Ba Lan cho phép Mỹ triển khai lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa

Thứ Sáu, 29/08/2008, 10:15
Chiều 20/8 vừa qua, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski và người đồng cấp Mỹ Condoleezza Rice đã đặt bút ký vào thỏa thuận. Theo đó, Ba Lan cho phép Mỹ triển khai lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại nước này.

Mặc dù thỏa thuận này còn phải chờ Quốc hội phê chuẩn và Tổng thống Lech Kaczynski ký mới có hiệu lực, song đó chỉ là vấn đề "thủ tục". Nhưng ngày ký thỏa thuận Mỹ - Ba Lan cũng là thời điểm đóng băng mối quan hệ giữa Ba Lan với Nga.

Nhu cầu tất yếu của Ba Lan?

Tổng thống Bush rất hài lòng với tiến triển này và muốn hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Czech sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2012. Theo kế hoạch của Washington, 10 tên lửa bắn chặn tại Ba Lan sẽ được kết nối với một hệ thống radar tại Cộng hòa Czech nhằm bảo vệ Mỹ và châu Âu trước các cuộc tấn công trong tương lai. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Lech Kaczynski trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tái khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu không phải là mối đe dọa bởi nó không nhằm vào bất cứ ai.

Vậy là sau khoảng 18 tháng đàm phán, cuối cùng Ba Lan đã đồng ý cho Mỹ lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn tại địa điểm cách biên giới phía tây của Nga khoảng 184 km cho dù trước đó nước này từng từ chối.

Theo thỏa thuận vừa ký, Mỹ sẽ giúp Ba Lan ngay lập tức trong trường hợp Warsaw bị một bên thứ ba tấn công. Theo giới chuyên môn, Thủ tướng Donald Tusk từng nhiều lần hy vọng, Ba Lan có thể được Mỹ bảo vệ ngay lập tức trong trường hợp bị nguy hiểm và nước này đã toại nguyện.

Sau khi Mỹ cam kết giúp Ba Lan tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách triển khai một dàn phóng tên lửa Patriot gồm 96 tên lửa và thành lập một căn cứ quân sự, nước này đã được phép xây dựng hệ thống phòng thủ. Trước đó (8/7), Mỹ cũng đã ký thỏa thuận với Cộng hòa Czech về hệ thống radar quốc phòng.

Giới quân sự nhận định, hệ thống này tuy có quy mô nhỏ lúc ban đầu, nhưng có thể được mở rộng khi cần thiết. Theo kết quả thăm dò gần đây do nhật báo Rzeczpospolita thực hiện, gần 60% người Ba Lan tin rằng, nước này cần hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng 37% lại khẳng định, đó là quyết định sai lầm. Người Ba Lan tỏ ra lo ngại trước những cảnh báo của Nga.

Châu Âu đang quan ngại sự hiện diện của hệ thống lá chắn tên lửa sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, sẽ khiêu khích Nga nâng cấp và tái tổ chức các căn cứ quân sự và hệ thống tên lửa của họ. Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeie cũng từng cảnh báo, hệ thống này có thể chia rẽ NATO và buộc Nga quay trở lại với đường lối Chiến tranh lạnh trước đây.

Tác động từ cuộc chiến Nga - Gruzia?

Trước khi Mỹ và Ba Lan ký thỏa thuận kể trên, Phó thủ tướng Andrzej Kremer và Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski đã ký thỏa thuận sơ bộ với nhà đàm phán Mỹ John Rood hôm 14/8. Ngay sau khi thỏa thuận sơ bộ giữa Ba Lan và Mỹ được ký kết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoãn chuyến thăm Warsaw dự kiến vào tháng 9. Nga từng tuyên bố, hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu sẽ làm đảo lộn thế cân bằng quân sự tại châu Âu, đồng thời cảnh báo sẽ chĩa tên lửa vào Ba Lan.

Tướng Nikolai Solovtsov, chỉ huy các lực lượng tên lửa Nga từng nhấn mạnh, Moskva có thể nối lại việc chế tạo các tên lửa tầm trung và tầm ngắn để nhằm vào Ba Lan và Cộng hòa Czech nếu hai nước này nhất trí cho đặt các căn cứ tên lửa của Mỹ.

Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin nhấn mạnh, thời điểm ký thỏa thuận cho thấy, lá chắn tên lửa là nhằm vào lực lượng đánh chặn hạt nhân của Nga. Nga luôn cực lực phản đối kế hoạch này bởi nó là thảm họa và đe dọa an ninh của họ. Moskva cảnh báo, Ba Lan đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm sau khi cho phép Mỹ triển khai lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tướng Anatoly Nogovitsyn tuyên bố, Ba Lan có nguy cơ bị tấn công, thậm chí là một cuộc tấn công hạt nhân. Giới bình luận cho rằng, Mỹ và NATO đã phớt lờ những lời cảnh báo của Nga và buộc Moskva vào một cuộc đối đầu bất đắc dĩ. Nhưng hiện Nga đã có đủ khả năng để đáp trả mọi nguy cơ cũng như hành động đe dọa tới an ninh của mình.

Giới quân sự nhận định, việc xây dựng hệ thống tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Czech sẽ giúp củng cố tầm quan trọng chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nhưng Nga sẽ buộc phải áp dụng một số biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Thủ tướng Vladimir Putin từng nhiều lần tuyên bố, Nga sẽ chỉnh lại mục tiêu của các tên lửa nhằm vào những quốc gia đặt hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng từng nhấn mạnh, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa là nhằm vào Nga.

Nga sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Syria Bashar Assad nhân chuyến công du 2 ngày tới nước này (từ 20/8) trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander tại Syria. Được biết, Nga cũng từng lên kế hoạch lắp đặt các tên lửa Iskander tại Syria và vùng Kaliningrad thuộc nước này nhằm đối phó với lá chắn tên lửa Mỹ ở Đông Âu. Nga và Belarus cũng sẽ ký hiệp ước phòng thủ chung.

Mặc dù Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố, thời điểm ký thỏa thuận không liên quan tới tình hình chiến sự tại Gruzia, nhưng giới bình luận không nghĩ như vậy. Họ cho rằng, cuộc xung đột Nga - Gruzia đã tác động mạnh tới quyết định của Ba Lan.

Ngày 20/8, Phó tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, tướng Anatoly Nogovitsyn đã cảnh báo việc Gruzia khôi phục và củng cố quân đội với sự trợ giúp của NATO

Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)
.
.