Azerbaijan - Địa bàn trọng điểm mới của các cơ quan tình báo quốc tế

Thứ Hai, 27/02/2012, 16:40

Tờ The Times của Anh vừa cho công bố một loạt những tài liệu về hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài, đáng chú ý nhất trong số này có Cơ quan tình báo Mossad của Israel, tại Azerbaijan. Điều gì trên thực tế đã khiến quốc gia nhỏ bé nằm giữa hai lục địa Âu-Á này trở thành một địa bàn hoạt động hấp dẫn của các điệp viên?

Phóng viên Tony Halpin trong bài báo nhan đề "Cuộc chơi khiến tất cả phải mất mát" đăng trên The Times, đã đưa ra đáp án cho câu hỏi trên. Lãnh thổ Azerbaijan đơn giản đang là nơi giao thoa nhiều quyền lợi và mưu tính khác nhau của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Chưa kể Mỹ cũng thông qua Azerbaijan để tập trung khai thác thông tin tình báo về Iran.

Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Aliev lo ngại rằng, Tehran sẽ cổ xúy cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại đây. Azerbaijan còn bày tỏ sự bất an trước nguy cơ các cường quốc phương Tây sẽ tấn công Iran, khiến cho dòng người tị nạn từ quốc gia này tràn sang có thể gây bất ổn cho chính quyền tại Baku.

Chia sẻ mối quan ngại tương tự về làn sóng người tị nạn là nước Nga, khiến họ cũng phải triển khai mọi nỗ lực khai thác thông tin để có thể nắm trước được những kế hoạch của Mỹ và Israel.

"Gián điệp chống lại gián điệp: những cuộc chiến bí mật trên một chiến trường mới của các cơ quan mật vụ" - đó là tiêu đề một bài báo đáng chú ý khác của phóng viên Sheera Frenkel trên The Times. Bài báo có trích dẫn cuộc phỏng vấn Shimon, một trong số hàng chục điệp viên của Mossad đang hoạt động tại Azerbaijan. "Dù không phô trương sự có mặt của mình tại đây, nhưng quy mô hoạt động của chúng tôi tại đây là đáng kể. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã mở rộng sự hiện diện của mình, điều này cho phép chúng tôi tiếp cận gần hơn với Iran".

Arastun Orudjlu, một cựu nhân viên phản gián của Azerbaijan cho rằng, Baku hiện nay đã trở thành một trung tâm của hoạt động gián điệp, tương tự như Nauy trong Thế chiến I và Casablanca trong Thế chiến II. Theo đánh giá của nhân vật này, Azerbaijan đang là nơi hoạt động của hàng ngàn thành viên trong Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, các điệp viên Mossad có số lượng ít hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn. "Người Iran hoạt động gần như công khai, như kiểu muốn cho tất cả biết rằng, họ đang có mặt tại đây" - Orudjlu nhận xét.

Nếu đúng như báo chí đưa tin, Nga, Mỹ và châu Âu đang sử dụng một trạm định vị vô tuyến tại Gabal để theo dõi Iran. "Theo tiết lộ của các quan chức tại Baku, Mỹ đã xây dựng tại Azerbaijan hai cơ sở lớn - một ở phía nam để theo dõi Iran, còn cái khác ở phía bắc để giám sát các động thái của Nga" - The Times cho biết.

Trong thời gian gần đây, căng thẳng đang có chiều hướng gia tăng trong quan hệ Iran-Azerbaijan. Baku đang tỏ ra không hài lòng vì những mối quan hệ của Tehran với Armenia. Tận dụng những trục trặc này, Israel trong 20 năm qua đã rất tích cực phát triển các mối quan hệ hợp tác cả về kinh tế và quân sự với Azerbaijan.

Trong một sự kiện khác, đảng cầm quyền Azerbaijan mới đây còn đề xuất khả năng đổi tên đất nước thành Bắc Azerbaijan, viện cớ rằng khu vực Nam Azerbaijan hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Iran. Tehran trả đũa bằng cách đe dọa sẽ gây chiến với các quốc gia láng giềng, trong đó có cả Azerbaijan, nếu như họ cảm nhận được mối đe dọa của Israel từ lãnh thổ những nước này.

Cũng chính phóng viên Sheera Frenkel, trong một bài báo khác có tên "Mossad đang sử dụng hộ chiếu của Anh làm vỏ bọc cho các điệp viên cao cấp của mình", đã hé lộ nhiều thông tin về hoạt động của tình báo Israel. Còn nhớ sau vụ bê bối tháng 1/2010, Israel đã cam kết, các điệp viên của họ sẽ không sử dụng hộ chiếu của công dân nước ngoài nữa. "Tuy nhiên theo những thông tin mới, nhiều công dân nước ngoài đang có mặt tại Israel, vẫn cho phép các mạng lưới gián điệp sử dụng hộ chiếu của mình, trong nhiều trường hợp còn tự nguyện" - Frenkel khẳng định trong bài báo.

Israel vẫn đang sử dụng hộ chiếu của công dân nước ngoài để làm vỏ bọc cho điệp viên của mình.

Minh chứng cho những thông tin trên là câu chuyện của hai nhân chứng được tiết lộ với điều kiện nặc danh. Chẳng hạn như một công dân Anh, được đặt tên là "Matthew", đã hồi hương về Israel vào năm 2009 và tình nguyện vào phục vụ trong quân đội nước này. Một nữ nhân viên trẻ của Mossad đã đề nghị anh ta cho mượn hộ chiếu. "Tôi đã đồng ý vì tôi là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái nhiệt thành" - Matthew giải thích.

Một năm rưỡi sau, Matthew được nhận lại cuốn hộ chiếu của mình, rất ngạc nhiên khi thấy trong đó có các dấu xuất nhập cảnh tới Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Người phụ nữ từ Mossad còn đề nghị anh ta trong thời gian sắp tới nên tránh các chuyến đi tới những quốc gia trên.

Câu chuyện tương tự cũng được một công dân Pháp tới Israel vào năm 2011 kể lại. Hộ chiếu của anh ta được trả lại sau một năm có những con dấu của Nga và một số quốc gia khác không thể tiết lộ. "Các quan chức Israel khước từ bình luận thông tin về việc sử dụng hộ chiếu nước ngoài, nhưng cũng không phủ nhận những hành vi trên vẫn từng xảy ra" - The Times bình luận về thủ đoạn hoạt động gián điệp trên của Israel

Thái Quân (tổng hợp)
.
.