BRICS lập cơ chế tài chính riêng

Chủ Nhật, 27/07/2014, 09:30

Một trong những kết quả quan trọng nhất của Hội nghị Cấp cao 5 nước đang phát triển cao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (gọi tắt là BRICS) kết thúc hôm 16/7 là tuyên bố chung về việc thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ dự trữ riêng, hướng đến việc thiết lập lại trật tự tài chính thế giới vốn đang do phương Tây nắm quyền chi phối.

Mục tiêu của việc thành lập ngân hàng phát triển là để hỗ trợ vốn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển. Ngân hàng sẽ đặt trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, và Ấn Độ sẽ nắm quyền điều hành ngân hàng trong 5 năm đầu tiên, sau đó đến lượt Brazil, Nga,… Bên cạnh đó, các nước BRICS cũng thống nhất thành lập quỹ tài chính dự phòng nhằm giúp các quốc gia ứng phó kịp thời khi gặp tình huống cấp bách cần giải ngân.

Theo kế hoạch đã thỏa thuận, ngân hàng phát triển BRICS có tên gọi chính thức là Ngân hàng Tân phát triển (New Development Bank - NDB), có tổng số vốn dự kiến 100 tỉ USD, theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động với mức vốn đăng ký 50 tỉ USD chia đều cho 5 quốc gia thành viên, trong đó các nước sẽ cùng bỏ vào tổng cộng 10 tỉ USD trong 7 năm và 40 tỉ còn lại là tiền bảo đảm.

Ngân hàng dự kiến sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 và sẽ mở rộng kết nạp thêm thành viên mới, nhưng tỉ lệ vốn góp của các thành viên BRICS sẽ không được tụt dưới 55%.

Lãnh đạo các quốc gia nhóm BRICS đồng thuận tạo ra cơ chế tài chính riêng làm đối trọng với phương Tây.

Trong khi đó, quỹ dự trữ khẩn cấp cũng được thành lập và hoạt động theo cơ chế luân phiên, có nghĩa là quỹ sẽ được duy trì trong các quỹ dự trữ của mỗi nước thành viên BRICS và các nước thành viên có thể luân chuyển nhau nắm giữ quỹ để bảo đảm cân đối tài chính khi gặp khó khăn. 

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết, việc thành lập Ngân hàng Tân phát triển song song với quỹ dự trữ khẩn cấp sẽ giúp kiềm chế những bất ổn mà nhiều nền kinh tế khác nhau đang phải đối mặt do bị ảnh hưởng bởi chính sách tài chính của Mỹ. Đây là lúc mà IMF cần phải cải tổ trong phương thức hoạt động, nhưng BRICS không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Đó là lý do BRICS thành lập NDB.

Để quỹ dự phòng khẩn cấp đi vào hoạt động, mỗi quốc gia trong nhóm BRICS, tùy theo khả năng tài chính và quy mô quỹ dự trữ ngoại hối của mình mà có mức đóng góp khác nhau. Cụ thể, Trung Quốc có quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, sẽ đóng góp 41 tỉ USD cho quỹ dự phòng, kế đến là Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi quốc gia đóng góp 18 tỉ USD, và cuối cùng là Nam Phi đóng góp 5 tỉ USD. 

Thượng Hải, một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới, sẽ là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Tân phát triển.

Việc nhóm BRICS xúc tiến xây dựng một cơ chế tài chính riêng xuất phát từ thực tế vốn tài chính đã ồ ạt chảy ra khỏi các thị trường mới nổi vào năm ngoái, từ đó nước Mỹ thu hẹp lại chính sách kích thích kinh tế, làm ảnh hưởng chung đến khả năng hồi phục kinh tế toàn cầu và làm cho các nước đang phát triển gặp khó khăn trong huy động vốn phát triển. Đây có thể được xem là thành quả hợp tác lớn đầu tiên giữa các quốc gia BRICS kể từ khi nhóm này ra đời vào năm 2009 (ban đầu chỉ có 4 nước BRIC, sau bổ sung thêm Nam Phi thành BRICS) nhằm tạo tiếng nói lớn hơn trên trật tự tài chính toàn cầu vốn do các cường quốc phương Tây thiết lập và nắm vai trò chủ đạo kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trong trật tự tài chính đó, hai định chế quan trọng nhất là WB và IMF đã đóng vai trò như những công cụ tài chính thao túng gần như toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Với tổng dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới và tạo ra 1/5 tổng sản lượng toàn cầu và việc thành lập ngân hàng phát triển, các nước BRICS đang cho thấy nhóm quốc gia này có khả năng sẽ trở thành đối trọng hiệu quả với nhóm G7 của các cường quốc phương Tây.

Ở một khía cạnh khác, việc thành lập Ngân hàng NDB và Quỹ dự phòng khẩn cấp cũng nằm trong mục tiêu đối ngoại mới của cả Nga và Trung Quốc khi hai quốc gia này đều đang đối đầu với Mỹ và các cường quốc phương Tây trên các lĩnh vực an ninh, chính trị và kinh tế. Đặc biệt là Nga, nước đang bị Mỹ và châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế do cuộc khủng hoảng tại Ukraina, đang rất cần một cơ chế tài chính riêng kiểu như Ngân hàng NDB và Quỹ dự phòng khẩn cấp như một lối thoát riêng nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt.

Một khi các cá nhân và công ty của Nga không thể giao dịch làm ăn với các đối tác phương Tây do lệnh cấm vận, họ cần chuyển hướng sang các đối tác mới ở châu Á và các khu vực khác ngoài Mỹ và châu Âu. Khi tài sản và việc giao dịch bằng đồng USD đều bị phong tỏa, các công ty Nga sẽ chuyển sang sử dụng hệ thống tiền tệ khác thay thế, như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hay các đồng tiền khác của các quốc gia trong nhóm BRICS.

Giới phân tích đánh giá, nhóm BRICS sẽ còn phải làm nhiều việc nữa để Ngân hàng NDB chính thức đi vào hoạt động một cách trôi chảy, và tình hình hiện tại cho thấy tiến trình xây dựng cơ chế hoạt động hoàn chỉnh cho NDB đang rất thuận lợi. NDB hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ thống đối trọng mới về tài chính của nhóm BRICS với phương Tây

An Tôn (tổng hợp)
.
.