Ba Lan đối đầu EU vì Dòng chảy phương Bắc 2

Thứ Tư, 14/10/2020, 11:06
Các nhà chức trách Ba Lan đã phạt Gazprom 6,5 tỷ euro vì không nhận được sự chấp thuận của họ cho việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Một khoản tiền phạt kỷ lục gây tranh cãi về mặt pháp lý, đặc biệt là các công ty đối tác châu Âu cũng bị xử phạt và điều này không có lợi cho Warsaw.

Các nước phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) không chịu buông tha. Khi đường ống thứ hai trong dự án Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic bước vào giai đoạn vận hành, các sáng kiến khiến nó bị dừng lại sẽ tăng lên theo cấp số nhân...

Dự án Nord Stream 2 bước vào giai đoạn hoàn thành.

Vào ngày 7-10, Văn phòng Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Ba Lan (UOKiK), cơ quan đã đưa dự án Nord Stream 2 vào tầm ngắm từ năm 2016, đã phạt 29 tỷ zloty (6,46 tỷ euro) đối với tập đoàn dầu khí Nga Gazprom vì đã xây dựng đường ống dẫn khí đốt không đi qua lãnh thổ Ba Lan này mà không nhận được sự chấp thuận của Warsaw...

Người đứng đầu UOKiK Tomasz Chrostny cho rằng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đe dọa đến việc duy trì cung cấp khí đốt tự nhiên đến Ba Lan. Việc này cũng có thể khiến giá khí đốt gia tăng, làm người tiêu dùng Ba Lan phải gánh chịu. UOKiK cho Gazprom và các đối tác châu Âu của tập đoàn Nga tham gia Nord Stream 2 một tháng để chấm dứt các thỏa thuận tài trợ cho dự án này, với 10 tỷ euro đã được đầu tư. Khoản tiền phạt “chưa từng có”, tương đương gần 10% doanh thu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga minh chứng cho việc Warsaw muốn “phản đối việc thực hiện dự án Nord Stream 2 bằng mọi cách”.

Tuy nhiên, một mặt, Gazprom đã tuyên bố ý định kháng cáo phán quyết này, điều có thể làm trì hoãn vô thời hạn mọi phán quyết có hiệu lực, mặt khác, sự cố chấp của Warsaw đang làm tổn hại mối quan hệ của họ với các đối tác châu Âu.

Thật vậy, các công ty châu Âu tham gia vào dự án cũng không bị UOKiK lãng quên. Tổ chức này cũng đã đưa ra án phạt dành cho họ. Mặc dù con số ít hơn 124 lần so với mức phạt đối với Gazprom nhưng tổng số tiền phạt 52 triệu euro này vẫn đang “chọc giận” các đối tác châu Âu. Chẳng hạn với trường hợp của tập đoàn năng lượng Pháp Engie đã nhận được khoản tiền phạt 172 triệu zloty (khoảng 40 triệu euro) từ UOKiK do tham gia dự án Nord Stream. Tập đoàn năng lượng Pháp cho rằng cơ sở pháp lý của quyết định này là không có căn cứ.

Người đứng đầu UOKiK Tomasz Chrostny.

Tương tự, Công ty Uniper, một trong hai đối tác Đức tham gia Nord Stream 2, nhắc nhở rằng dự án công nghiệp này không thuộc thẩm quyền của Ba Lan. Về phía Brussels, người bảo vệ cạnh tranh tự do trong Liên minh châu Âu (EU), Margrethe Vestager, đã lên tiếng phản đối quyết định này của Ba Lan trong một cuộc họp báo ngày 8-10. Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông không nghi ngờ gì về việc Gazprom sẽ làm “tất cả những gì có thể và phải làm” để đáp trả những biện pháp này.

Xin nhắc lại, toàn bộ gói tài chính của dự án Nord Stream 2 đều đáp ứng quyền phủ quyết của Warsaw. Ba Lan là quốc gia duy nhất trong 28 quốc gia châu Âu từ chối việc 5 công ty châu Âu tham gia Nord Stream 2 AG với tư cách là cổ đông. Do đó, các công ty này đã chuyển hình thức tham gia Nord Stream 2 thành nhà đầu tư. Bất chấp cách thức này, vượt quá thẩm quyền của các nhà chức trách Ba Lan, Warsaw vẫn kiên trì áp đặt khoản tiền phạt này, đi ngược lại lợi ích của Nga, cũng như của các đối tác châu Âu liên quan đến dự án. Một cuộc đánh cược mạo hiểm, vì Berlin cho đến nay vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của Warsaw.

Nếu về mặt kinh tế, lợi ích của người tiêu dùng Ba Lan được đưa ra để biện minh cho quyết định trừng phạt ngoài lãnh thổ thì về mặt chính trị, Warsaw đang dùng tới “con bài” duy trì “sự đoàn kết năng lượng” của châu Âu để thúc giục các đối tác của mình ngừng các khoản đầu tư hàng tỷ euro vào Nord Stream 2.

Lập luận quan trọng khác của Warsaw chống lại việc xây dựng tuyến đường ống Nord Stream thứ hai vẫn là lo ngại về sự gia tăng phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga và do đó có thể có sự thay đổi trong chính sách của các nước này dưới áp lực của Moscow.

Về vấn đề Nord Stream, Warsaw có thể tin tưởng vào một đồng minh mạnh mẽ, mặc dù không phải là người châu Âu: Washington. Từ mùa hè năm 2019, lợi dụng việc gìn giữ “sự đoàn kết của châu Âu”, cũng như “an ninh cung cấp năng lượng” của EU, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu một loạt biện pháp trừng phạt đối với các tác nhân của dự án, gây ra sự chậm trễ tốn kém.

Phe đối lập của Mỹ được tiếp thêm sinh lực bởi những cáo buộc gần đây chống lại Nga trong vụ Navalny. Chẳng hạn, vào ngày 21-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thắn tuyên bố với người dân Đức về ý định “xây dựng một liên minh” ở châu Âu chống lại Nord Stream 2. Trước đó vài ngày, một bài viết đăng trên tạp chí Newsweek, dưới sự ký tên của một loạt các nhà hoạt động thân Mỹ và các cựu đại sứ Mỹ tại Đông Âu, đã kêu gọi các nước phương Tây hãy làm mọi cách có thể để Nord Stream 2 “không bao giờ được phép vận hành”.

Ở đây, một lần nữa, lập luận hàng đầu về “sự đoàn kết châu Âu” giữ một vị trí trung tâm. Trong số những người đồng ký tên, đa số người Ukraine - những người vốn phản đối dự án này từ đầu, cũng có hàng chục đại biểu Quốc hội Ba Lan. Điều này chắc chắn sẽ làm xói mòn quan hệ giữa Warsaw và Brussels. Điều đang nói là Warsaw đã và đang nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn dưới danh nghĩa “đoàn kết” và lợi ích của châu Âu.

Về lĩnh vực năng lượng, Ba Lan trong nhiều năm đã thực hiện một chính sách tốn kém trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp, đặc biệt là đối với các nhiên liệu của Nga (khí đốt, dầu mỏ, than đá). Vào mùa thu năm 2018, Ba Lan đã ký kết với American Venture Global LNG để cung cấp 2,7 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong vòng 20 năm. Năm sau, tập đoàn khí đốt PGNiG của Ba Lan nói rằng họ sẽ không gia hạn hợp đồng với nhà máy Yamal của Nga sau ngày 31-12-2022. Đồng thời, Warsaw đang đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân. Các chính sách kinh tế đa dạng hóa năng lượng mà nước này có thể thực hiện lại được đặc biệt nhờ vào ngân sách châu Âu.

Theo giới phân tích, khó có chuyện Gazprom chịu nộp phạt và Nga chịu ngừng xây dựng Nord Stream 2 vì phán quyết của Ba Lan. Nhưng trong diễn biến này, vì thuận theo Mỹ mà Ba Lan khiến cho quan hệ với Nga thêm trắc trở, và khiến nội bộ EU thì thêm chia rẽ.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.