU nhưng việc xử lý các vấn đề y tế chủ yếu vẫn trong khuôn khổ quốc gia. Ủy ban châu Âu đang tiến hành tốt việc phân bổ số vốn 750 tỷ euro gây tranh cãi hồi đầu năm nay để chống lại tác động của COVID-19 đối với 27 quốc gia thành viên.
Sự quan tâm lớn nhất của bà Merkel là những bất đồng và chia rẽ trong châu Âu về cách đối phó với những người xin tị nạn, đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cải thiện mọi thứ, từ công nghệ và khả năng cạnh tranh đến nhân quyền và căng thẳng ở phía Đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó mới đến Brexit.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã dành thời gian thảo luận về biến đổi khí hậu, qua đó nhất trí đẩy nhanh hành động của tất cả 27 quốc gia thành viên và “tạo ra một sân chơi bình đẳng ngăn ngừa rò rỉ carbon”. Hiện tại, EU cam kết giảm 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Tuần trước, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí hướng tới việc đặt ra mục tiêu cắt giảm lớn hơn tại cuộc họp vào tháng 12 tới.
Nước Anh cũng có nhiều vấn đề đau đầu liên quan tới mối quan hệ với Mỹ và các quốc gia khác. |
“Mớ bòng bong” của London
Trước một EU không mấy mặn mà như vậy, Anh cần phải làm gì để Brexit “đầu xuôi, đuôi lọt”? “Càng sớm càng tốt” cũng là một định hướng mà London đưa ra trong cuộc đàm phán với EU trong giai đoạn này. Bên cạnh Brexit, hiện nay, trong bối cảnh mới, London cũng còn có rất nhiều ưu tiên cần phải tính đến.
Tình hình nước Mỹ cộng với việc thời hạn chót cho nước Anh nhất trí tương lai mối quan hệ với EU đang đến gần, khiến vấn đề vai trò của nước Anh sẽ ra sao một lần nữa lại trở thành một chủ đề nóng trên chính trường Anh. Nước Anh sắp rời khỏi liên minh thuế quan EU cũng như các dự đoán về kết quả cuộc bầu cử Mỹ khiến nhiều thành viên trong Chính phủ Anh lo ngại về sự hờ hững trong quan hệ đồng minh gần gũi đặc biệt vốn có giữa Anh và Mỹ.
Vấn đề thương mại quốc tế cũng là một câu hỏi đối với London. Liệu có phải Chính phủ Anh chỉ tìm kiếm các thỏa thuận tự do hóa thương mại với những nước có chính sách bảo vệ môi trường và thị trường lao động thuộc top đầu? Nước Anh có thực sự muốn một thỏa thuận thương mại với Mỹ cho dù có những bất đồng về tiêu chuẩn thực phẩm và phúc lợi xã hội? Liệu nước Anh sẽ tìm kiếm để trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
Với những ủng hộ từ Australia và Nhật Bản, việc tham gia của Anh vào CPTPP có khả năng trở thành hiện thực hơn là đối với thỏa thuận thương mại với Mỹ và điều này được cho là biểu tượng của sự tự tin của Anh về chính sách thương mại mới. Trở thành một nước tham gia có vai trò tại Thái Bình Dương sẽ đặt ra các câu hỏi liên quan đến chính sách của Anh đối với Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại của Anh quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hòa bình và sự phồn vinh của nước Anh mà còn với cả tương lai của những người bạn và đồng minh của Anh. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nước Anh cần phải bước ra thế giới với một sự tự tin.