Arab Saudi sắm vũ khí nhiều nhất Trung Đông

Thứ Tư, 26/10/2016, 17:15
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển vừa cho biết, 5 năm trở lại đây, nhập khẩu vũ khí của Arab Saudi đã tăng 275%, trở thành nước mua sắm vũ khí đứng số 1 khu vực Trung Đông.

Chiếm gần 10% thị phần vũ khí toàn cầu

Kim ngạch mua sắm vũ khí của Arab Saudi chiếm 9,7% thị trường vũ khí toàn thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ. Hiện nay, nước này đang có ý định mua 5 chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ kiểu 2200 do Tây Ban Nha chế tạo, với tổng giá trị 3,3 tỷ USD.

Tàu hộ vệ kiểu 2200 có lượng giãn nước 2.500 tấn, được trang bị công nghệ tàng hình, hệ thống vũ khí chính bao gồm: 1 khẩu pháo hạm 75mm, 1 pháo phòng không tầm thấp 35mm, 2 súng máy hạng nặng, 1 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng với 8 quả tên lửa phòng không và 2 bệ phóng tên lửa chống hạm. Tây Ban Nha là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu vũ khí cho Arab Saudi. Hiện nay, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu cho nước này.

Máy bay chiến đấu hiện đại Raf Typhoon của Arab Saudi.

Washington cũng đã từng chào hàng với quốc gia Trung Đông này 4 chiếc tàu tác chiến ven bờ LCS-1, nhưng phía Arab Saudi chưa nhất trí với giá mà phía Hoa Kỳ đưa ra, hơn nữa thời gian bàn giao tàu quá dài, nên chưa có một hợp đồng mua bán nào về lời mời chào này được ký kết.

Viện  SIPRI cho biết thêm, mục đích mua sắm vũ khí mới của Arab Saudi là dùng vào hành động hỗ trợ quân sự. Chẳng hạn, tháng 3-2015, nước này đã dẫn đầu nhiều nước phát động hành động quân sự mang tên "Cơn bão quyết định" nhằm vào tổ chức khủng bố Houthis tại Yemen và điều hải quân phong tỏa các vùng biển xung quanh để hỗ trợ cho hành động này.

Phiến quân Syria khẩn cầu Arab Saudi

Quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad gần đây đã có chuỗi trận chiến thắng liên tiếp, khiến cho các nhóm phiến quân lao đao, phải chịu những thất bại cay đắng và bẽ bàng, đang rơi vào thế vỡ trận, phải đánh tiếng kêu gọi sự trợ giúp "ngay lập tức" từ Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Các phương tiện truyền thông Saudi Arabia vừa công bố một tài liệu của nhóm phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA) với nội dung kêu gọi sự can thiệp quân sự của Chính phủ Riyadh (Arab Saudi), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Doha ( Qatar) vào Syria.

Hồi mới đây, tờ al-Riyadh (Saudi Arabia) cũng đưa tin về một tuyên bố chính thức của FSA cầu khẩn sự can thiệp quân sự "ngay lập tức" của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar vào Syria. Trong khi đó, nhóm Jabhat al-Shamiya (Sham Front) cũng đang cầu cứu sự trợ giúp của Ankara. Tờ FARS của Iran cho biết, hầu như toàn bộ các nhóm phiến quân ở Syria hiện đều nhận được sự hỗ trợ của Riyadh và Ankara, với các chỉ huy và lãnh đạo chủ yếu là người của 2 quốc gia này.

Năm 2014, quốc gia Trung Đông này là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với ngân sách chi ra là hơn 6,4 tỷ USD.

Trước tình hình thê thảm hiện nay, các phe nổi dậy Syria và cả lực lượng IS, tiếp tục cầu khẩn sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Trước đó, vào đầu tháng 2-2016, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cho biết, họ đã sẵn sàng triển khai bộ binh tới Syria. Ngay sau đó, Damascus, Tehran và Moscow đã đưa ra lời cảnh báo đanh thép đến Riyadh.

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tuyên bố rằng: "Bất kỳ một hoạt động quân sự mặt đất nào ở Syria mà không được Chính phủ Damascus cho phép đều bị coi là một hành động gây hấn". Ông cũng cảnh báo rằng, những kẻ xâm lược đó đều "sẽ trở về nhà bằng quan tài". Tại Tehran, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nhấn mạnh: "Saudi Arabia đã đưa ra tuyên bố có thể đưa quân đội tới Syria, nhưng tôi không nghĩ họ đủ dũng cảm để làm điều đó... Thậm chí cả khi đã đưa bộ binh sang, họ chắc chắn bị đánh bại... Điều đó giống như một hành động tự sát".

Thực tế, mối quan hệ giữa Arab Saudi và Iran từ lâu đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", hai nước luôn ngấm ngầm chống đối, cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. Căng thẳng giữa Tehran và Riyadh lên tới cao trào khi hồi tháng 12-2015, Arab Saudi đã tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite được cho là thân Iran khiến dân chúng nước này nổi giận tấn công đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran. Kết quả là hai quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Đại sứ Bahrain tại Anh, ông Sheikh Fawaz bin Mohammed al-Khalifa, cho biết, đề xuất triển khai quân đến Syria của Arab Saudi có nghĩa là, họ sẽ chiến đấu chống lại cả khủng bố lẫn chính quyền Tổng thống Bashar Assad.

Gần đây nhất, truyền thông nước ngoài đưa tin, Arab Saudi đang chuẩn bị cung cấp vũ khí phòng không cho phe ôn hòa và phe đối lập tại Syria. "Hành động này nhằm triệt tiêu sức mạnh của máy bay chiến đấu quân đội Chính phủ Syria. Một khi phe ôn hòa và đối lập có được những vũ khí phòng không này thì tương quan lực lượng tại Syria sẽ có sự thay đổi", Ngoại trưởng Arab Saudi cho hay.

Mới đây, khi được hỏi về tuyên bố của Arab Saudi sẽ triển khai quân tới Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby cho biết, Washington chưa có thời gian để cân nhắc về đề xuất này, tuy nhiên, hoan nghênh mọi nỗ lực của các nước đối tác trong việc đóng góp vào chiến dịch chống khủng bố.

Cách đây ít lâu, trong một hội nghị kinh tế ở Thuỵ Sĩ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng chỉ trích rằng, nhiều nước thành viên của liên quân đang hoạt động một cách thiếu nhiệt tình và kém hiệu quả.

Trong khi đó, Nga, một nước đang chống lại khủng bố tại Syria nhưng lại bảo vệ cho ông Assad, cho biết, họ đang theo dõi mọi động thái của Arab Saudi sau khi nước này đưa ra tuyên bố trên.

Văn Nguyễn-S.H. (tổng hợp)
.
.