Ba cây bút nữ, ba ngọn lửa xua tan bóng đen số phận

Thứ Ba, 10/06/2014, 15:45

Họ là những người có số phận đặc biệt. Ông trời đã lấy đi của họ sự lành lặn của cơ thể, nhưng bù lại, đã cho họ năng khiếu văn chương và một tâm hồn đẹp. Văn chương đã kéo gần khoảng cách giữa hiện thực và những giấc mơ, như một điểm tựa để họ có thể vươn tới những khát vọng từ hoàn cảnh thực của mình. Để tận cùng nỗi khổ, tận cùng nỗi cô đơn, mất mát, họ vượt qua những định kiến trong xã hội, những mặc cảm cá nhân để đứng dậy làm chủ cuộc sống của mình.

Trần Thị Ngọc Lan: Sống và viết trong cái hốc cầu thang 2m2

Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1979 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Chị tốt nghiệp Khóa VI - Trường Viết văn Nguyễn Du (1999 - 2003). Đã có 5 giải thưởng văn chương. Hiện chị công tác tại Nhà xuất bản Văn học.

Khác với bề ngoài nhỏ bé, yếu mềm của một người bị di chứng bệnh bại liệt từ nhỏ (một tay của chị không viết được và chân đi tập tễnh), Ngọc Lan có một "gia tài" tác phẩm khá dày dặn đã xuất bản. 4 tập tiểu thuyết "Ánh sao rơi" (1996), "Sao nỡ chia đôi" (1997), "Có vơi niềm đau" (2001), "Phu Bòn" (2003), 3 tập truyện ngắn: "Bến đợi" (2000), "Mẹ trần gian" (2008), "Gương mặt con người" (2010) và 4 tập thơ: "Trăng rằm" (1996), "Nỗi buồn cho em" (1999), "Mắt đá" (2001), "Liên quan gì đến tôi" (2005).

Hỏi về con đường đến với văn chương, Ngọc Lan chia sẻ: "Tôi sáng tác thơ từ hồi còn rất nhỏ. Nhưng tác phẩm quan trọng đánh dấu bước tiến đầu tiên trên con đường văn chương của tôi là tiểu thuyết "Ánh sao rơi", viết về cuộc đời sinh viên của một cô gái trẻ. Cuốn này viết trong 15 ngày, lúc đó tôi vừa học xong lớp 9, tôi viết trong cảm xúc mãnh liệt và quyết tâm cao để đạt được thành công như mong đợi.

Điều khiến tôi không bao giờ quên đó là ngày đầu bắt đầu viết văn, nhà nghèo không có bút để viết, tôi giã quả mồng tơi chín làm mực viết, triền miên như vậy cho đến khi cuốn tiểu thuyết đầu tay bằng mực quả mồng tơi "Ánh sao rơi" được in thành công và nhận hàng ngàn lá thư của độc giả trên cả nước. Tôi cảm thấy mình được sẻ chia rất nhiều, nỗi đau đớn vì mọi thứ khiếm khuyết đã vợi đi. Tôi nhận thấy rằng, đến với văn chương, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người cũng như cảm xúc, suy nghĩ của bản thân được sẻ chia rất nhiều.

Đó cũng là ngày tôi bước vào tuổi 16, khi cần phải chọn một nghề nghiệp mình yêu thích, phù hợp với bản thân và giúp ích cho đời, tôi đã quyết định chọn nghề cầm bút dù biết rằng, bao nhiêu khó khăn, thử thách, bao nhiêu gian khổ, thành bại ở phía trước, nhưng chắc chắn tôi sẽ vượt qua và đến nay, tôi đã làm được.

Tôi nghĩ, người không bình thường như tôi, mặc cảm là điều có thật, nhưng khi mình chưa hiểu cuộc sống thôi. Càng đồng hành cùng cuộc sống, cùng văn chương, biết vượt qua những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, thì người ta không còn chút mặc cảm nào nữa. Người ta sẽ sống hoàn toàn bình thường, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác không gặp hoàn cảnh ấy".

Dù yêu văn chương với một tình yêu "cho đi không hề nhận lại" nhưng thoát khỏi những trang viết, đối diện với thực tại, Ngọc Lan sống khá vất vả, chật vật và gian khổ hơn nhiều người trong căn phòng 2m2 ở phố Phạm Hồng Thái. Nó là một cái hốc cầu thang cũ quen thuộc của những ngôi nhà trong phố cổ. Căn phòng chỉ đủ kê một cái giường đơn, trên chiếc giường là máy tính, chăn gối, còn tất cả đồ đạc chị cho hết vào gầm giường hoặc treo trên tường. Căn phòng chật chội, thiếu không khí, bất tiện đủ thứ nhưng Ngọc Lan bảo: Tôi chấp nhận và khắc phục, tôi cần ở độc lập gần cơ quan vì tôi đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên tôi vẫn có đủ không gian để ngủ nghỉ, giải trí và làm việc.

Phòng của tôi gọn, đẹp, ngăn nắp và tôi không thấy khó chịu mấy. Người cầm bút như tôi thì dễ thích nghi với hoàn cảnh sống, dù khó khăn đến mấy. Điều tôi kiếm tìm trong đời sống là các giá trị tinh thần, phi vật thể và tôi đã tìm được những hành trang cho hành trình gian khổ. Trải nghiệm có thể bằng nhiều cách: quan sát, suy nghĩ, đi thực tế cọ xát với đời sống hoặc thông qua sách vở. Tôi đi lại khó khăn, kinh tế yếu, đối với tuổi đời của một nhà văn, đó là sự thiệt thòi, mất mát lớn.

Nhưng điều phải khẳng định là: tôi đã trải nghiệm nhiều như bất cứ một nhà văn nào. Thế giới của tôi phong phú, đầy đủ, nhiều màu sắc, và tôi luôn muốn vươn đến những nhận thức mới. Không ngày nào là tôi dừng lại, nhàm chán, bất lực với chính mình. Có lẽ trời cho tôi một đầu óc biết tìm tòi. Tôi hoàn toàn yên tâm với con đường sáng tạo của tôi, chứ không nao núng với điều kiện sống và sức khỏe.

Lương công nhân viên chức không đủ sống, bởi tôi sống một mình ở thành phố này, thỉnh thoảng gom góp một phần gửi về quê cho mẹ nuôi người anh trai bị bệnh. Trong cuộc sống ai cũng có khó khăn, tôi thì vất vả hơn một chút cũng là phải lẽ. Chẳng biết bao giờ cuộc sống của tôi mới đổi thay, nhưng tôi luôn hy vọng vào ngày mai hạnh phúc.

Trần Trà Mi: Những cánh cửa sổ không bao giờ khép

Đến với văn chương như một lối thoát dù từ nhỏ cô gái sinh năm 1986 Trần Trà Mi đã nuôi mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành bác sĩ tâm lý. Nhưng cuộc sống không ban cho cô giọng nói tròn trịa và đôi chân khỏe mạnh. 16 tuổi, Trà Mi đã suy sụp hoàn toàn khi nhận ra mơ ước ấy không phù hợp với hình hài một người như mình. Trà Mi lao vào viết văn để "triệt tiêu" nỗi buồn và giết thời gian rảnh rỗi. Dường như số phận đã an bài khi càng ngày Trà Mi thấy mình càng đam mê viết, đến nỗi, bỏ bút ra đã thấy nhớ. Cô bắt đầu mường tượng đến khung cảnh một ngày nào đó trên giá sách của người khác sẽ có những cuốn sách mang tên Trần Trà Mi.

Nói đến câu chuyện ngẫu nhiên này, Trà Mi cười bảo: "Lạ lắm chị ạ, phải chăng nó như một định mệnh tiềm ẩn khi cái tên Trà My bắt nguồn từ tên nhân vật trong một cuốn sách nào đó mà bố em đã đọc từ thời trẻ và từ đó ông đã nuôi mơ ước sau này sinh con gái đầu lòng ông sẽ lấy tên là Trà My!".

Nếu như nói rằng, con người sinh ra đã có số mệnh thì số mệnh đã an bài cho cô gái nhỏ này một khả năng viết văn để có thể sáng tác những trang văn như đôi cánh thiên thần thể hiện ước mơ và khát khao của cô về một thế giới lung linh huyền ảo như những câu chuyện cổ tích. Văn chương, từ một cứu cánh, một chỗ nương bóng trong những lúc khốn khó đã mở ra cho cô một con đường để dấn thân và trải nghiệm.

Trà Mi đã in 3 tập truyện ngắn: "Giấc mơ đôi chân thiên thần" (2009), "Chúng ta chính là mùa xuân" (2010), "Yêu trên từng ngón tay" (2013). Trà Mi cũng đã có mặt trong bộ ảnh 90 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam "Họ đã sống như thế" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, đoạt giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn do Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức năm 2006 với truyện ngắn "Mặc cảm", Giải khuyến khích cuộc thi "Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn" do UNESCO và Bộ Giáo dục tổ chức năm 2009.

Trà Mi được bình chọn 1 trong 10 bạn trẻ Khuyết tật Tài năng của Việt Nam do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trao tặng tháng 10/2013. Là một trong 12 Gương mặt khuyết tật tiêu biểu của Việt Nam tháng 12/2013. Hiện nay, Trà Mi đang thực hiện dự án phim nhựa "Những cánh của sổ không bao giờ khép", một dự án mà cô tâm huyết vì nó như một câu slogan nói hộ lòng mình.

Hiện tại, Trà Mi sống tại Sài Gòn. Cũng như bao người tỉnh lẻ khác cũng phải thuê trọ, chuyển trọ, nhảy việc nếu thấy công việc đó thu nhập không ổn. Cuộc sống có lúc bấp bênh và đầy khốn khó, nhưng Trà Mi bảo, cô luôn cố gắng làm việc. Ngoài viết văn ra Trà Mi còn đi làm thêm nhiều việc liên quan đến truyền thông để có thêm thu nhập.

Trà Mi bảo, hiện nay cô còn trẻ nên sẽ chịu khó trải nghiệm, chiêm nghiệm để được viết bằng cả trái tim mình. Nếu bây giờ có điều ước, cô chả ước ao gì nhiều, chỉ ước mong mình có sức khỏe, có dũng khí để tiếp tục "chiến đấu" với cuộc sống, với văn chương…

Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Cảm ơn nghịch cảnh đã cho tôi nghị lực

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình. Bị bệnh nan y từ khi 13 tuổi, chỉ học hết lớp 8. Ở một làng nhỏ của tỉnh Thái Bình, chị vừa đấu tranh với bệnh tật vừa tự học tiếng Anh và nỗ lực với tất cả những gì có thể. Sau 5 năm tự học, chị bắt đầu mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em trong huyện. Sau một cuộc khủng hoảng sức khỏe trầm trọng chị phải dừng dạy học vĩnh viễn.

Khi đó người cô ruột của chị, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, gợi ý chị nên thử dịch sách vì cô biết cô ham đọc sách văn học từ nhỏ, có vốn tiếng Anh, và đã đọc nhiều nguyên tác văn học bằng tiếng Anh. Cô giúp Bích Lan liên hệ với NXB Phụ nữ và chị được họ giao cho dịch thử cuốn sách văn học đầu tiên, cuốn "Never Doubt My Love" (Đừng nghi ngờ tình yêu của anh) của một nữ nhà văn người Úc. Ngỡ là dịch thử thôi, nhưng chị lại làm được. Cũng từ đó chị được giao cho dịch hết cuốn này đến cuốn khác.

Có lẽ, như người ta thường nói, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Nguyễn Bích Lan mắc bệnh nan y như một định mệnh đã an bài nhưng bù lại, chị có một sự mạnh mẽ, nghị lực và đầy nhạy cảm. Dù nói như Nick Vujicic, chỉ cần có một cái mụn trên mặt bạn đã thấy khổ sở lắm rồi. Hồi đầu khi mới bị bệnh Bích Lan cũng gặp phải nhiều sự mặc cảm, tủi thân nhưng chị chia sẻ rằng, kể từ khi chị tìm ra hướng tự học và bắt đầu dạy tiếng Anh cho trẻ làng chị không còn cảm giác ấy ám ảnh thường trực nữa.

Chị thấy mình hoàn toàn có thể sống có ích bất chấp nghịch cảnh. Và cho đến khi gặp gỡ với văn chương của một người từng là học sinh chuyên văn, vốn ngoại ngữ, tất cả những yếu tố đó hội tụ lại vào một thời điểm trong nghịch cảnh mở ra cho chị một con đường. Đó là con đường dịch văn học, một con đường mà chị đã đi được 12 năm và chắc chắn sẽ đi suốt cuộc đời.

Cho đến nay Bích Lan đã trở thành tác giả và dịch giả của 30 cuốn sách, trong đó phải kể đến cuốn "Triệu phú khu ổ chuột", tác phẩm dịch được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Chị chính là dịch giả của bộ tự truyện của diễn giả nổi tiếng Nick Vujicic và là tác giả của tự truyện "Không gục ngã" được nhiều bạn đọc yêu thích. Bích Lan là 1 trong 8 phụ nữ đương đại được tôn vinh tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Khi tôi hỏi về một vài kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời và trong nghiệp văn, Nguyễn Bích Lan chia sẻ: "Tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên với các độc giả. Rất nhiều độc giả trẻ đọc xong các cuốn sách tôi dịch, đặc biệt là cuốn "Không gục ngã" đã tìm cách liên lạc với tôi để nói lời cảm ơn. Tôi nhớ có lần tôi nhận được cuộc điện thoại của một bạn gái 20 tuổi nói giọng miền Nam.

Em nói với tôi rằng, em đọc cuốn tự truyện "Không gục ngã" của tôi khi em đang nghĩ đến chuyện tự tử vì những bế tắc trong cuộc sống. Khi đọc xong cuốn sách em quyết định sẽ tiếp tục sống và đối mặt với những thử thách giống như tôi. Lời hứa của em trong điện thoại khiến tôi rơi lệ. Tôi biết đó là hạnh phúc vô giá".

Hiện tại cuộc sống của Bích Lan rất ổn. Tuy chị vẫn phải đối mặt với căn bệnh nan y, nhưng chị đã quen đương đầu với nó. Chị cho rằng điều quý nhất mà nghịch cảnh mang đến cho chị là nó giúp chị rèn được sự mạnh mẽ, lạc quan. Giờ đây, chị cảm thấy yên tâm về bản thân, yên tâm về hướng đi của mình. Chị làm không hết việc, luôn bận rộn với những dự án dịch văn học và sáng tác.

Chị bảo: "Tôi có một gia đình giàu tình yêu thương, sự ủng hộ và chia sẻ. Mẹ tôi luôn là độc giả đầu tiên của tất cả những cuốn sách tôi đã dịch và viết. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc"

Thiên Kim
.
.