Uy tín Thủ tướng Australia bị ảnh hưởng vì cháy rừng

Thứ Năm, 16/01/2020, 14:37
Vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử Australia vẫn đang diễn ra, chưa có phương án nào có thể giúp dập tắt được ngọn lửa. Thiệt hại do đám cháy bao trùm hai bang lớn là vô cùng lớn cho Australia.

Thủ tướng Scott Morrison cũng đang bị dư luận chỉ trích vì cách ứng phó kém hiệu quả cũng như thiếu tinh thần trách nhiệm đối với khủng hoảng của quốc gia.

Dấu hiệu của sự mất niềm tin của cử tri dành cho Thủ tướng Morrison được thể hiện qua kết quả thăm dò ý kiến cử tri của các tổ chức thăm dò ý kiến. Newspoll hôm 13-1 đã công bố kết quả cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ Thủ tướng Morrison đã tụt giảm mạnh, thậm chí bị lãnh đạo Công đảng đối lập Anthony Albanese qua mặt trong một lĩnh vực đánh giá. 

Cụ thể, có 59% cử tri không hài lòng, 37% hài lòng với cách xử lý tình huống của Thủ tướng Morrison. Về mặt này, lãnh đạo đối lập Albanese cao hơn, với 46% hài lòng, và 37% không hài lòng. Albanese cũng qua mặt ông Morrison ở tiêu chí đánh giá “thủ tướng ưa thích hơn”, với 43% so với 39%.

Thủ tướng Australia Scott Morrison thị sát một khu vực cháy rừng.

So với lần thăm dò gần nhất vào tháng 12-2019, tỉ lệ đánh giá tích cực về Thủ tướng Morrison đã giảm 14 điểm %. Liên minh cầm quyền của ông cũng rớt điểm, bị Công đảng dẫn 51% so với 49%. Các nhà phân tích đánh giá việc ông Morrison bị lãnh đạo đối lập dẫn điểm ở cả 2 tiêu chí đánh giá là một điều không bình thường, nhưng có nguyên nhân từ tình hình khủng hoảng cháy rừng.

Sự sụt giảm tỉ lệ cử tri ủng hộ xuất phát từ cách hành xử thiếu khôn ngoan của ông Morrison trong thời gian xảy ra cháy rừng. 

Với 28 người chết, hơn 2.000 ngôi nhà bị thiêu rụi tính đến thời điểm hiện nay là thiệt hại không nhỏ về con người và tài sản, chưa kể hàng triệu loài động vật chết và hàng nghìn hécta rừng cháy trụi. Thế nhưng, báo chí đưa tin trong lúc dầu sôi lửa bỏng, khi những người lính cứu hỏa liều mình nhằm ngăn chặn đám cháy lan rộng, thì ông Morrison lại có chuyến đi nghỉ 5 ngày tại Hawaii trước thềm Giáng sinh 2019. 

Có lẽ dư luận sẽ không đến nỗi phẫn nộ vì chuyến đi nghỉ đó, chỉ là một cơn giận thoáng qua vì hành động nhất thời của Thủ tướng, nhưng vấn đề đã trở nên nghiêm trọng về mặt chính trị do chuyến đi không được công khai trước dư luận, để đến khi bị báo chí phanh phui mới lên tiếng thừa nhận.

Công đảng đối lập đang gia tăng áp lực công kích ông Morrison. Phó Chủ tịch Công đảng Richard Marles chỉ trích Thủ tướng Morrison hành xử như “kẻ chạy trốn”, “thiếu sự quan tâm đến lợi ích quốc gia” trong thời gian xảy ra khủng hoảng cháy rừng. Marles cho rằng việc Thủ tướng Morrison cho điều động quân đội tham gia cứu hỏa là quá chậm trễ nên đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Rồi sự thiếu tập trung trong khủng hoảng, và sự lỏng lẻo trong công tác chỉ đạo, điều hành khiến ông Morrison không nắm rõ diễn biến cụ thể của cháy rừng, những thiệt hại cháy rừng gây ra trên thực tế. Chính vì vậy mà cơ quan chịu trách nhiệm về cháy rừng ở bang New South Wales đã không nắm rõ được lời động viên khẩn cấp của Thủ tướng. 

Chưa hết, trong chuyến thị sát thực tế tại Cobargo, bang New South Wales, Thủ tướng Morrison còn bị dân chúng địa phương “bắt giò” vì phát ngôn thiếu chính xác, vì ông cho rằng “không ai bị chết trên Hòn đảo Kangaroo”, trong khi thực tế có 2 người chết ở đây.

Dù sao thì Thủ tướng Morrison sau đó cũng đã có hành động để chữa lỗi. Ông đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy và hối thúc các cơ quan chức năng sớm tìm ra phương án ứng phó hiệu quả nhất, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. 

Hôm 12-1, ông Morrison đã thừa nhận rằng ông lẽ ra có thể xử lý vấn đề tốt hơn “trong môi trường cảm xúc căng thẳng” do cháy rừng. Ông Morrison cho rằng ông có thể đề xuất và thông qua đạo luật cho phép lực lượng quốc phòng đóng vai trò chủ động hơn nữa trong hoạt động cứu chữa cháy rừng. 

Người dân Australia bày tỏ không hài lòng đối với Thủ tướng Morrison.

Ngay trong tuần đầu tháng 1-2020, Chính phủ Australia đã động viên 3.000 quân dự bị để tham gia chữa cháy, và Thủ tướng Morrison cũng đã cam kết chi 2 tỉ USD cho công tác khắc phục hậu quả cháy rừng.

Cháy rừng khốc liệt tại Australia được giới nghiên cứu cho là một trong những vụ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Về vấn đề này, Thủ tướng Morrison tuyên bố rằng chính phủ của ông có thể tăng cường các nỗ lực cắt giảm phát thải carbon. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison đang bị dư luận nghi ngờ liệu ông có thực hiện đúng như đã tuyên bố hay không, dựa vào những gì ông đã thể hiện trong thời gian qua. Ông Morrison bị giới chính trị đối lập chỉ trích vì có ý định lợi dụng kẽ hở trong hoạt động kế toán kiểm toán để “xào chẻ” nhằm đạt con số chỉ tiêu phát thải khí nhà kính. 

Tại Hội nghị COP25 vào tháng 12-2019 vừa qua, chính phủ Australia của Thủ tướng Morrison bị nhiều nước chỉ trích là “gian lận”, cùng với một số quốc gia (trong đó có Mỹ) cố tình ngăn cản việc thông qua bộ quy tắc ứng xử chung về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những chỉ trích đó, kết hợp với tình trạng khủng hoảng cháy rừng đang diễn ra tạo thành một “cú đấm kép” đối với quan điểm của Thủ tướng Morrison về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, mà đất nước ông đang phải hứng chịu hậu quả trực tiếp trước mắt. 

Đảng đối lập Công đảng đang có thêm một công cụ để tấn công vào Liên minh cầm quyền và bản thân Thủ tướng Morrison về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, một trong những đề tài chính trị quan trọng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào tại Australia.

An Châu (Tổng hợp)
.
.